Trong ký ức người dân Sài Gòn hay những cán bộ từng tham gia “nội ứng”, ngày 30/4/1975 là một ngày đặc biệt với những dấu ấn không bao giờ quên trong cuộc đời. Chuẩn bị cho “nội ứng”Khi nhắc về thời khắc lịch sử trước ngày đất nước thống nhất, những ký ức của bà Trương Mỹ Lệ (bí danh Tư Liêm) - lúc đó được giao quyền Bí thư Thành đoàn, lại ùa về như mới diễn ra. Bà Tư Liêm cho biết: “Vào đầu tháng 3/1975, đồng chí Mai Chí Thọ triệu tập tôi lên và hỏi: Nếu Tổng tiến công và nổi dậy nổ ra, liệu lực lượng sinh viên học sinh trong nội thành có khả năng phát động nổi dậy ở những nơi nào?”. Để trả lời câu hỏi này, Thành đoàn phải rà soát lại và giao quyền Bí thư Thành đoàn Trương Mỹ Lệ chịu trách nhiệm nghiên cứu.
Người dân Sài Gòn đổ ra đường đón quân giải phóng trong ngày 30/4/1975. |
Sau khi rà soát, quyền Bí thư Thành đoàn đã báo cáo với ban chỉ đạo tiền phương: Lực lượng thanh niên, sinh viên nội thành có thể công khai và bán công khai phát động khởi nghĩa tại 5 khu vực. “Khu vực 1 gồm: Ngã Bảy, Bàn Cờ, Vườn Chuối (quận 3) do lực lượng sinh viên học sinh các trường Kỹ thuật Cao Thắng, Gia Long và cở sở sỹ quan ngụy do ta thực hiện binh vận thành công đã trở thành cở sở cách mạng của mình. Khu vực 2 gồm: Khánh Hội- Xóm Chiếu thuộc quận 4 và một phần quận Nhì (quận 2) do lực lượng các trường đại học Y, Nha, Dược và Nông súc sản phụ trách. Khu vực 3 gồm Cầu Kiệu - Võ Dung Nghiệp, ngã tư Phú Nhuận (nay là Phan Đình Phùng) do Đoàn Công tác xã hội sinh viên học sinh Sài Gòn phụ trách. Khu vực 4 gồm Cầu Bông - chợ Bà Chiểu (nay là đường Đinh Tiên Hoàng) do các cơ sở của các trường nữ, khối trung học tư thục phụ trách. Khu vực vùng ven Tân Sơn, Tân Phú, Bà Điểm thuộc quận Tân Bình do là nơi quy tụ nhiều đồng bào công giáo nên thanh niên công giáo cùng với các sở, cha xứ... phụ trách”, bà Tư Liêm cho biết.
Khi các khu vực đã ổn định về tổ chức, nhiệm vụ đầu tiên của những người phụ trách và lực lượng nòng cốt được khẩn trương tiến hành là điều tra nắm lại dân cư, khu xóm cũng như các trạm chốt phòng vệ, công an, chỉ điểm của địch; đồng thời vận động quần chúng để khống chế, cảnh cáo các lực lượng này. “Lực lượng nòng cốt ít nhất có 5-7 gia đình và các việc phải làm là trang bị cơ sở vật chất, cả vũ khí mang từ bên ngoài vào (các loại súng ngắn, lựu đạn...). Học sinh, sinh viên trường Cao Thắng còn chế tạo một số vũ khí để tự vệ”, bà Tư Liêm kể. Cùng với đó, các lực lượng này còn chuẩn bị tài liệu, phương tiện để in, chuẩn bị sẵn vải để may cờ Mặt trận giải phóng và làm khẩu hiệu, cùng với loa phóng thanh, máy cát-sét dùng pin và băng thu các nội dung như “Lời kêu gọi của Uỷ ban nhân dân cách mạng Sài Gòn - Gia Định”, “Bảy điều chính sách binh vận của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam”. Ngoài ra, lực lượng này cũng phải chuẩn bị cả lương khô (gạo, muối, mắm) bằng hình thức thuê mướn nhà để mở tiệm bán hàng xén, trà khô để thuận tiện mua lương thực mà không bị nghi ngờ.
Những ngày cuối tháng 4/1975, tình hình của địch rất căng thẳng do liên tiếp thất bại trên chiến trường, mất dần các tỉnh, nhất là sau khi mất Phước Long. Tại Sài Gòn, quân địch lồng lộn, hầu như suốt đêm địch tuần tra, khám xét, thậm chí ra lệnh ai ra đường là bắn bỏ. “Đến 9 giờ sáng 30/4, vừa từ khu vực cầu Bông về trụ sở chỉ huy ở Bàn Cờ, tôi nhận được chỉ đạo của đồng chí Phạm Chánh Trực (Năm Nghị) từ người giao liên chạy từ quận 11 truyền đạt: Anh Năm Nghị yêu cầu chị Tư cho khởi nghĩa ngay. Ngay lập tức, tôi thông báo cho anh em cơ sở đồng loạt nổi dậy. Tại khu vực trụ sở chỉ huy, hai lá cờ nhanh chóng được treo lên căn nhà 115 Bàn Cờ và ở hai đầu đường Bàn Cờ băng rôn có nội dung “Hoan hô chính chủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam được căng lên”, bà Tư Liêm nhớ lại.
Người dân nô nức ra đườngBà Trương Mỹ Lệ cho biết: Khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, lúc này bộ đội chủ lực chưa vào được khu vực mé Tây Nam, vì vậy lực lượng thanh niên tự vệ võ trang Sài Gòn – Gia Định đứng ra tuyên tuyền, nắm các vị trí mà quân địch bỏ lại. Dùng loa phóng thanh phát đi các thông điệp đã được ghi âm sẵn phát, đọc lời kêu gọi và treo cờ giải phóng khắp nơi.
Để phân biệt, lực lượng cách mạng đeo băng đỏ ở tay có hình hai ngôi sao vàng. Nhiều bà con thấy lực lượng cách mạng rất ngạc nhiên, ai cũng hỏi: “Tụi mày là Việt cộng hả”, bởi người dân đâu có thể hình dung được những người hôm qua là học sinh, thanh niên quen thuộc sinh sống xung quanh lại là chiến sĩ cách mạng.
Những trang sử hào hùng của Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh ghi lại sự kiện ngày 30/4/1975: Đại quân ta ồ ạt tiến vào thành phố. Quần chúng rầm rộ đổ ra đường. Thanh niên và đồng bào Sài Gòn – Gia Đình đã dẫn đường, đưa quân tiến chiếm các mục tiêu quân sự, hành chánh của địch và ngay sau đó trở thành lực lượng tiếp quản mang băng đỏ vào tay, cầm vũ khí canh gác các cơ sở trước đây còn là của nguỵ quân, nguỵ quyền. Chỉ trong vòng một buổi sáng 30/4/1975, dòng thác người xuống đường cướp chính quyền với khí thế rực lửa cách mạng đã phối hợp nhịp nhàng với các lực lượng cách mạng đang tiến vào giải phóng hoàn toàn thành phố. |
Đến trưa 30/4, sau khi địch đầu hàng, lực lượng thanh niên võ trang trở thành những người nắm chính quyền lâm thời trước khi bàn giao lại cho lực lượng quân quản. “Như đã chuẩn bị từ trước, ngay sau khi khởi nghĩa thành công, lực lượng thanh niên võ trang đã tiến hành các công việc tuyên tuyền, vận động quần chúng ổn định cuộc sống. Thanh niên đứng ra tổ chức các bàn đăng ký trình diện của quân địch, tổ chức thu gom vũ khí, quân tư trang do quân địch tháo chạy bỏ lại. Khi đó, hai căn nhà bên cạnh nhà 115 Bàn Cờ, từng là trụ sở của phòng vệ quân sự của địch được trưng dụng để chứa vũ khí đã đầy ắp”, bà Tư Liêm cho biết.
Tại nhiều điểm, nhân dân đã mang máy may, vải và cùng hỗ trợ may cờ giải phóng. Nhiều thanh niên, sinh viên và người dân ra đăng ký xin tham gia công tác. Thanh niên, sinh viên đứng ra vận động người dân góp sơn để đi xóa cờ “ba que” và vẽ lên trên cờ mặt trận.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hảo (tại khu vực Xóm Chiếu - Khánh Hội, quận 4), cho biết: “Trước khi cuộc nổi dậy nổ ra, gần một nửa cơ sở của ta đã bị địch phát hiện, bắt bớ. Tuy chỉ còn một nửa cơ sở nhưng do chuẩn bị kỹ cùng với sự giúp sức của người dân nên nổi dậy diễn ra thành công. Lúc này, ta đã quy tụ được rất nhiều lực lượng từ các Đoàn công tác xã hội, sinh viên Y, Dược, Nha và những người có tình cảm với cách mạng sáp vào giúp lực lượng cách mạng. Họ giúp lập danh sách những người ra đầu hàng, thu gom súng đạn của địch bỏ lại. Ngoài ra, bọn du đãng lợi dụng tình hình hỗn loạn để gây mất trật tự an ninh nhưng người dân đứng ra hỗ trợ nên an ninh khu vực đó đã diễn ra rất trật tự và thuận lợi”.
Là một “cựu dân” Sài Gòn, được chứng kiến những thời khắc lịch sử diễn ra trong ngày 30/4, ông Nguyễn Đức Khôi ( nhà ở quận Tân Bình) chia sẻ: “Sáng hôm đó, tôi xuống trung tâm thành phố, nghe người dân râm rang kháo nhau rằng Cách mạng đã về, Sài Gòn sắp được giải phóng, tự dưng tôi thấy bồi hồi trong lòng. Đến trưa ngày 30/4, khi tôi đang ở quận 5, thấy mọi người cùng ùa ra đường, thanh niên thì cầm cờ Giải phóng, người già thì hô vang “Sài Gòn giải phóng rồi bà còn ơi”. Thật sự lúc đó trong lòng tôi dâng lên một cảm giác khó tả. Tôi hoà vào dòng người, đi hết tuyến phố này qua tuyến phố khác, ra đến quận 1 lúc nào không hay. Khi ấy, dòng người từ các quận lại hoà vào cùng dòng người đang reo hò ở trung tâm quận 1. Đến chiều, đường phố Sài Gòn vẫn còn ngổn ngang quần áo, mũ nón của lính nguỵ vứt lại khi bỏ chạy thoát thân vì sợ quân Cách mạng bắt giữ”, ông nhớ lại.
Nhiều người dân từng sống ở Sài Gòn trước 1975 cũng cho rằng, ngày 30/4 cách đây 40 năm cũng đã để lại cho họ nhiều ấn tượng khi chứng kiến thời khắc lịch sử trọng đại của đất nước. “Chỉ cần một tin loan báo là quân giải phóng đang tiến vào Sài Gòn thì hầu như người dân nào cũng bỏ dở cả việc đang làm mà chộn rộn chờ đợi để đến khi thấy bóng quân giải phóng thì cứ như vỡ oà. Lòng dân lúc đó khao khát lắm”, bà Trần Thị Bích Liên - sinh sống ở khu vực Thị Nghè trước năm 1975, chia sẻ.
Hoàng Tuấn - M.T