Kế hoạch ngày tận thế của Mỹ - Kỳ 3: Bên bờ vực chiến tranh hạt nhân

Kế hoạch chính đã được quyết định, thực sự triển khai và có hiệu lực cho đến năm 1970, mang mật danh Sứ mệnh Tiền đồn. Vào giữa những năm 1950, một đơn vị gồm các phi công và tổ lái trực thăng tinh nhuệ có tên Phi đội Thử nghiệm 2857 đã được tổ chức và đồn trú tại Căn cứ Không quân Olmsted ở Pennsylvania, cải trang thành một đội tìm kiếm và cứu hộ.


Đóng quân ngay bên ngoài khu vực hứng chịu vụ nổ ở Washington, chỉ các phi công và chỉ huy căn cứ mới biết được mục đích thực sự của họ. Khi kịch bản về một cuộc tấn công hạt nhân của Liên Xô diễn ra, các máy bay trực thăng của đơn vị này sẽ gấp rút triển khai và đưa tổng thống cùng các quan chức và gia đình rời khỏi Nhà Trắng để đến Mount Weather và các sở chỉ huy dưới lòng đất khác, hoặc đến một tàu chiến liên lạc được bảo vệ nghiêm ngặt, tàu USS Northampton, neo đậu sẵn ngoài khơi bờ biển phía đông nước Mỹ.

 

Tàu USS Northampton.

Tuy nhiên, các kế hoạch chỉ yêu cầu đơn vị này sẵn sàng sơ tán tổng thống trong trường hợp Washington đã bị tấn công. Ngay tại Nhà Trắng bên dưới khu cánh Đông (East Wing), một boongke dành cho Tổng thống được xây dựng, bên trong chứa đầy đủ thực phẩm, thiết bị liên lạc và mỏ hàn cắt. Trong kế hoạch cứu hộ của Phi đội Thử nghiệm 2857, các máy bay trực thăng được trang bị các bộ khử xạ, xà beng và đèn khò để cắt tường của boongke ngầm nơi tổng thống trú ẩn. Các tổ lái của đơn vị này sẽ tiến hành các cuộc diễn tập bay với đầy đủ trang thiết bị - đeo kính đen cường lực để bảo vệ mắt trước vụ nổ của bom nguyên tử, mặc trùm kín từ đầu đến chân, ủng, găng tay và bộ đồ bảo hộ liền thân bằng cao su đều được tẩm chì. Tổng cộng mỗi người sẽ mang thêm 9 kg trên mình.


Tổng thống và gia đình sẽ được cung cấp những bộ đồ chống phóng xạ. Trong trường hợp các đơn vị trực thăng không thể vượt qua những đống đổ nát để đến boongke thì một đơn vị dự phòng với máy móc hạng nặng, kể cả cần cẩu, sẽ sẵn sàng sơ tán tổng thống. Trong những năm 1960, phi đội trên được chuyển đến Căn cứ Không quân Delta ở Delaware - một dấu hiệu rõ rệt chứng tỏ sức mạnh hủy diệt của kho vũ khí quốc gia Mỹ đang tăng lên - và ngừng phục vụ hoàn toàn vào năm 1970.

 

Phát thanh viên nổi tiếng của đài CBS Arthur Godfrey.

Nhưng nó cũng là một dấu hiệu nữa cho thấy sẽ không một ai còn sống sót và không có boongke nào trụ vững trong một cuộc tấn công hạt nhân. Một nghiên cứu năm 1962 của Lầu Năm Góc đã truy nguyên các địa điểm ngày đêm của hàng chục nhân vật kế nhiệm tổng thống theo thứ tự và tất cả đều nằm trong “vùng chết” của một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Washington. Nghiên cứu kết luận rằng với một vũ khí có sức công phá 100 megaton thì bất cứ chiếc máy bay trực thăng nào trong bán kính 80 km tính từ Nhà Trắng cũng sẽ đều bị “bốc hơi” khi bay.


Những nhân vật chóp bu trong chính phủ Mỹ đều tin rằng họ vẫn có thể hoạt động hiệu quả trong trường hợp bị tấn công. Nhưng cũng chính chính phủ này đã đẩy nhân loại đến bờ vực của sự tuyệt chủng. Bud Gallagher là một phi công tại Bộ chỉ huy không quân chiến lược và từng là Chỉ huy phi đội của Sứ mệnh Tiền đồn từ năm 1958 - 1962 và từ năm 1968 được bổ nhiệm làm giám đốc Mount Weather, vị trí mà ông nắm giữ trong 25 năm. Năm 1956, Gallagher ngồi trong buồng lái của chiến đấu cơ F - 84 Thunderjet trên đường băng của Căn cứ không quân Hoàng gia Bentwaters ở Anh. Máy bay này được gắn một quả bom nguyên tử bên dưới. Trong cuộc khủng hoảng kênh đào Suez, Gallagher đã ngồi đợi nhận lệnh để ném bom và mục tiêu là một sân bay của Phần Lan được cho là nơi mà Liên Xô sẽ sử dụng để thực hiện cuộc tấn công đầu tiên. Gallagher sau này nói: “Tôi không nghĩ là người ta sẽ biết được chúng ta ở gần một cuộc chiến tranh hạt nhân như thế nào”.


Vậy điều gì sẽ xảy ra? Các chuyên gia về ngày tận thế ở trung ương đã dự tính triển khai các kế hoạch của họ như thế nào? Chính phủ sẽ làm gì trong một kịch bản không tưởng mới, vô tiền khoáng hậu trong cuối những năm 1950 sau khi họ thả quả bom nguyên tử đó xuống?


Hệ thống báo động bom tối mật bên trong cơ sở Mount Weather sẽ ghi lại những tác động từ vụ tấn công hạt nhân. Mạng lưới các cảm biến và cáp đo áp lực của hệ thống này được bố trí trên khắp đất nước và ghi lại các thay đổi về nhiệt, ánh sáng và áp lực. Những thay đổi này sẽ được hiển thị trên một bản đồ khổng lồ về nước Mỹ lục địa. Hàng trăm bóng đèn đỏ bé xíu sẽ sáng lên để đánh dấu những khu vực chịu ảnh hưởng từ vụ nổ nguyên tử.


Một khi vụ tấn công hạt nhân diễn ra, Kế hoạch ngày tận thế sẽ có hiệu lực đầy đủ. Trước khi rời khỏi Nhà Trắng, tổng thống sẽ lấy ra các sắc lệnh hành pháp đã được phê chuẩn và ủy quyền từ trước đó nhằm áp đặt thiết quân luật.


Với hệ thống phát thanh và truyền hình khẩn cấp, những thông điệp được ghi âm của cả Tổng thống Eisenhower và phát thanh viên nổi tiếng Arthur Godfrey (1903 - 1983) sẽ được gửi đến người dân cả nước. Bức thông điệp thật ảm đạm: “Đất nước đã bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân nhưng chính phủ sẽ tiếp tục hoạt động”. Để trấn an dân chúng, các nhân vật truyền thông nổi tiếng, những người trước đó đã đồng ý tháp tùng tổng thống khi sơ tán, sẽ sử dụng tiếng tăm và tài năng của mình để làm dịu bớt sự hoảng loạn và hoang mang của những người sống sót, nêu cao chủ nghĩa anh hùng của quyền lực thứ 4.


Huy Lê

 

Đón đọc kỳ cuối: Điều hành bằng thiết quân luật

Kế hoạch ngày tận thế của Mỹ - Kỳ 2: Sở chỉ huy “tàn nhẫn”
Kế hoạch ngày tận thế của Mỹ - Kỳ 2: Sở chỉ huy “tàn nhẫn”

Ban Giám đốc của Ngân hàng Dự trữ liên bang (Fed) cũng có nơi sơ tán riêng. Đó là một cơ sở ngầm chống phóng xạ rộng gần 4.000 m2 ở ngoại vi Culpeper, Virginia. Nơi đây được tích trữ nguồn lương thực đủ dùng cho 30 ngày và có một đường hầm lạnh để bảo quản thi thể cho đến khi được chôn cất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN