Triển lãm "Apollo's Muse: The Moon in the Age of Photography" (tạm dịch: Cảm hứng Apollo: Mặt Trăng trong kỷ nguyên nhiếp ảnh) được tổ chức từ ngày 3/7, gần 2 tuần trước ngày kỷ niệm 50 năm kể từ khi Apollo đưa con người lần đầu tiên lên Mặt Trăng vào năm 1969, và sẽ kéo dài tới ngày 22/9.
Kể về hành trình song hành của nghệ thuật nhiếp ảnh và niềm cảm hứng bất tận từ "chị Hằng", những tác phẩm được trưng bày không bị giới hạn về thời gian, có cả những tác phẩm được thực hiện từ năm 1610 khi nhà thiên văn học, nhà bác học Galileo khắc họa hình ảnh một vật thể rực rỡ trong cuốn sách của ông về các quan sát thiên văn.
Như lời một đại diện của Metropolitan chia sẻ, Mặt Trăng là chủ thể của khoa học và nghệ thuật, của hoạt động quan sát và tưởng tượng. Ngay từ thuở sơ khai của nhiếp ảnh, năm 1840, Mặt Trăng đã được John William Draper chụp lại với phương pháp chụp hình dương bản Daguerre, sử dụng tấm đồng tráng bạc bóng.
Điều này cho thấy sự kiên kết giữa sức lôi cuốn của Mặt Trăng và tiến trình phát triển của ngành nhiếp ảnh. Khi những bức hình "chị Hằng" có độ chính xác ngày càng cao và phổ biến hơn trong công chúng, cũng là lúc ngày càng nhiều người có được những trải nghiệm lần đầu được chứng kiến hình ảnh Mặt Trăng một cách chân thực.
Bước vào thế kỷ 20, bộ Atlas Mặt Trăng của Maurice Loewy and Pierre Henri Puiseux đã tạo ra bước ngoặt trong nghệ thuật chụp ảnh Mặt Trăng. Những tấm hình trong bộ Atlas này được cặp nhiếp ảnh gia ghi lại từ đài quan sát đặt ở thủ đô Paris ở Pháp, nơi đặt một trong những kính thiên văn hiện đại nhất thời bấy giờ.
Đại diện Metropolitan khẳng định nếu không có nghệ thuật nhiếp ảnh, có lẽ đã không có chuyến tàu nào hạ cánh xuống Mặt Trăng bởi qua đó con người mới phần nào khám phá ra địa hình của hành tinh này và tìm được một bến đỗ.
Mặt Trăng là hành tinh duy nhất ngoài Trái Đất mà con người có thể nhìn thấy bằng mắt thường một cách rõ nét, là thứ gì đó vừa xa lạ lại vừa gần gũi, vừa bất động lại vừa biến động, là một sự nghịch lý thân thiện mà mọi người trên thế giới đều đã quá đỗi quen thuộc.
Những bức hình trưng bày tại Metropolitan đã khơi dậy trí tưởng tượng không chỉ cho công chúng mà còn cho cả các nghệ sĩ, các họa sĩ, nhà thơ và truyền cảm hứng cho những tác phẩm nghệ thuật như những gì đã được nhà làm phim Georges Melies truyền tải trong bộ phim ngắn "A trip to the Moon" năm 1902.