Bạn có thể không biết điều này, nhưng Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins không đơn độc trên Mặt trăng. Tuy nhiên, chuyến đi lịch sử của họ đến vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất đã khiến thất bại của Liên Xô bị lãng quên. Ngay cả tại thời điểm đó, chỉ những người làm việc trong dự án mới nhận thức được các mục tiêu thực sự trong dự án Luna-15 của Liên Xô. Đó không gì khác chính là nỗ lực cuối cùng để về đích trong cuộc đua vũ trụ.
Luna-15 là gì?
Liên Xô đã có các kế hoạch hạ cánh và thám hiểm Mặt Trăng đầy tham vọng. Chương trình không gian có tên “Luna” của nước này - với tham vọng ra mắt tàu vũ trụ liên hành tinh lên Mặt Trăng – đã xuất hiện từ năm 1958, sớm hơn chương trình Apollo của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Chuyến bay vào vũ trụ có người lái đầu tiên trên thế giới của Yuri Gagarin vào năm 1961 đã củng cố niềm tin của Liên Xô rằng thống trị không gian là sứ mệnh dành cho họ. Và trong một lúc nào đó, tưởng như họ sẽ làm được điều ấy.
Ở lần phóng thứ tư, ngày 2/1/1959, Liên Xô đã đưa trạm Luna-1 trở thành con tàu vũ trụ đầu tiên thoát khỏi quỹ đạo Trái đất, tuy nhiên nó đã đi sượt qua Mặt Trăng. Cũng trong năm 1959, Luna-3 đã chụp những bức ảnh đầu tiên về vùng tối Mặt Trăng. Các sứ mạng thành công khác của Liên Xô còn có: đưa vật thể nhân tạo đầu tiên đến Mặt Trăng và tàu thăm dò đầu tiên tiến hành hạ cánh "mềm" trên bề mặt "chị Hằng".
Đúng như tên gọi, Luna-15 là nhiệm vụ được công bố chính thức lần thứ mười lăm (mặc dù về mặt thực tế phóng thì đây là lần thứ 31). Nhiều tàu thăm dò trong chương trình Luna thậm chí không đi được vào quỹ đạo Trái đất, trong khi những tàu khác thì không thể rời đi. Khi đó, Chính phủ Liên Xô không công bố những thất bại, vì họ biết vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, khi được thông báo rằng các phi hành gia Mỹ sẽ khởi hành lên Mặt Trăng trên tàu Apollo 11 vào ngày 16/7/1969, Liên Xô đã quyết định hành động.
Đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng lúc đó là điều khó thực hiện. Tuy vậy, Luna-15 vẫn được dự định là phương tiện đầu tiên tiến hành thu thập đất Mặt Trăng và đưa mẫu vật trở lại Trái đất. Mục tiêu này được xếp loại mật, và vụ phóng được cố tình lên kế hoạch diễn ra ba ngày trước sứ mạng Apollo 11 của Mỹ.
"Bây giờ hoặc không bao giờ"
Đối với NASA, nhiệm vụ của Liên Xô dường như là một công việc rất kỳ lạ. Nó có nghĩa là hai vật thể cùng một lúc sẽ truyền tín hiệu vô tuyến từ Mặt Trăng trở lại Trái Đất. Hơn nữa, không có gì được tiết lộ về kế hoạch bay của Luna-15. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ lo sợ sự can thiệp không mong muốn, và thậm chí đã gửi chỉ huy tàu Apollo 8 là Frank Borman tới Liên Xô. Ông Borman có mối quan hệ tốt với Liên Xô, và trở thành phi hành gia đầu tiên của Mỹ đến thăm đất nước này. Ông có thể xác nhận rằng sẽ không có vấn đề gì xảy ra.
Khi mới bắt đầu, tất cả diễn ra theo kế hoạch. Trạm quỹ đạo Luna-15 của Liên Xô nặng 5 tấn (lúc đó mọi thứ đều cồng kềnh) đã tiếp cận Mặt Trăng vào ngày 17/7, ba ngày trước tàu Apollo 11, lúc đó còn đang bay trên không và đi vào quỹ đạo gần Mặt Trăng. Nhưng sau đó, điều không lường trước đã xảy ra. Vì một số lý do, tàu vũ trụ của Liên Xô bị mắc kẹt trong quỹ đạo Mặt Trăng, cho phép Apollo 11 “lẻn” qua (và hạ cánh an toàn xuống Mặt trăng vào ngày 20/7/1969).
Có một số giả thuyết về nguyên nhân sự cố, từ các trục trặc trên tàu đến trường trọng lực của Mặt Trăng, vốn vẫn chưa được hiểu rõ vào thời điểm đó. Trong lúc này, các nhà vật lý Liên Xô ở Trái Đất vẫn đang thực hiện những nỗ lực tuyệt vọng để đưa ra những lựa chọn hạ cánh tốt nhất cho Luna-15.
Ngay cả sau khi đội Mỹ đã hạ cánh, các kiểm soát viên của Liên Xô vẫn đang vật lộn với những tính toán. Vào thời điểm Neil Armstrong và 'Buzz' Aldrin thực hiện "một bước đi nhỏ - một bước nhảy vọt" và thu thập đất Mặt Trăng thì Luna-15 đã quay quanh quỹ đạo không dưới 52 lần. Cho tới khoảng hai giờ trước khi Apollo 11 cất cánh rời khỏi Mặt Trăng (để trở về Trái đất), giới lãnh đạo Liên Xô đã quyết định "bây giờ hoặc không bao giờ", và họ ra lệnh cho Luna-15 đáp cánh xuống Mặt Trăng.
Thắt chặt dây an toàn
Hoá ra tất cả những diễn biến kịch tính khi đó đã được các nhà khoa học Anh tại Đài thiên văn Jodrell Bank Lovell theo dõi từ Trái Đất. Họ đang lắng nghe lưu lượng thoại từ cả hai sứ mạng (Luna-15 và Apollo 11) cùng lúc với sự trợ giúp của kính viễn vọng vô tuyến. Năm 2009, bản ghi âm này đã được công khai vào dịp kỷ niệm 40 năm cuộc đổ bộ Mặt Trăng.
Nghe bản ghi từ Kính viễn vọng Jodrell Bank Lovell về vụ tai nạn của tàu Luna-15:
Đột nhiên, họ nhận ra rằng Luna-15 không chỉ ở đó để chụp ảnh bề mặt Mặt Trăng, mà ý định thực sự là hạ cánh. Các nhà khoa học Anh đã thốt lên rằng “Nó đang hạ cánh” và tiếp tục lắng nghe. Những từ cuối cùng, hơi kỳ quặc của họ trên bản ghi âm được công bố là: “Tôi nói mà, đây đúng là bi kịch của mệnh lệnh tối cao”.
Bốn phút sau, Luna-15 tiếp đất dữ dội với Mặt Trăng, bằng cách đâm vào một sườn núi. Toàn bộ thiết bị rơi xuống bề mặt Mặt Trăng, nơi mà những gì còn lại của nó đến nay có lẽ vẫn nằm ở đó.
Nhà sử học vũ trụ Asif Siddiqi, trong cuốn sách "Thử thách với Apollo", sau này viết lại rằng: “Có một điều trớ trêu nhỏ cho toàn bộ sứ mạng. Ngay cả khi không có sự chậm trễ nghiêm trọng tới 18 tiếng khi tìm cách hạ cánh, và ngay cả khi Luna-15 đã hạ cánh, thu thập mẫu đất và trở về Trái Đất một cách an toàn, thì mô-đun nhỏ của nó sẽ chạm vào lãnh thổ Liên Xô trong hai giờ bốn phút sau khi Apollo 11 đáp xuống biển cùng với 3 nhà du hành Mỹ. Thực tế, cuộc đua đã kết thúc trước khi nó bắt đầu".