Hé lộ kịch bản 'Ngày tận thế hạt nhân'

London bị phá hủy, Thủ tướng Anh bị ám sát, các thành viên chính phủ bị vô hiệu hóa từ một thành phố khác, hàng chục triệu dân Anh thiệt mạng. Đây chính là kịch bản cho một cuộc xung đột vũ trang giữa Liên Xô và các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa được tiết lộ trong một tài liệu giải mật.


Kịch bản rùng rợn


Báo Độc lập (Nga) mới đây đăng bài bình luận về kịch bản chiến tranh thế giới thứ ba do chính phủ Anh soạn thảo và chỉ được hé lộ sau 3 thập kỷ được che giấu. Từ tài liệu này, có thể thấy rằng loài người đã thoát được một cuộc chiến tranh hạt nhân trong gang tấc. Cuộc chiến tranh này sẽ trở thành hiện thực nếu NATO và Khối Hiệp ước Varsava tiến hành các hành động chiến tranh vào những năm 80 của thế kỷ trước. Theo đó, phương Tây sẽ là người đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân trong đòn tấn công Nga. Trong khi theo khẳng định của giới chuyên gia, Mátxcơva chỉ sẵn sàng với các hoạt động phòng thủ, mà không có ý định tiến hành các hành động tấn công châu Âu.


Chiến tranh hạt nhân, nếu xảy ra, sẽ khiến hàng chục triệu dân Anh
thiệt mạng.


Tờ The Guardian của Anh cho biết, tài liệu dày 320 trang này soạn thảo kỹ lưỡng kịch bản của cuộc chiến tranh với tên gọi "Ngày tận thế hạt nhân" và các chuyên gia cho rằng gọi như vậy có lẽ cũng không quá cường điệu. Hiệp hội Y học Anh ước tính, nếu cuộc chiến xảy ra, sẽ có khoảng 33 triệu người trên khắp xứ sở sương mù thiệt mạng, trong đó có 1 triệu dân ở thủ đô London. Kịch bản cũng nêu rõ cần phải làm gì trong trường hợp Thủ tướng Anh, khi đó là “Bà đầm Thép” Margaret Thatcher, bị thiệt mạng trong một đòn giáng mạnh vào London. Các thành viên nội các cần phải sơ tán ra các thành phố khác, tạo dựng một nội các mới và lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên, kịch bản này cho rằng để duy trì được quyền kiểm soát khi chiến tranh hạt nhân nổ ra là rất khó. Dự báo sẽ có tới 500.000 dân Anh tìm cách ẩn trốn trên những ngọn đồi của xứ Wales nhưng cuối cùng hàng nghìn người trong số họ cũng chẳng thể thoát khỏi cái chết.


Hoảng loạn đặc biệt tác động mạnh mẽ tới Scotland, vùng đất thuộc Liên hiệp Anh và là mục tiêu của tên lửa Nga. Kịch bản cũng nêu rõ người dân phản đối chiến tranh bắt đầu các hành động phản kháng. Bạo loạn xảy ra trên khắp đất nước với tình trạng đánh cắp thuốc men, buôn bán rượu... Nữ hoàng Elizabeth II buộc phải chấn hưng tinh thần người dân và đọc một bức thông điệp gửi các thần dân trong đó nêu rõ: "Không có điều gì nguy hiểm chờ đợi chúng ta. Tính cách của chúng ta đã giúp chúng ta hai lần bảo vệ tự do của chính mình trong thế kỷ đau buồn này, và lần này nó vẫn là cội nguồn sức mạnh của chúng ta. Tại thời điểm này, khi chiến đấu chống lại tai họa mới, chúng ta hãy cầu nguyện cho đất nước và nhân dân ta có một ý chí kiên cường và Chúa lòng lành sẽ bảo vệ chúng ta".


“Tội ác mới”


"Tội ác mới", mà tài liệu này gọi tên, đó chính là cuộc tấn công từ phương Đông (Khối Đông Âu). "Lực lượng Da cam" (danh từ mà phương Tây dùng để chỉ Khối Đông Âu) tấn công và xâm chiếm Tây Đức, Bắc Âu, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ. Không thể ngăn chặn cuộc tấn công này, NATO đã dùng tới đòn đáp trả hạt nhân, và cuộc chiến tranh thế giới thứ ba nhanh chóng leo thang thành chiến tranh hạt nhân. Đó chính là "Ngày tận thế hạt nhân". Kịch bản chiến tranh hạt nhân viết tiếp: "Lực lượng Da cam" lúc này lại quay ra đề nghị đàm phán hòa bình.


Tờ Độc lập bình luận rằng kịch bản chiến tranh vừa được London công bố giống như một cơn ác mộng, là kết quả của một trí tưởng tượng bệnh hoạn. Nỗi sợ hãi của nội các Anh dưới thời "Bà đầm Thép" thậm chí còn kích động tới tận Đại sứ Anh tại Nga, khiến ông này còn gửi một công văn về nước, gieo rắc thêm hoang mang tại xứ sở sương mù, rằng Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô (KPRS) Yuri Adropov đang chuẩn bị đọc lời hiệu triệu chiến tranh.


“Bà đầm Thép” Margaret Thatcher.


Tuy nhiên, không chỉ phương Tây, mà nhà nước Liên Xô thời đó cũng chuẩn bị phương án ứng phó trong cuộc chiến tranh thế giới thứ ba. Trả lời phỏng vấn báo Độc lập, Đại tướng quân đội Liên Xô Makhmut Gareye - giáo sư, tiến sĩ khoa học quân sự, nhà nghiên cứu học thuyết quân sự của Liên Xô và Nga - nhấn mạnh rằng: "Bất kỳ quốc gia nào đều phải có kế hoạch tác chiến chiến lược, nhằm đáp trả và đẩy lùi mọi cuộc tấn công từ bên ngoài, cũng như những kế hoạch ứng dụng mọi loại vũ khí, kể cả vũ khí hạt nhân. Những kế hoạch này từ trước đến nay luôn là bí mật quốc gia. Tuy nhiên, khi cần thiết, chúng vẫn có thể được công bố".


Liên Xô đã từng chính thức tuyên bố rằng sẽ không bao giờ là quốc gia đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân. Hơn nữa, nếu chiến tranh xảy ra, nước Nga cũng luôn đứng trên quan điểm kiềm chế tối đa không sử dụng vũ khí hạt nhân.


Ba thập kỷ đã trôi qua và mọi sự đã trở nên rõ ràng. NATO và Liên Xô đã tiến sát tới "điểm chết". Tuy nhiên, cả Mátxcơva và London đều tránh không tự biến mình thành người tiến công đầu tiên. Tác giả bài báo này, vào thời điểm năm 1983 là phóng viên thường trú báo Tin Tức của Nga tại London và ông đã được một cán bộ Đại sứ quán Nga tại Anh khi đó gợi ý rằng: “Hãy chú ý đến diễn biến tình hình tại các hải cảng. Nếu anh nhận thấy người ta tập kết về đây thật nhiều nhiên liệu sưởi ấm và lương thực, thì đó chính là dấu hiệu để nhận biết chiến tranh đang tới gần”. Song thật may mắn, cơn ác mộng của kịch bản vừa được hé lộ, đã mãi mãi chỉ là kịch bản.



Quế Anh (P/v TTXVN tại Nga)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN