Người Pháp có nguồn gốc từ Troy?

Một truyền thuyết có từ thế kỷ 7 về nguồn gốc tổ tiên dân tộc Pháp đã từng được “thổi lên” vì mục đích chính trị.

Trong cuốn Sử biên niên viết vào cuối thế kỉ thứ 7 đã đề cập đến mối quan hệ huyết thống giữa người Franc - những người “man rợ” đã xâm chiếm xứ Gaule (nước Pháp ngày nay) vào thế kỉ thứ 5 - với thành Troy trong sử thi llliad của Homer.

Chiến tranh thành Troy là một cuộc chiến quan trọng trong thần thoại Hy Lạp và được nhắc đến trong hai trường ca của Homer là Iliad và Odyssey. Cuộc chiến này xảy ra khoảng năm 1184 trước Công nguyên.

Truyền thuyết...

Các tác giả của Sử biên niên đã lấy ý tưởng này từ tác phẩm Aeneid của tác giả La Mã Virgil, là một thiên anh hùng ca kể về dũng sĩ Aeneas thành Troy đã dẫn một nhóm người trốn thoát khi quân Hy Lạp chiếm được thành. Aeneas và những người này sau đó đã xây dựng nên thành La Mã.

Tranh mô tả dũng sĩ Aeneas cõng cha và dắt một nhóm người chạy khỏi thành Troy khi thành bị quân Hy Lạp chiếm.

Virgil đã mở rộng một đoạn mà Thánh Jerome (một trong những người đầu tiên giảng giáo lý của Cơ Đốc giáo) viết về một truyền thuyết ra đời từ thế kỉ thứ nhất sau Công nguyên. Truyền thuyết này nói về nguồn gốc chung của người Gaule với người La Mã, nhưng người La Mã ở đây lại được Virgil chuyển thành người Franc.

Trong thiên anh hùng ca này còn có nhân vật Francion là em trai của Aeneas. Người này sau khi rời thành Troy đã thành lập ra vương quốc Đức nằm giữa sông Rhin và sông Danube. Hậu duệ của ông ta không chịu khuất phục cả đế chế La Mã lẫn các bộ lạc man rợ khác cho đến khi họ đến xứ Gaule và định cư luôn ở đó.

... nối tiếp truyền thuyết

Đến năm 727 thì một giả thuyết khác được nêu ra trong tác phẩm mang tên “Gesta Regnum Francorum” của một tu sĩ ở xứ Gaule.

Trong tác phẩm này, người dẫn đường cuộc di dân Troy là Antenor bị xem là phản bội khi đưa con ngựa gỗ khổng lồ trong bụng chứa toàn lính Hy Lạp vào thành Troy.

Sau khi thành Troy mất, chàng dẫn một số người Troy bỏ đi nơi khác và lập nên thành phố Venise và thành phố Padoue.

Vào năm 376, theo yêu cầu của hoàng đế La Mã Valentinien II, con cháu của Antenor đã giao chiến với tộc Alani man rợ và sau khi chiến thắng, họ được miễn việc triều cống La Mã trong 10 năm. Tên của dân tộc Franc vì thế không bắt nguồn từ tên Francion mà có nghĩa là “ miễn cống’’ bởi sau 10 năm miễn cống, con cháu của Antenor từ chối trở lại triều cống, rồi bỏ quê hương đi xây dựng một thành phố khác, sau này trở thành thành phố Paris.

Câu chuyện được viết lại

Sau này, những nhà viết lịch sử thời Trung Cổ đã chỉnh sửa cả hai truyền thuyết trên.

Đến thế kỷ 13 thì cái tên Francion được chính thức đưa vào Đại biên niên sử nước Pháp. Ưu thế của Francion là mang một cái tên đồng âm với tên nước Pháp. Nhưng bất lợi lớn của nhân vật này là có các anh em họ Brutus và Turcus, được cho là tổ tiên của người Anh (Britain) và người Thổ Nhĩ Kỳ (Turk). Mà thời Trung cổ, Pháp lại không xem Anh là bạn.

Ngay từ thế kỷ 15, các sử gia Italy đã tỏ ra hoài nghi nguồn gốc Troy của dân tộc Gaulois. Nhưng người Pháp không dễ dàng chấp nhận thực tế cho rằng người Franc trước đây là nhóm dân tộc “man rợ” gốc Đức (vua Francois I của nước Pháp đã từng đánh nhau quyết liệt với vua Charles Quint của nước Đức).

Truyền thuyết này chỉ thực sự đổi mới ở thế kỷ 16 khi đưa người Gaulois trở lại huyền thoại đầu tiên và gắn dân tộc Pháp vào một truyền thuyết của Thiên Chúa giáo. Năm 1513, sử gia Jean Lemaire de Belges khẳng định rằng lịch sử người Gaulois rất quan trọng bởi đây là dân tộc nguyên thủy của lãnh thổ Pháp kể từ thời Kinh Thánh. Họ chỉ tiếp nhận người Troy lưu vong đến đây, chứ không phải họ từ Troy đến.

Còn người Franc thì hầu như phân tán khắp nơi. Những ai nghiên cứu gốc gác của người Franc, như sử gia Nicolas Viguier, đều biết rằng họ là người gốc Đức. Tuy nhiên những truyền thuyết này không được ủng hộ ở thế kỷ 17 do vua Louis XIV của Pháp vô cùng ghét Đức.

Đến thời Đệ tam Cộng hòa thì dân tộc Pháp được xác định là bắt nguồn từ một dân tộc Gaulois thuần nhất, không hề bị ảnh hưởng bởi việc chinh phục của người La Mã và những cuộc xâm lăng của người Franc. Đây là cách để các nhà chính trị xoa dịu sự đối kháng giữa Pháp và Đức vốn rất căng thẳng khi đó.

Ý nghĩa chính trị của truyền thuyết

Truyền thuyết này rõ ràng là nhằm tìm kiếm sự đoàn kết dân tộc thông qua mối quan hệ ruột thịt, khiến tất cả các tỉnh của Pháp và các thành phần xã hội Pháp trở nên đoàn kết hơn vì có chung một gốc tổ tiên.

Thiên anh hùng ca kể về Francion và Antenor có thể sánh ngang với thiên anh hùng ca nói về Aeneas của dân tộc La Mã, vốn mang “sứ mệnh thống trị” thiên hạ. Sự “man rợ” của người Franc bị xóa mờ, còn dân tộc Pháp thì được vinh danh bởi dòng máu người Troy trong huyết quản, chứng tỏ họ là một dân tộc cao quý hơn các dân tộc khác.

Huyền thoại này cũng chứng tỏ nước Pháp hoàn toàn không bị chi phối bởi quyền lực Giáo hoàng và Thánh chế vốn được xem là sự kế tục của đế chế La Mã. Kể từ vương triều vua Philippe le Bel (1268 - 1314) trở đi, người ta bắt đầu tuyên truyền rằng người Franc chưa bao giờ quy phục La Mã.
Trung Hiếu (tổng hợp)
Ngựa thành Troy làm từ phím máy tính
Ngựa thành Troy làm từ phím máy tính

Một nghệ sĩ người Đức tên là Babis Pangiotidis đã tạo ra một con ngựa bập bênh khổng lồ ghép bằng 18.000 phím tháo ra từ các bàn phím máy tính cũ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN