Những chuyến bay oan nghiệt của hàng không Hàn Quốc trên bầu trời Liên Xô - Kỳ cuối

KAL 007- Chuyến bay của thần chết

Vẫn là Hãng Hàng không Hàn Quốc, vẫn là chuyến bay từ điểm dừng tiếp nhiên liệu ở thành phố Anchorage (bang Alaska, Mỹ) đến ga cuối tại thủ đô Xơun (Hàn Quốc), vẫn là sai lầm trong việc xác định hướng bay, vẫn bị tấn công bởi một chiếc Su-15 trên bầu trời Liên Xô, nhưng KAL 007 không được may mắn như KAL 902. Đó là câu chuyện của hơn 5 năm sau khi xảy ra sự kiện KAL 902. Chẳng ai, trong số 269 hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay định mệnh ấy có cơ hội sống sót khi viên Trung tá phi công Liên Xô, G. Osipovich, người điều khiển chiếc máy bay chiến đấu Su-15 nhấn nút phóng và hai quả tên lửa đánh trúng mục tiêu.


Phục dựng hình ảnh KAL 007 trước khi bị bắn hạ.


Sáng 1/9/1983, phi đội của Trung tá Osipovich được lệnh cất cánh khẩn cấp từ một căn cứ bí mật trên đảo Sakhalin lên ngăn chặn một kẻ xâm nhập trái phép vùng trời Liên Xô. Sau khi theo dấu chiếc máy bay không xác định nọ được gần 100 km, Osipovich quyết định tăng tốc. Chiếc Su-15 vọt lên. “Lúc đó, máy bay của tôi ở cùng độ cao (khoảng trên 10.000 m) và chỉ cách chiếc KAL 007 khoảng 150-200 m”, Osipovich nhớ lại. Osipovich cho biết thêm: “Tôi nhìn hai hàng cửa sổ bên thân máy bay và biết rằng đó là một chiếc Boeing, một chiếc máy bay dân sự. Nhưng đối với tôi, điều này không có nghĩa lý gì bởi người ta có thể dễ dàng hoán cải một chiếc máy bay dân sự thành một chiếc máy bay sử dụng cho mục đích quân sự. Hơn nữa, dưới mặt đất không hỏi tôi là đã phát hiện ra loại máy bay gì, nên tôi cũng không bảo với họ rằng đó là một chiếc máy bay Boeing”. Vài phút sau Osipovich nhấn nút phóng hai quả tên lửa và KAL 007 cùng toàn bộ hành khách (240 người, trong đó có 60 người Mỹ, gồm cả nghị sĩ Lary McDonald), tổ lái (3 người), tiếp viên (20 người) và 6 phi công “quá giang” nổ tung. Sau khi bị bắn, KAL 007 có khoảng 20-25 giây để bay tới lãnh thổ trung lập. Mảnh vỡ chính của KAL 007 được tìm thấy tại vùng biển quốc tế, cách đảo Maneron 17 hải lý (hơn 31 km) về phía bắc, ở độ sâu 200 m.


Su-15 - loại máy bay được sử dụng để tấn công KAL 902
và KAL 007.


Sự kiện KAL 007, theo lời của cố Tổng thống Nga, Boris Elsin, trở thành thảm hoạ lớn nhất trong lịch sử Chiến tranh Lạnh. Bởi nó đã làm dấy lên làn sóng phản đối Liên Xô mạnh mẽ, đặc biệt là từ Mỹ, đặt Mátxcơva vào hoàn cảnh khó khăn chồng chất. Nhằm tránh rắc rối, Bộ Quốc phòng Liên Xô đã cho soạn thảo một công văn bí mật quy định: Trong trường hợp chưa phân định được máy bay xâm phạm vùng trời Liên Xô có mục đích quân sự hay không, không được khai hỏa và ai đưa ra quyết định tấn công, người đó phải chịu trách nhiệm, thậm chí bị tống giam. Chính công văn này đã "bó chân bó tay" lực lượng phòng không không quân của Liên Xô, tạo điều kiện cho tên “tiểu tử" người Đức, Mathias Rust, điều khiển chiếc Cessna-172B Skyhawk xuyên thủng hệ thống phòng không được đánh giá là nghiêm mật nhất thế giới của Liên Xô, hạ cánh an toàn xuống Quảng trường Đỏ vào ngày 28/5/1987 trước sự sững sờ của cả thế giới (Báo Tin Tức số ra ngày 5 và 6/6/2008 đã thông tin về vụ này.


Trở lại với sự kiện ngày 1/9/1983, những đài rađa trên bán đảo Kamchatka (Liên Xô) đang đang dõi theo chiếc máy bay do thám USAF RC-135, đột nhiên màn hình xuất hiện đốm sáng thứ 2. Ban đầu, họ cho rằng đó là một chiếc máy bay tiếp nhiên liệu KC-135. Lẽ ra chiếc máy bay thứ 2 này phải tiếp cận với chiếc RC-135 để tiếp nhiên liệu, nhưng trên thực tế nó lại bay ổn định về phía bắc khu vực mà chiếc RC-135 thực hiện nhiệm vụ do thám. Cho nên, phía Liên Xô phán đoán đó có thể là một chiếc RC-135 khác, bay thám thính xem các đài rađa ven biển của Liên Xô có còn hoạt động được không sau khi bị một trận bão khủng khiếp tấn công trước đó. Đây quả là thách thức lớn mặc dù có một số sĩ quan Liên Xô nghi ngờ về khả năng đốm sáng thứ hai là một chiếc RC-135. Bởi nếu là một chiếc RC-135 thì sao nó lại cứ bay thẳng và giữ nguyên độ cao một cách “ngu dốt” đến vậy. Nhưng dầu sao vẫn phải cử máy bay tiêm kích lên thực hiện nhiệm vụ đánh chặn.


Minh Thành (Tổng hợp)

Những chuyến bay oan nghiệt của Hàn Quốc trên bầu trời Liên Xô
Những chuyến bay oan nghiệt của Hàn Quốc trên bầu trời Liên Xô

Cất cánh từ Pari (Pháp), như thường lệ, chiếc Boeing 707, mang số hiệu KAL 902 của Hãng hàng không Hàn Quốc (Korea Airlines), chở theo 97 hành khách và phi hành đoàn gồm 10 người, bắt đầu hành trình đến thành phố Anchorage thuộc bang Alaska (Mỹ), điểm tiếp nhiên liệu trước khi bay đến ga cuối ở Xơun (Hàn Quốc).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN