Mỹ từng có kế hoạch vũ trang 2 triệu quân Nhật tấn công Trung Quốc

Ngày 20/6/1950, Ngoại trưởng Mỹ Dean Acheson khẳng định trước Quốc hội rằng một cuộc tấn công của CHDCND Triều Tiên đối với Hàn Quốc là rất khó xảy ra. Năm này sau, đúng vào sáng sớm chủ nhật, Quân đội nhân dân Triều Tiên dưới sự yểm trợ của pháo binh, bất ngờ vượt qua vĩ tuyến 38 (phân chia hai miền Nam – Bắc Triều Tiên), tấn công Hàn Quốc. Chiến tranh Triều Tiên chính thức bùng nổ. Trong những tháng đầu tiên của chiến tranh, do thiếu hụt binh lực (sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II, Lầu Năm Góc thực hiện kế hoạch cắt giảm quân số trên quy mô lớn), nên liên quân Mỹ - Hàn nhanh chóng bị đẩy lui và dồn ép vào khu vực nhỏ chỉ rộng khoảng vài chục km2 lấy Pusan làm trung tâm. Nhằm hóa giải áp lực mà quân Mỹ phải chịu đựng trên chiến trường Triều Tiên, Tư lệnh tối cao quân Viễn Đông Mỹ, tướng Douglas Mc Arthur, một mặt cấp báo về Oasinhtơn xin chi viện từ “đất mẹ”, một mặt vắt óc tìm nguồn tăng cường binh lực tại chỗ.


Quân Mỹ tại chiến trường Triều Tiên.


Theo hồi ký của Cố Duy Quân, đại diện chính quyền Tưởng Giới Thạch tại Liên hợp quốc khi đó, nhằm giải cứu cho quân Mỹ đang mắc kẹt ở Triều Tiên, McArthur đã không quản nguy hiểm đích thân sang Đài Loan để cùng bàn bạc với Tưởng Giới Thạch chuyện mượn quân tăng viện. Ý tưởng này của McArthur đã được Tưởng Giới Thạch nhiệt liệt hưởng ứng. Tưởng Giới Thạch bày tỏ sẵn sàng ra lệnh cho 30.000 quân tinh nhuệ nhất từ Đài Loan sang tham chiến ở chiến trường Triều Tiên. Nhưng sau khi tính toán kỹ lưỡng, người Mỹ đã hủy bỏ kế hoạch này vì lo ngại Tưởng Giới Thạch sẽ thừa nước đục thả câu, đặt Lầu Năm góc vào tình thế phải ra mặt tấn công Trung Quốc Đại lục.

 

Tuy nhiên, ít ai biết rằng đằng sau kế hoạch mượn quân Tưởng Giới Thạch, McArthur còn có một âm mưu khác. Đó là vũ trang cho 2 triệu quân Nhật tấn công Trung Quốc Đại lục. Phía Nhật Bản đã đồng ý về mặt nguyên tắc, nhưng đưa ra 4 điều kiện: 1/Mỹ lập tức ký hòa ước với Nhật Bản; 2/cho phép Nhật Bản tham gia Liên hợp quốc; 3/ cho phép Nhật Bản xây dựng thị trường bán buôn nhằm giải quyết vấn đề tiêu thụ sản phẩm công nghiệp và duy trì kinh tế Nhật Bản cũng như nguồn cung cấp cho lực lượng quân đội 2 triệu người; 4/sau khi xây dựng xong đội quân 2 triệu người, khi cần và có được sự chín muồi về chiến lược, phải giao Đài Loan cho Nhật Bản quản lý và người Mỹ phải chi trả toàn bộ chi phí chiến tranh.

 

Do tất cả các điều kiện trên có liên quan mật thiết với tập đoàn Tưởng Giới Thạch, nên McArthur muốn có được ý kiến của Tưởng Giới Thạch. Qua đại diện của chính quyền Tưởng Giới Thạch tại Nhật Bản, Hà Thế Lễ, McArthur biết Tưởng Giới Thạch đồng ý với 3 điều kiện của Nhật Bản, còn điều kiện thứ 4 muốn đổi thành “chủ quyền Đài Loan vẫn do Liên hợp quốc thác quản, nhưng dưới phương thức: Nhật Bản thay mặt Liên hợp quốc quản lý. Tuy nhiên, cuối cùng âm mưu này của McArthur cũng không được thực hiện. Bởi, việc sử dụng quân Nhật Bản tấn công Trung Quốc Đại lục sẽ đặt cả chính phủ Mỹ lẫn Lầu Năm góc trước nguy cơ vấp phải sự phản đối kịch liệt ngay trong nước Mỹ và vấn đề trang bị cho 2 triệu quân Nhật không phải một sớm một chiều có thể giải quyết xong, trong đó chiến tranh ngày càng ác liệt. Quan trọng hơn, lúc này Lầu Năm góc đã chấp nhận kế hoạch của McArthur đổ bộ vào bờ xa phía sau phòng tuyến của Quân đội nhân dân Triều Tiên tại Inchon. Đặc biệt, sau cuộc đổ bộ thành công vào Inchon ngày 15/9/1950, diễn biến trên chiến trường xuất hiện sự thay đổi có lợi cho liên quân Mỹ - Hàn.


Minh Thành (Theo báo Trung Quốc).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN