Làm thế nào Liên Xô có được bí mật bom nguyên tử? - Kỳ 2

Kỳ 2: “Cha đẻ của bom nguyên tử” cũng bị hàm oan 


Sau khi trúng cử Tổng thống Mỹ, Dwight D. Eisenhower không những không ngăn chặn, mà còn tạo điều kiện cho chủ nghĩa McCarthy phát triển, làm trào lưu chống Cộng ở Mỹ ngày một lan tràn. Đầu năm 1954, Eisenhower tuyên bố có 2.200 “phần tử nguy hiểm” sẽ bị chính phủ loại ra khỏi các cơ quan của mình. Từ khi vợ chồng Rosenberg bị bức hại, FBI vẫn chưa chịu kết thúc vụ án gián điệp bom nguyên tử, thậm chí còn chĩa mũi nhọn sang “cha đẻ của bom nguyên tử” - nhà vật lý lừng danh Robert Oppenheimer, người giữ trọng trách tổng công trình sư trong Dự án Manhattan, đồng thời là Chủ tịch tiểu ban tổng tư vấn thuộc ủy ban năng lượng nguyên tử Mỹ. Lý do Oppenheimer nằm trong danh sách đen những kẻ tình nghi tiết lộ bí mật bom nguyên tử cũng rất đơn giản: đầu những năm 1930, nhà vật lý này đã có sự qua lại với một số đảng viên cộng sản. Lập tức, Tổng thống Eisenhower ra lệnh phải có biện pháp cách ly đối với Oppenheimer, không cho phép nhà khoa học này tiếp xúc với bất kỳ tài liệu cơ mật nào.


Openheimer cha đẻ của bom nguyên tử


Năm 1954, một ủy ban đặc biệt đã tố cáo Oppenheimer có liên quan đến vụ án “gián điệp bom nguyên tử”. Chứng cứ mà họ đưa ra vẫn chỉ là những gì FBI có: Oppenheimer đã qua lại với một số đảng viên cộng sản và không có hào hứng với việc nghiên cứu chế tạo loại vũ khí mới (bom khinh khí). Mặc dù Oppenheimer đã nhiều lần khẳng định mình không có bất kỳ sự liên quan nào tới các hoạt động của Đảng Cộng sản, nhưng Chính phủ Mỹ vẫn tước bỏ mọi chức vụ của Oppenheimer trong ủy ban năng lượng nguyên tử và ở các cơ quan khác. Không những vậy, các nhân viên FBI còn thường xuyên tiến hành theo dõi, giám sát nhất cử nhất động của Oppenheimer. Sự bất hạnh nhằm vào “cha đẻ của bom nguyên tử” đã khiến rất nhiều nhà khoa học của các nước khác đang làm ở Mỹ cảm thấy bản thân bị mất tự do và không được đảm bảo về an ninh, tìm mọi cách chia tay với “miền đất hứa”.


Đám mây hình nấm gây ra bởi vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nagasaki


Cuối cùng, ai đã tiết lộ bí mật bom nguyên tử cho phía Liên Xô? Hơn nửa thế kỷ trôi qua đã có rất nhiều nhà nghiên cứu cất công tìm câu trả lời, nhưng người ta vẫn không tìm được một lời giải thích đầy đủ, cảm thấy thỏa mãn. Hiện nay, đa số cho rằng người tiết lộ bí mật bom nguyên tử là nhà khoa học năng lượng nguyên tử Klaus Fuchs. Sau khi Adolf Hitler lên nắm quyền ở Đức năm 1933, cũng như nhiều nhà khoa học khác, Fuchs chạy sang Anh. Tiếp đó, cùng với một số nhà khoa học Anh, Fuchs được cử sang Mỹ cùng chung tay góp sức với đồng minh thực thi Dự án Manhattan. Bản thân Fuchs cũng tham gia vào nhiều lần thử nghiệm thiết bị nổ bom nguyên tử. Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Fuchs trở lại Anh, chủ trì công tác nghiên cứu vật lý hạt nhân ở trung tâm nghiên cứu Hartwell. Tháng 8/1949, Canađa phá một mạng lưới gián điệp khoa học kỹ thuật do KGB tổ chức liên quan đến vấn đề bom nguyên tử và Fuchs. Dựa trên những chứng cứ thu thập được, tháng 2/1950, cơ quan an ninh Anh ra lệnh bắt Fuchs. Bị cáo buộc là đã tiết lộ những thông số quan trọng về bản thiết kế bom nguyên tử cho người Liên Xô, Fuchs nhận bản án 14 năm tù.


Bên cạnh những vụ án liên quan đến việc tiết lộ bí mật bom nguyên tử của Mỹ đã được đưa ra xét xử, hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều câu chuyện li kỳ giải thích tại sao người Liên Xô lại chế tạo được thứ vũ khí giết người hàng loạt này nhanh đến vậy. Nghe nói, ngày 24/7/1945, trung tướng lục quân Grover, người phụ trách Dự án Manhattan đã kiến nghị lên đại tướng Marshall việc ném bom nguyên tử xuống 4 thành phố của Nhật Bản, nhưng cuối cùng chỉ có 3 mục tiêu được chọn là Hiroshima, Kokura, và Nagasaki. Sau khi ném quả bom nguyên tử đầu tiên xuống Hiroshima ngày 6/8/1945, sáng sớm ngày 9/9/1945, hai chiếc máy bay ném bom B-29 mang theo 2 quả bom nguyên tử cất cánh từ căn cứ Tinian ở tây Thái Bình Dương bay tới vùng trời Nhật Bản làm nhiệm vụ. Do mây mù che kín, không nhìn thấy mục tiêu Kokura, nên tổ lái bay đến mục tiêu thứ 2 là Nagasaki, ném xuống đó 2 quả bom nguyên tử: 1 quả nổ lệch mục tiêu khoảng 2 km, quả khác đánh trúng mục tiêu nhưng không nổ.


Bị tổn thất nặng nề, nhưng Nhật Bản lại tình cờ “bắt được” bom nguyên tử. Một cuộc họp khẩn cấp được triệu tập, những quan chức chóp bu của Nhật Bản khi đó cho rằng họ đã hoàn toàn thất bại trong chiến tranh, không còn khả năng chế tạo bom nguyên tử, quyết định giao quả bom nguyên tử chưa nổ này cho Liên Xô. Tướng Ivan, người phụ trách KGB khi đó đã được lệnh tới Nhật Bản tiếp nhận thứ quà tặng đặc biệt này. Nhờ vậy, Liên Xô đã đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử. Chỉ 4 năm sau khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, Liên Xô đã cho ra đời quả bom nguyên tử đầu tiên.



Minh Thành (Tổng hợp)


Đón đọc kỳ cuối: Con đường làm chủ công nghệ hạt nhân nguyên tử của Liên Xô

Làm thế nào Liên Xô có được bí mật bom nguyên tử? -  Kỳ 1
Làm thế nào Liên Xô có được bí mật bom nguyên tử? - Kỳ 1

Ngày 29/8/1949, Liên Xô thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên. Mátxcơva hân hoan trong niềm phấn kích. Ở phía bên kia đại dương, người Mỹ như gặp phải cơn địa chấn bởi từ nay họ đã không còn độc quyền thứ vũ khí nguy hiểm...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN