Theo trang RBTH, Ivan Trevogin sinh năm 1761, sống ở Kharkov (nay là Ukraine), có hai tài năng không thể phủ nhận: trí tưởng tượng vô biên và liều lĩnh. Hai tài năng ấy, cộng một chút may mắn, đã đưa thanh niên bình thường này lần đầu tiên đặt chân tới St Petersburg và sau đó là Paris.
Do không có nhiều thông tin về Ivan Trevogin và thậm chí còn không có ảnh của người này nên các sử gia buộc phải dựa vào những điều mà anh ta kể với cảnh sát mật của Nga.
Có thể anh ta thừa hưởng tính cách thích phiêu lưu, mạo hiểm từ người cha là một họa sĩ thích dịch chuyển, chuyên vẽ tượng thánh nhà thờ. Bỏ lại vợ và ba con trai nhỏ ở nhà, người họa sĩ thường lang thang khắp các làng để tìm việc, thường là trong tình trạng say rượu. Sau một cuộc chè chén như vậy, ông ta đã chết đuối.
Không nuôi nổi gia đình, mẹ của Ivan đã nhờ thị trưởng hỗ trợ và ông này đã đưa ba cậu con trai tới nhà nuôi dưỡng của học viện Kharkov. Tại đây, cậu bé Ivan học giỏi tới mức thành tích của cậu bé đã tới tai thị trưởng. Ivan đặc biệt giỏi tiếng Pháp, thứ tiếng mà giới quý tộc Nga thời bấy giờ thường dùng. Về sau, tiếng Pháp cũng rất thời thượng.
Khi hoàn thành học tập, Ivan đặt mục tiêu tới Voronezh, thành phố lớn nhất gần đó. Tại đây, Ivan vào thẳng văn phòng thị trưởng xin việc làm. Sau vài lần xin việc không thành công, Ivan cuối cùng cũng được một thương nhân giàu có trong vùng thuê làm gia sư cho con mình.
Giống mọi thanh niên trẻ tham vọng, Ivan mơ tới St Petersburg, khi đó là thủ đô Nga. Khi tới đây, Ivan làm người đọc dò tại một nhà in của Viện hàn lâm Khoa học và theo một số nguồn tin, Ivan được phép xuất bản tạp chí của riêng mình.
Tạp chí mới có tên Parnassian Bulletin được quảng cáo trên báo St. Petersburg Vedomosti là ấn phẩm về thiên văn, hóa học, toán học, âm nhạc, kinh tế và các lĩnh vực học thuật khác, kèm theo nhiều bài viết sinh động, vui nhộn, lãng mạn… Những ai muốn đăng ký nhận tạp chí thường phải trả trước phí thường niên.
Ngày nay, không còn một tờ nào của tạp chí này còn tồn tại. Một số sử gia còn nghi tạp chí này chưa từng được xuất bản. Có điều chắc chắn là Ivan nợ nần đầm đìa và không có thu nhập, buộc phải trốn khỏi St Petersburg. Leonid Svetlov, chuyên gia về văn học thế kỷ 18, cho rằng Ivan ra nước ngoài sau khi trở thành kẻ lang thang không nhà cửa.
Ivan lên tàu biển đi từ St Peterburg tới Amsterdam. Hà Lan với anh ta dường như là mảnh đất nghèo nàn, nơi không cần tới một người nước ngoài vô danh. Anh ta tìm cách vào Đại học Leiden nhưng bị từ chối. Sau chuỗi ngày lang thang, Ivan lại một lần nữa dùng thủ đoạn lừa bịp. Nhờ nói tiếng Pháp rất giỏi nên Ivan đóng giả làm thủy thủ Pháp và có một việc làm trên tàu chiến Hà Lan.
Sau này, Ivan khai với cảnh sát rằng trên tàu, anh ta được giao những nhiệm vụ khó khăn nhất và bị phạt 20 roi vì cố tìm cách trốn. Cuối cùng, Ivan cũng được rời tàu chiến và tìm đường tới Paris. Tại Pháp, Ivan tới Đại sứ quán Nga và bịa ra một câu chuyện rơi nước mắt về việc bị người Ottoman bắt giữ và ao ước duy nhất của anh ta là về quê nhà. Câu chuyện bịa trên đã giúp Ivan có đồ ăn, quần áo và nơi ở. Đại sứ Nga tại Paris, Hoàng tử Baryatinsky, báo tin về St Petersburg rằng Ivan khát khao kiến thức và đã tới thăm mọi bảo tàng ở Paris.
Ivan sợ khi về lại Nga, những người đã bị anh ta lừa sẽ tìm anh ta và trả thù. Sợ viễn cảnh này, Ivan đã tận dụng trí tưởng tượng phong phú của mình để mạo hiểm. Ivan muốn thử vận may ở châu Á hoặc châu Phi. Tình cờ biết về một vị hoàng tử Ấn Độ gặp khó khăn, Ivan tự nhận mình là một hoàng tử bất hạnh ở xứ Golconda, bị họ hàng và quần thần âm mưu tước đoạt ngai vàng.
Sau khi làm cho mọi người tin rằng mình thực ra là hoàng tử của vương quốc Golconda (không hề tồn tại), Ivan, lúc này vẫn ở Paris, bắt đầu tìm người ủng hộ. Để làm cho trò lừa đảo thêm thuyết phục, anh ta thậm chí còn đặt một thợ trang sức Paris làm huy hiệu hoàng gia.
Vấn đề là Ivan không có tiền. Để có tiền phục vụ lời nói dối, Ivan đã ăn cắp ít bạc nhưng bị cảnh sát Pháp bắt và bị tống và nhà ngục Bastille. Tại đây, Ivan vạch ra một hệ thống nhà nước chi tiết cho vương quốc tưởng tượng của mình, như tiền tệ, phù hiệu áo giáp, tước hiệu, các trường đại học…
Nhà nước của Ivan dựa trên hình thức chuyên chế khai sáng phổ biến trong giới triết gia Tây Âu bấy giờ. Ivan đặc biệt chú ý tô vẽ cho “Ngôi đền Kiến thức”, một học viện tự chủ nuôi dưỡng nghệ thuật và khoa học ở vương quốc tưởng tượng.
Ivan thậm chí còn bịa ra tiếng Golconda và nói bằng thứ tiếng này khi khai với điều tra viên ở trong nhà tù khiến người này vô cùng bối rối. Từ Bastille, Ivan được đưa tới St Petersburg và rơi vào tay cảnh sát mật Nga.
Nữ hoàng Catherine II quyết định không trừng phạt thanh niên 24 tuổi này quá nghiêm khắc vì lỗi lầm tuổi trẻ. Năm 1783, anh ta bị kết án hai năm lao động khổ sai. Về sau, anh ta được đưa tới Siberia để làm lính – điều anh ta sợ từ khi còn bé.
Tuy nhiên, giới chức địa phương thích Ivan và kiến nghị để anh ta không phải làm lính mà tới làm giáo viên dạy tiếng Pháp tại một trường học trong vùng. Họ lấy lý do rằng trình độ học vấn của Ivan thuộc dạng hiếm ở các tỉnh và không nên lãng phí. Ivan được phép dạy học tại một trường nội trú tư thục và làm gia sư nhưng không được về thủ đô. Trong khi Ivan sống lưu vong, giới chức địa phương phải báo cáo về tình hình Ivan cho cảnh sát mật.
Tuy nhiên, cuộc sống ở Siberia cũng là một sự giải phóng với Ivan vì cuối cùng, anh ta đã có thời gian để viết và phát triển thêm các ý tưởng về xã hội không tưởng. Ivan ngừng dạy học và dành toàn bộ thời gian để viết, gần như trở thành người ẩn dật. Không lâu sau đó, Ivan lâm bệnh nặng và chết khi mới 29 tuổi.
Cảnh sát mật đã niêm phong toàn bộ giấy tờ về Ivan và gửi về St Petersburg. Ngay cả mộ anh ta cũng không được đánh dấu để tránh người hâm mộ tới thờ cúng, hành hương.
Về sau, có nhiều tiểu thuyết và tài liệu lịch sử viết về “Hoàng tử Golconda” – người đã kết thúc cuộc đời ở Siberia. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, dù có nhiều lỗi lầm, nhưng Ivan xứng đáng được ngưỡng mộ vì không đam mê theo đuổi danh vọng, tiền bạc mà là tích lũy kiến thức.