Ngày đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ - Kỳ 1

Ngày 17/9/1862, tại vùng đất hẻo lánh bang Maryland đã nổ ra một cuộc chiến long trời lở đất. Hơn 110.000 binh sĩ của hai bên dàn trận giao tranh với mức độ tàn khốc chưa từng có để quyết định tương lai của nước Mỹ. Đó là ngày đẫm máu nhất trong cuộc Nội chiến Mỹ nói riêng và trong cả chiều dài quân sự Mỹ và Bắc Mỹ nói chung cho đến tận ngày nay. Trận chiến này có tên Antietam, hay Sharpsburg, tùy theo cách gọi của mỗi bên.

 

Kỳ 1: Cánh đồng chết

 

Trận Gettysburg có thể nổi tiếng hơn, nhưng nhiều nhà sử học cho rằng Trận Antietam mới là bước ngoặt thực sự trong cuộc Nội chiến Mỹ. Một chiến thắng dù mong manh của Liên bang miền Bắc là cơ hội để Tổng thống Abraham Lincoln (1809-1865) làm thay đổi tính chất của cuộc chiến. Ông không muốn có bất cứ sự thỏa hiệp nào, nhằm đảm bảo cuộc chiến sẽ chấm dứt hoàn toàn, và huy động tất cả các lực lượng cần thiết để giành được một chiến thắng quyết định. Trận Antietam đã cho phép Lincoln biến cuộc chiến bảo vệ phe Liên bang thành cuộc chiến giải phóng nô lệ; một cuộc chiến của giới cầm quyền về quyền của các bang đã biến thành một cuộc “chiến tranh nhân dân” để định hình xã hội nước Mỹ trong tương lai.


 

Tướng Robert E Lee (1807-1870) của Liên minh miền Nam.


Ý nghĩa to lớn của thắng lợi trong trận Antietam đẫm máu đối với Liên bang đã khiến trận này được coi là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc phân tranh Nam-Bắc, và cũng là một trong những cuộc giao chiến quyết định nhất trong lịch sử thế giới. Tướng Lee đã rút quân khỏi đất Bắc nên đây rõ ràng là một thất bại lớn của quân Liên minh, dù Tướng McCellan bị cách chức không lâu sau đó do không tích cực truy sát khi Tướng Lee kéo tàn binh về miền Nam.


Trong ngày 17/9/1862 trên chiến trường chết chóc ấy, đã có nhiều người Mỹ chết và bị thương hơn bất cứ ngày nào khác trong lịch sử. Khoảng 6.500 người đã thiệt mạng chỉ tính riêng trong ngày này, tức gấp đôi số người chết trong các vụ khủng bố ngày 11/9/2001 và gấp bốn lần số binh sĩ tử trận trong ngày D-Day. Khoảng 15.000 người bị thương. Nhiều người trong số này sau đó đã không thể qua khỏi hoặc bị tàn phế suốt đời.


Cái ngày đen tối ấy gần như một điều tất yếu do địa hình và phạm vi chiến trường. Hai đội quân giao tranh trong một dải đất chỉ rộng vài km vuông nằm kẹp giữa Sông Potomac và con Lạch Antietam. Vùng đất biệt lập này mang một địa thế hỗn hợp, phần lớn là các dãy đồi thoai thoải tạo nên những những cánh đồng chết với những cánh rừng, nông trại, những đồng ngô đến kỳ thu hoạch và thị trấn nhỏ Sharpsburg (chính là tên khác của trận Antietam theo cách gọi của phe Liên minh); đây cũng là nơi giao cắt của những con đường cũ, những bức tường đá và hàng rào gỗ.


Tướng George B McClellan (1826 -1885) của Liên bang miền Bắc.


Tư lệnh Binh đoàn Bắc Virginia (đội quân chủ lực của Liên minh miền Nam tại Mặt trận phía Đông thời Nội chiến Mỹ), Tướng Robert E Lee đã không còn đường để thoái lui hay điều binh khiển tướng. Lực lượng của ông bị áp đảo về mặt quân số và buộc phải tổ chức một cuộc chiến phòng ngự đầy cam go. Hai bên mạng sườn của quân ông lấy sông Potomac và lạch Antietam làm điểm tựa. Nhưng chính con sông Antietam ở phía sau lưng ông khiến vị chỉ huy này không còn đường rút nếu đội quân của ông bị đánh bật khỏi vị trí cố thủ trên dãy đồi chạy dọc hai bên của thị trấn Sharpsburg.


Trong khi đó, Tư lệnh Binh đoàn Potomac (binh đoàn chủ lực của quân đội Liên bang miền Bắc tại mặt trận miền Đông), Tướng George B McClellan, cũng vấp phải những trở ngại nhất định. Theo đó nếu ông định đẩy lùi những kẻ xâm lược (quân Liên minh) ra khỏi Maryland, thì ông phải tấn công. Và nếu tấn công, ông sẽ không có lựa chọn nào khác là đánh vỗ mặt vào phòng tuyến của Liên minh. Như vậy sẽ không thể đánh thọc sườn và cũng không dễ gì để tập hậu đối phương.


Một góc chiến trường tại con lạch Antietam.


Bởi vậy, 110.000 binh sĩ và 450 khẩu pháo được tập kết trong một dải đất dài 8 km và rộng 4,5 km mà không có một phương án nào khác ngoài việc tấn công trực diện. Do đó trận Antietam, cũng giống như cả cuộc chiến nói chung, đã biến thành một “cỗ máy xay thịt” ghê rợn. Và yếu tố tạo nên trận đánh hao tổn sinh lực này là một thực tế hết sức đơn giản khi lực lượng 35.000 quân của Tướng Lee đến cuối ngày chỉ còn 25.000 quân, tất cả đã sức cùng lực kiệt, trong khi đội quân 75.000 người của Tướng McClellan dù hứng chịu 13.000 thương vong vẫn còn 20.000 quân dự bị chưa hề tham chiến, cộng với 13.000 quân đã đến chiến trường vào thời điểm đó. Như thế, chỉ riêng lực lượng dự bị “mới tinh” của Tướng McClellan cũng vượt trội so với toàn bộ binh lực còn lại của Tướng Lee vào sáng ngày 18/9.


Ấy vậy mà, Tướng Lee vẫn cho quân giữ nguyên các vị trí trong ngày hôm sau, bất chấp cảnh báo của tất cả các chỉ huy cấp cao dưới quyền ông, thách thức đối phương phát động một đợt công kích mới. Nhưng Tướng McClellan cũng không ra tay vì quá đề cao sức mạnh của quân Liên minh. Ông cho rằng Tướng Lee sở hữu tới 125.000 quân tại Sharpsburg, một sự phóng đại đến 5 lần lực lượng thực tế của đối phương vào ngày 18 tháng 9.


Tướng Lee có thể giành được thắng lợi về mặt tinh thần bằng việc án binh bất động trong một ngày, nhưng sức tấn công của ông đã cạn kiệt và việc rút về Virginia để tái tiếp tế, tái trang bị và tăng viện cho đội quân đã tả tơi và rệu rã của ông là điều tất yếu. Trong khi đó, Tổng thống Lincoln muốn đánh tan Binh đoàn Bắc Virginia. Ông liên tục thúc giục Tướng McClellan hãy quyết liệt hơn để chớp thời cơ làm nên một chiến thắng hủy diệt dẫn đến kết thúc chiến tranh.



Huy Lê

 

Đón đọc kỳ tới: Kẻ đủng đỉnh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN