Lật lại vụ tai nạn khủng khiếp của các thợ lặn tại giàn khoan trên Biển Bắc

Một nhóm bốn thợ lặn người Anh và Na Uy đã thiệt mạng trong sự cố kinh hoàng tại giàn khoan dầu Byford Dolphil của Na Uy năm 1983.

Chú thích ảnh
Giàn khoan Byford Dolphin năm 2008. Ảnh: Wikipedia

Theo trang todayifoundout, thợ lặn làm việc cho giàn khoan dầu phải hoạt động ở độ sâu 100m dưới mặt nước biển, một nơi mà ánh mặt trời không bao giờ rọi tới và nhiệt độ có thể giảm xuống vài độ C. Trong toàn bộ thời gian khi không làm việc, họ phải ở trong một ống kim loại bé, chật hẹp, hít thở bầu không khí hỗn tạp, khiến nói cũng khó khăn và thân nhiệt liên tục hạ, khiến họ luôn lạnh cóng. Ở đây, thợ lặn chỉ có thể ăn trong một khu vực cũng rất chật hẹp và chỉ được ngủ vài giờ là đã tới ca làm việc tiếp theo. 

Mỗi người phải làm việc trong không gian đó hàng tháng trời liền, không thể nào thoát ra khỏi thế giới bị bịt kín đó mà không đối diện với cái chết chắc chắn và thảm khốc. Đó chính là thế giới kỳ lạ mà những người làm nghề lặn sâu phải trải qua khi đảm nhận công việc thuộc dạng lương cao nhất, nhưng nguy hiểm nhất thế giới.

Được phát triển trong khuôn khổ Chương trình Phòng thí nghiệm biển của Hải quân Mỹ vào giữa những năm 1960, lặn sâu là một kỹ thuật cho phép con người sống và làm việc ở độ sâu lớn trong một giai đoạn dài. Cụ thể, phòng thí nghiệm này có thiết kế để vượt qua mối nguy hiểm của bệnh giảm áp, hay còn gọi là Bends. Khi thợ lặn thở trong không khí điều áp ở độ sâu dưới biển, khí ni tơ dần dần hòa tan trong cơ thể họ. Nếu sau đó họ lên trên mặt biển quá nhanh, quá trình hạ áp suất có thể khiến khí ni tơ này thoát ra khỏi tình trạng hòa tan và tạo thành các bong bóng li ti. Các bong bóng này có thể gây đau khớp, đột quỵ, liệt và thậm chí tử vong. Để tránh điều này, thợ lặn phải lên trên mặt biển từ từ, dừng lại nhiều lần tại các trạm giảm áp để nito dần dần thoát ra khỏi cơ thể một cách an toàn.

Tuy nhiên, đối với các cuộc lặn sâu và lâu như trong ngành dầu khí, kỹ thuật này trở nên không khả thi vì thợ lặn sẽ phải dành nhiều thời gian giảm áp hơn rất nhiều so với thời gian làm việc trong mỗi ca. Ví dụ, lặn hơn một tiếng dưới độ sâu 100m cần tới 50 giờ giảm áp. Thay vào đó, trong quá trình lặn sâu, thợ lặn dành toàn bộ ca làm việc trong áp suất, dành thời gian nghỉ trong một căn phòng lặn điều áp phù hợp với độ sâu nơi làm việc, đi đi về về từ chỗ làm việc trong một thiết bị hình chuông điều áp cung cấp dưỡng khí cho thợ lặn. Cách này dựa trên thực tế là sau một khoảng thời gian nhất định, cơ thể thợ lặn trở nên hoàn toàn bão hòa với ni tơ và không thể hấp thu thêm nữa. Có nghĩa là cho dù họ ở bên dưới mặt biển bao lâu thì thời gian giảm áp vẫn như vậy.

Do đó, thay vì lặn nhiều lần và mất thời gian giảm áp, các thợ lặn sâu chỉ cần giảm áp một lần vào cuối ca làm việc, giảm rủi ro mắc bệnh giảm áp. Mặt trái của việc giảm áp một lần này là có thể mất tới hai tuần mới hoàn thành. Ngoài ra, cũng có rủi ro khác như say ni tơ – một trạng thái phấn khích mất phương hướng do hít thở ni tơ trong môi trường áp suất. Thợ lặn mô tả say ni tơ không khác gì ngộ độc rượu.

Ôxy cũng trở nên độc hại khi ở độ sâu khoảng 80m, vì thế thợ lặn sâu phải hít thở hỗn hợp khí thở trimix, trong đó phần lớn ôxy được thay thế bằng heli. Việc này cũng làm nảy sinh vấn đề. Heli không chỉ thay đổi giọng nói con người, buộc các thợ lặn phải đeo thiết bị giảm nhiễu điện tử để người khác hiểu mình nói gì. Heli còn có đặc tính về nhiệt kém, khiến cơ thể giảm nhiệt và lạnh run. Hít thở heli ở độ sâu dưới 300m có thể gây ra hậu quả thần kinh nghiêm trọng như hội chứng thần kinh cao áp.

Nhưng mối nguy hiểm nhất của lặn sâu là bản thân môi trường cao áp, như đã xảy ra với một nhóm bốn thợ lặn người Anh và Na Uy tại giàn khoan Byford Dolphim năm 1983.

Chú thích ảnh
Bên trong một buồng giảm áp. Ảnh: Shutterstock

Byford Dolphin là một giàn khoan ngoài khơi nửa chìm nửa nổi do công ty Aker Engineering ở Oslo xây dựng năm 1974. Nặng 3.000 tấn và do 100 người vận hành, giàn khoan có thể khoan xuống nước ở độ sâu 460m. Để xây dựng và bảo trì đầu giếng khoan ở độ sâu này, giàn khoan có hệ thống lặn sâu tinh vi do công ty Pháp COMEX xây dựng. 

Vào ngày 5/11/1983, giàn khoan đang khoan ở mỏ khí đốt Frigg ở khu vực của Na Uy trên Biển Bắc. Lúc 4 giờ sáng, thợ lặn người Anh là Edwin Coward và Roy Lucas đang nghỉ trong phòng lặn, còn hai thợ lặn Na Uy Bjorn Bergersen và Truls Hellevik trở về sau ca trực bằng thiết bị di chuyển. Thiết bị này được hai nhà thầu lặn là William Crammond và Martin Saunders nhấc lên khỏi mặt nước và gắn vào phòng lặn, để Bergeson và Hellevik bò ra qua một đoạn ống ngắn rồi vào chỗ của Coward và Lucas. Quy trình thông thường là trước tiên các thợ lặn chặn đoạn ống và cô lập phòng lặn để các nhà thầu có thể giảm áp và tách nó ra khỏi nút không khí. Nhưng khi Hellevick chưa kịp đóng nắp phòng thì William Crammond đã thả chốt neo phòng lặn với đoạn ống.

Hậu quả xảy ra tức thì và kinh hoàng. Buồng lặn chứa hai thợ lặn giảm áp dữ dội và nổ tung, tách ra khỏi đoạn ống, giết chết Crammond và làm Saunders bị thương nặng. Bên trong buồng lặn, áp suất tụt liên tục từ 9 xuống 1 atmosphere trong tích tắc. Hellevik bị thổi bay ra, thi thể bị phân thành nhiều mảnh, bắn khắp giàn khoan.Một người chứng kiến cho biết đã tìm thấy lá gan của Hellevik nguyên vẹn như vừa được cắt khỏi cơ thể, còn xương sống văng xa buồng lặn 10 mét. 

Những thợ lặn khác trong buồng cũng có số phận bi thảm không kém. Khi khám nghiệm tử thi Coward, Lucas và Berergsen, người ta nhìn thấy các đám mỡ trắng bám quanh mạch máu và động mạch. Đây chính là protein đã bị nấu chín và kết tủa khi máu họ sôi lên. Cả bốn thợ lặn dù chết thảm thương nhưng may là đã chết ngay tức khắc, không kịp cảm thấy đau đớn.

Điều tra sau đó kết luận rằng vụ tai nạn là do lỗi con người. Do William Crammond chết trong tai nạn, nên không rõ tại sao anh lại thả chốt ra khi buồng lặn chưa đóng. Các điều tra viên cho rằng do mệt mỏi và tiếng ồn xung quanh nên hai bên hiểu nhầm nhau, gây ra tai nạn chết người.

Chú thích ảnh
Roy Lucas và Billy Crammond. Ảnh: dailystar

Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng nữa chính là bản thân hệ thống lặn sâu. Cho dù được nhà quản lý khí đốt và dầu Na Uy DNV khuyến nghị nhưng hệ thống này chưa có tính năng an toàn nào để ngăn chặn phòng lặn bị mất kết nối trong khi điều áp. Lỗi thiết bị này không được đề cập trong báo cáo tai nạn chính thức và gia đình các thợ lặn thiệt mạng không được bồi thường tiền bạc.

Cho rằng cuộc điều tra bị bưng bít, gia đình họ đã thành lập Liên minh Thợ lặn Biển Bắc, cuối cùng thành công trong vụ kiện Chính phủ Na Uy và được dàn xếp vụ việc năm 2008, tức 25 năm sau vụ tai nạn.

Giàn khoan Byford Dolphin vẫn đang hoạt động, hiện có hợp đồng với tập đoàn BP của Anh. Lặn sâu vẫn tiếp tục được sử dụng rộng rãi trong ngành dầu mỏ ngoài khơi. Nhiều thợ lặn nhận được tới 1.400 USD/ngày. Mặc dù các biện pháp an toàn đã được cải thiện và tỷ lệ tai nạn giảm mạnh từ năm 1983, nhưng vụ Byford Dolphin vẫn là lời nhắc nhở kinh hoàng về mối nguy hiểm gắn liền với những người sống và làm việc trong điều kiện môi trường cực đoan.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Hy hữu tàu ngầm lừng lẫy nhất của Hải quân Mỹ trúng ngư lôi của chính mình
Hy hữu tàu ngầm lừng lẫy nhất của Hải quân Mỹ trúng ngư lôi của chính mình

Chỉ trong 9 tháng tham chiến, tàu ngầm USS Tang đã đánh đắm tổng cộng 33 tàu địch, trở thành con tàu lừng lẫy nhất trong lịch sử Hải quân Mỹ. Nhưng con tàu anh hùng đã ở lại dưới đáy đại dương vì trúng quả ngư lôi do chính nó phóng đi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN