Kế hoạch bắt tên cướp táo tợn nhất nước Anh

Ronnie Biggs là người bị cảnh sát London truy nã gắt gao nhất. Hắn trốn kỹ ở Brazil sau gần chục năm thực hiện vụ cướp táo tợn 26 triệu bảng trên một đoàn tàu chở tiền năm 1963. Thông tin công bố đầu năm 2016 cho thấy cảnh sát Anh đã lên nhiều kế hoạch bắt tên cướp này nhưng bất thành.

Theo kế hoạch, cảnh sát định phục kích và còng tay Biggs khi hắn ở giữa trời trên một chiếc máy bay rời Brazil. Người ta phát hiện ra Biggss ở Rio de Janeiro hồi tháng 2/1974, tức 9 năm sau khi trốn thoát khỏi nhà tù Wandsworth ở London. Người phát hiện ra hắn là thám tử thuộc Sở Cảnh sát London Jack Slipper. Ông Slipper chào con mồi của mình trong một khách sạn ở Copacabana với dòng chữ: “Ronnie, lâu lắm rồi không gặp”.

Ronnie Biggs thời trẻ.

Tuy nhiên, điều khôi hài là ông Slipper đã thất bại khi đề nghị dẫn độ Biggs về Anh. Đề nghị đã bị giới chức Brazil bác bỏ. Thay vì bị dẫn độ về Anh, Biggs có 36 ngày để chấp nhận đề nghị của chính phủ Brazil, theo đó hắn sẽ có một vé máy bay một chiều về London hoặc tự tìm cách trốn khỏi Brazil.

Giới chức Anh sợ rằng nếu Biggs tự làm theo cách của mình, hắn sẽ ra một nước khác, ví dụ như Cuba - nơi mà việc bị dẫn độ gần như là không thể xảy ra. Cảnh sát Anh tính toán đến hai khả năng và đều cân nhắc các kế hoạch ở mức cao nhất. Một là để hai cảnh sát mật bắt Biggs khi hắn đang trên chuyến bay rời Rio de Janeiro. Hai là lấy Biggs để trao đổi với với tù nhân Brazil đang bị giam giữ ở Anh.

Ngoại trưởng Anh bấy giờ là ông James Callaghan, người sau này thành Thủ tướng Anh, đã đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực tóm Biggs. Ông liên lạc với các đại sứ quán và lãnh sự quán Anh ở Mỹ Latinh và vùng Tây Ấn để cảnh báo rằng tên cướp lưu vong có thể tới.

Thông báo của ông Callaghan có đoạn: “Biggs là một khách hàng khó tóm với nhiều bạn bè tội phạm và sẽ không khó khăn gì trong việc lấy một hộ chiếu giả loại nào đó”. Các nhà ngoại giao ở thủ đô La Habana của Cuba viết thư trả lời và nói rằng giới chức địa phương đã biết và chú ý về vấn đề này. Một thông báo cho biết: “Tinh thần sẵn sàng hợp tác được thể hiện khi họ đề nghị có ảnh của Biggs để hỗ trợ quá trình nhận diện nhanh và đặc biệt là trong trường hợp hắn định vào Cuba bằng hộ chiếu giả mang quốc tịch khác. Hãy gửi ảnh sớm nhất”.

Ronnie Biggs về già

Một bản đồ nháp về khu vực Nam Mỹ do các nhà ngoại giao vẽ đã được gửi cho ông Callaghan để ông có thể biết quốc gia nào thân thiện với Anh và có thể đồng ý dẫn độ Biggs. Tuy nhiên, tấm bản đồ hóa ra lại vô dụng.

Sau đó, các nhà ngoại giao nhận được một hồ sơ tội phạm viết bằng tiếng Anh và Bồ Đào Nha. Hồ sơ gồm dấu vân tay, ảnh chụp, một danh sách tội của Biggs và một bản mô tả nói: “Cao 1,85 m, mắt xám, tóc xoăn nâu đậm. Có sẹo ở cổ tay trái, ngón tay dài”. Một bức điện do Đại sứ Anh ở Brazil viết tháng 5/1974 cho biết chiến dịch bắt Biggs sẽ được bật đèn xanh với điều kiện thám tử Slipper không dính líu. Bức điện có đoạn: “Sẽ có sự hợp tác toàn diện với cảnh sát Brazil. Động thái này sẽ không được công khai. Các sĩ quan liên quan sẽ không mang hộ chiếu để lộ danh tính của họ. Ông Slipper sẽ không tham gia”.

Thám tử Slipper (trái) đã bắt được Biggs (giữa) ở Brazil năm 1974 nhưng không thể dẫn độ hắn về Anh.

Các bức điện và thông báo trao đổi giữa các bên nói trên được Cơ quan lưu trữ quốc gia Anh công bố. Cơ quan này cũng công bố cả tài liệu nói rằng Chính phủ Anh dưới thời Thủ tướng Ted Health đã đàm phán bí mật về việc trao đổi Biggs với tội phạm Brazil trong nhà tù Anh. Kế hoạch bắt Biggs bất thành sau khi hắn có con với một phụ nữ Brazil và vì thế hắn được phép ở lại Brazil, ngoài tầm với của giới chức Anh.

Trước đó, Biggs bị bắt chỉ hơn một tháng sau khi thực hiện vụ cướp tàu chấn động và bị xét xử cùng 12 người khác. Hắn bị kết án 30 năm tù tháng 4/1964 vì tội cướp có vũ trang. Khi thụ án ở nhà tù Wandsworth, hắn đã vượt ngục năm 1965. Biggs và 3 bạn tù đã trốn thoát bằng cách leo lên bức tường cao 6 m bao quanh sân nhà tù trong thời gian tập thể dục buổi chiều. Đồng bọn của chúng ở ngoài đã ném thang dây và ống thép vào sân nhà tù.

Trong lúc Biggs trốn thoát, các cai tù giám sát buổi tập thể dục bị các tù nhân khác tìm cách cản trở để bốn tù nhân tẩu thoát trên một xe tải chờ sẵn bên ngoài. Sau đó, chúng chia lên ba ô tô rồi trốn.

Biggs cùng vợ tới Sydney, sinh con thứ ba tại đây. Khi biết mình bị nghi ngờ, hắn đưa cả nhà tới Melbourne năm 1967, làm nghề xây dựng kiếm sống. Hắn tiếp tục chạy trốn tới Panama bằng đường biển rồi tới Brazil bằng máy bay.

Dù giới chức Anh không thể làm gì Biggs ở Brazil nhưng cuối cùng, hắn cũng phải tự về Anh năm 2001 để chữa bệnh. Hắn bị đưa vào tù và được thả vì lý do nhân đạo năm 2009. Hắn chết năm 2013, thọ 84 tuổi.
Thùy Dương
Hiện trường vụ trộm 300 két tiền ở London
Hiện trường vụ trộm 300 két tiền ở London

Sở Cảnh sát Thủ đô Vương quốc Anh vừa công bố những hình ảnh hiện trường vụ trộm táo tợn tại trung tâm buôn bán kim cương Hatton Garden Safe Deposit ở thủ đô London.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN