Cuộc đối đầu Trung - Ấn chết chóc nhất kể từ năm 1967 không liên quan đến bất cứ màn đọ súng nào. Thay vào đó, binh sĩ hai bên sử dụng các loại vũ khí thô sơ mà họ tìm được ở một vùng núi biệt lập, cao trên 4.200 mét so với mực nước biển và không người sinh sống.
Tay lăm lăm những thanh sắt hàng rào và gậy quấn dây thép gai, dưới ánh trăng giăng khắp những vách đá lởm chởm trên Thung lũng Galwan, tối 15/6 binh sĩ hai bên đã hỗn chiến dữ dội suốt nhiều giờ.
Một số binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng khi ngã xuống lòng sông ở dưới thung lũng. Những người khác bị đánh chết. Đến hôm sau, quân đội Ấn Độ thông báo ít nhất 20 binh sĩ thiệt mạng. Phía Trung Quốc chưa công bố chính thức con số thương vong, nhưng theo hãng tin ANI (Ấn Độ) thì nước này hứng chịu 43 ca thương vong, còn báo Times of India dẫn thông tin tình báo Mỹ cho hay có 35 quân nhân Trung Quốc chết và bị thương.
Cuộc đụng độ tối 15/6, diễn ra tại một trong những khu vực cấm nghiêm ngặt nhất hành tinh, là đỉnh điểm bất ngờ của nhiều tháng ngày căng thẳng và nhiều thập kỷ tranh chấp biên giới giữa hai nước.
Cùng nhìn lại lịch sử cuộc tranh chấp, xung đột biên giới Trung - Ấn qua tổng hợp của tờ New York Times:
NĂM 1914: ĐƯỜNG BIÊN GIỚI TRUNG QUỐC KHÔNG CHẤP NHẬN
Lịch sử xung đột Trung Quốc - Ấn Độ đã trải dài ít nhất từ năm 1914, khi các đại diện từ Anh, Trung Hoa Dân Quốc (hay Cộng hòa Trung Hoa) và Tây Tạng gặp nhau tại Simla, thuộc Ấn Độ ngày nay, để đàm phán một hiệp ước sẽ quyết định quy chế của Tây Tạng và lập ra các đường biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ thuộc Anh.
Nhận thấy các điều khoản được đề xuất sẽ cho phép Tây Tạng tự trị, nằm dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc, người Trung Quốc đã từ chối ký thỏa thuận. Tuy nhiên, đại diện Anh và Tây Tạng vẫn đi đến ký kết một hiệp ước thiết lập cái gọi là Đường McMahon, được đặt theo tên một quan chức thuộc địa Anh là Henry McMahon, người đề xuất đường biên giới Trung - Ấn.
Kể từ đó Ấn Độ duy trì lập trường cho rằng Đường McMahon, dài 550 dặm kéo dài qua dãy Himalaya, là biên giới pháp lý chính thức giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Ngày 11/7/1914, Anh cảnh báo Trung Quốc rằng nếu không ký thỏa thuận biên giới với Tây Tạng, sẽ có rắc rối xảy ra. Tuy nhiên phía Trung Quốc chưa bao giờ chấp nhận đường biên giới đó.
NĂM 1962: CHIẾN TRANH TRUNG - ẤN BÙNG NỔ
Năm 1947, Ấn Độ tuyên bố độc lập khỏi Anh. Hai năm sau, nhà cách mạng Trung Quốc Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Gần như ngay lập tức, hai quốc gia – nay là hai nước đông dân nhất thế giới – nhận ra bất đồng ở biên giới. Căng thẳng gia tăng trong suốt những năm 1950. Người Trung Quốc khăng khăng rằng Tây Tạng không bao giờ là một quốc gia độc lập và không thể ký hiệp ước thiết lập đường biên giới quốc tế. Bắc Kinh và New Delhi đã có nhiều nỗ lực đàm phán hòa bình nhưng đều thất bại.
Phía Trung Quốc tìm cách kiểm soát các con đường thiết yếu gần mặt trận phía Tây tại Tân Cương, nơi Ấn Độ và các đồng minh phương Tây cho rằng bất cứ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm xâm nhập qua Đường biên giới McMahon đều là một phần trong âm mưu lớn hơn nhằm bành trướng ra khắp khu vực.
Tới năm 1962, chiến tranh bùng nổ. Hai người khổng lồ của châu Á đối đầu nhau qua một đường biên giới không được cả hai thừa nhận, xuyên qua các đỉnh núi trên dãy Himalaya ảm đạm và không thể tiếp cận.
Quân đội Trung Quốc tiến qua Đường McMahone và lập các đồn gác sâu trong lãnh thổ Ấn Độ, vượt qua nhiều đồi núi và thị trấn. Cuộc chiến tranh kéo dài một tháng, khiến trên 1.000 người Ấn Độ thiệt mạng và trên 3.000 người bị bắt làm tù binh. Phía Trung Quốc tổn thất gần 800 người.
Tới tháng 11 năm đó, Thủ tướng Chu Ân Lai của Trung Quốc tuyên bố ngừng bắn, vẽ lại không chính thức đường biên giới gần nơi quân đội Trung Quốc đã chiếm được. Đó gọi là Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), tồn tại đến ngày nay.
NĂM 1967: ẤN ĐỘ ĐẨY LÙI TRUNG QUỐC
Đến năm 1967, căng thẳng một lần nữa quay trở lại dọc theo hai ngọn núi Nathu La và Cho La, nối Sikkim- khi đó là một vương quốc được Ấn Độ bảo hộ - với khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc.
Một cuộc ẩu đả đã nổ ra khi quân đội Ấn Độ bắt đầu chăng dây thép gai dọc theo những gì mà họ công nhận là biên giới. Vụ ẩn đả nhanh chóng leo thang khi vào ngày 12/9/1967, quân đội Trung Quốc ở Tây Tạng đã khai hỏa pháo qua một con đèo trên Himalaya nhằm vào các vị trí của quân đội Ấn Độ ở Sikkim. Trong cuộc đụng độ tiếp diễn sau đó, trên 150 người Ấn Độ và 340 người Trung Quốc đã bỏ mạng
Các cuộc đụng độ vào tháng 9 và tháng 10/1967 sau đó được coi như là cuộc chiến tranh toàn diện thứ hai giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Nhưng sau đó Ấn Độ thắng thế, họ tiến hành phá hủy các công sự của Trung Quốc ở Nathu La và đẩy đối thủ lùi trở lại xa hơn vào lãnh thổ của Trung Quốc gần núi Cho La. Tuy nhiên sự thay đổi vị trí này chỉ có nghĩa là Trung Quốc và Ấn Độ đều có những lập trường khác biệt và mâu thuẫn về vị trí của Đường Kiểm soát thực tế (LAC).
Trận chiến năm 1967 cũng là lần cuối cùng quân đội ở hai phía thiệt mạng do đối đầu, cho đến khi xảy ra cuộc hỗn chiến ở Thung lũng Galwan tối 15/6 vừa qua.
NĂM 1987: ĐỤNG ĐỘ KHÔNG ĐỔ MÁU
20 năm sau cuộc chiến 1967, Ấn Độ và Trung Quốc một lần nữa đụng độ ở biên giới tranh chấp.
Năm 1987, binh sĩ Ấn Độ tiến hành một chiến dịch huấn luyện để kiểm tra khả năng di chuyển quân đội đến biên giới có thể nhanh đến mức nào. Một số lượng lớn binh lính và thiết bị quân sự được đưa tới sát tiền đồn của Trung Quốc đã khiến các chỉ huy Trung Quốc ngạc nhiên. Họ liền phản ứng bằng cách cũng điều binh sĩ và thiết bị tới sát Đường Kiểm soát Thực tế.
Tuy nhiên, nhận ra nguy cơ vô tình khơi mào một cuộc chiến, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều giảm căng thẳng và một cuộc khủng hoảng đã được đẩy lùi kịp thời.
NĂM 2013: DỪNG LẠI KỊP THỜI Ở DAULAT BEG OLDI
Chiến thuật mèo vờn chuột được cả hai bên sử dụng.
Sau nhiều thập kỷ tuần tra biên giới, một trung đội phía Trung Quốc đã cắm trại gần Daulat Beg Oldi vào tháng 4/2013. Người Ấn Độ nhanh chóng đáp trả, thiết lập căn cứ cách đó chừng 300 mét. Sau đó, các trại của hai bên đều được tăng cường quân và thiết bị hạng nặng.
Đến tháng 5/2013, hai nước đã đồng ý dỡ bỏ cả hai căn cứ, nhưng tranh chấp về vị trí của Đường Kiểm soát Thực tế vẫn tồn tại.
NĂM 2017: BHUTAN KẸT Ở GIỮA
Vào tháng 6/2017, người Trung Quốc triển khai xây dựng một con đường ở cao nguyên Doklam, một khu vực thuộc dãy Himalaya nhưng không phải do Ấn Độ kiểm soát mà do đồng minh của họ là Bhutan nắm giữ.
Cao nguyên Doklam nằm ở biên giới giữa Bhutan và Trung Quốc, nhưng Ấn Độ coi đây là vùng đệm gần với các khu vực tranh chấp khác với Trung Quốc.
Lập tức quân đội Ấn Độ mang theo vũ khí và máy ủi đã đối đầu với Trung Quốc với ý định phá hủy con đường. Đụng độ xảy ra khi binh lính hai bên ném đá vào nhau và cả hai phía đều có người bị thương.
Tới tháng 8/2017, các nước đã đồng ý rút khỏi khu vực và Trung Quốc ngừng mọi hoạt động xây dựng đường xá.
NĂM 2020: BÙNG NỔ HỖN CHIẾN
Trong tháng 5/2020, các cuộc ẩu đả giữa hai bên đã nổ ra vài lần. Trong một cuộc đụng độ tại hồ băng Pangong Tso, một số binh sĩ Ấn Độ bị thương nặng và phải sơ tán bằng trực thăng. Các nhà quan sát Ấn Độ cho biết bên lính Trung Quốc cũng bị thương.
Theo các chuyên gia Ấn Độ, Trung Quốc cũng đã tăng cường lực lượng bằng xe tải, máy xúc, xe chở quân, pháo binh và xe bọc thép, các chuyên gia Ấn Độ cho biết.
Đỉnh điểm của đợt căng thẳng này là cuộc hỗn chiến bằng gậy sắt vào tối 15/6 tại Thung lũng Galwan. Đây là cuộc đụng độ đẫm máu nhất trong hơn nửa thế kỷ giữa hai nước, tính từ cuộc chiến năm 1967.