Kỳ cuối: Con đường làm chủ công nghệ hạt nhân nguyên tử của Liên Xô
Sau khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản), nhiều nhà khoa học tham gia Dự án Manhattan luôn cảm thấy dằn vặt lương tâm bởi họ không thể nghĩ rằng thứ vũ khí những tưởng sẽ giúp kết thúc chiến tranh lại mở ra chương bi thảm nhất trong lịch sử loài người. Do đó, việc họ muốn cung cấp cho Liên Xô những tin tức liên quan đến việc nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử để tạo thế cân bằng, không cho Mỹ giữ thế độc quyền thứ vữ khí khủng khiếp ấy tác oai tác quái cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa người Liên Xô hoàn toàn phụ thuộc vào sự trợ giúp từ bên ngoài. Dưới đây xin giới thiệu một số con đường chủ yếu làm chủ công nghệ hạt nhân nguyên tử của Liên Xô:
1. Những nỗ lực tự thân
Vào giữa những năm 1930, Liên Xô đã có trong tay một nhóm các nhà thực nghiệm trẻ tuổi rất thành thạo trong lĩnh vực nghiên cứu hạt nhân do Igor V. Kurchatov (ảnh) đứng đầu. Họ công tác ở Viện Vật lý Kỹ thuật Leningrad. Không những vậy, Liên Xô còn có nhiều nhà lý thuyết hạt nhân tầm cỡ thế giới. Iulii B. Khariton và Iakov B. Zel'dovich (người đã cùng với Andrei Sakharov chỉ huy chương trình bom khinh khí của Xô Viết sau chiến tranh) đã thực hiện và xuất bản những nghiên cứu mang tính tiên phong về phản ứng phân hạch dây chuyền của urani tự nhiên. Năm 1941, Khariton và Zel'dovich đã tính toán được một cách chính xác khối lượng tới hạn của urani 235. Các nhà vật lý Xô Viết cũng khiến chính phủ quan tâm đến tiềm năng quân sự của hiện tượng phân hạch. Nhưng khi đó, Liên Xô phải tập trung chống lại sự xâm lược của Đức Quốc xã, nên không thể dành những nguồn lực mạnh nhất của mình cho một mục tiêu vẫn còn chưa chắc chắn như bom hạt nhân. Sau khi có được những tin tức tình báo chính xác về việc người Mỹ bí mật nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử, Joseph Stalin đã nhanh chóng thực hiện chính sách thúc đẩy chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân ở Liên Xô. Stalin cũng đã bổ nhiệm Lavrentiy P. Beria, một cảnh sát mật khét tiếng làm nhiệm vụ theo dõi chương trình này.
2. Tìm kiếm tin tức liên quan thông qua mạng lưới điệp viên
Vào thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ 2 và sau khi quan hệ giữa Mátxcơva và Oasinhtơn trở nên căng thẳng, Liên Xô đã triển khai không chỉ một lưới tình báo ở Mỹ. Ngoài việc thu thập tin tức trên các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh của Mỹ, nhiều nhân viên KGB cài cắm trên đất Mỹ còn có nhiệm vụ đánh cắp những thông tin liên quan đến Dự án Manhattan.
Trong cuốn "Cơ quan tình báo và Điện Cremli", trung tướng Pavel Sudoplatov, ông trùm tình báo Liên Xô lúc bấy giờ khẳng định, điệp viên Margarita Konenkova (mật danh Lukas) đã lấy được từ Albert Einstein (tác giả Thuyết tương đối, người đưa ra nguyên lý chế tạo bom nguyên tử) không ít tài liệu liên quan đến công nghệ mũi nhọn của Mỹ như chế tạo tên lửa đạn đạo và bom nguyên tử. Bởi tuy Einstein không trực tiếp tham gia Dự án Manhattan, nhưng ông lại có quan hệ mật thiết với cả hai nhà khoa học chỉ đạo việc nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử của Đức (Werner Heisenberg) và của Mỹ (Robert Oppenhimer) cũng như nhiều nhà khoa học tham gia Dự án Manhattan.
Ở trường hợp khác, cuối năm 2007, Tổng thống Nga khi đó là V. Putin đã truy tặng nhà tình báo Liên Xô George Koval (ảnh), tức Delmar danh hiệu Anh hùng vì những đóng góp cho việc chế tạo bom nguyên tử. Tại buổi lễ, Tổng thống Putin đã ca ngợi Koval là nhà tình báo Xô viết duy nhất thâm nhập được vào các nhà máy bí mật của Dự án Manhattan. Đây không phải là những lời đánh giá hoa mĩ bởi những gì Koval cống hiến còn hơn thế.
Được tuyển mộ ngay sau khi tốt nghiệp, lại được cơ quan tình báo quân sự Liên Xô (GRU) huấn luyện nghiệp vụ và đánh sang Mỹ làm nhiệm vụ tình báo khoa học, bằng thực tài, Koval đã nhanh chóng có mặt trong danh sách những nhà khoa học tham gia Dự án Manhattan. Do được giao nhiệm vụ kiểm tra mức độ phóng xạ an toàn hạt nhân đối với công nhân, nên Koval có điều kiện đi lại hầu hết các nhà máy sản xuất các chi tiết, linh kiện của bom hạt nhân, đặc biệt là các thanh nhiên liệu hạt nhân. Những báo cáo tình báo của Koval đã giúp Liên Xô rút ngắn đáng kể thời gian chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên của mình bởi trong công nghệ chế tạo bom nguyên tử, các bí mật về chế tạo còn quan trọng hơn cả những bí mật về thiết kế bom.
Minh Thành (Tổng hợp)