Bầu trời Hà Nội ngày 30/4 như rực rỡ hơn, ngập tràn ánh nắng, gió nhẹ, tạo không khí lâng lâng cho chúng tôi chờ đón phút giây trọng đại nhất. Nghề báo cho chúng tôi cơ may biết trước nhiều sự kiện sẽ diễn ra chắc như đinh đóng cột, nhưng trong mấy giờ chờ đợi đặc biệt này sao mà lâu thế, dài thế.
Tôi vào Tổng xã - cơ quan VNTTX số 5 Lý Thường Kiệt, đã thấy một dây pháo dài đến cả chục mét buông từ tầng 5 xuống chờ giờ nổ pháo ăn mừng. Sau này nghe ông Đỗ Phượng - Phó Tổng Biên tập, người sau này là Tổng Giám đốc TTXVN kể lại, mới biết là dây pháo này có được do đích thân Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn “chỉ đạo” ông Đỗ Phượng chuẩn bị sẵn và TTXVN sẽ là cơ quan đầu tiên ở Hà Nội được nổ pháo mừng chiến thắng.
30 năm xây dựng và trưởng thành, VNTTX kể từ khi phát bản tin về Lễ độc lập 2/9/1945 và Bản Tuyên ngôn lập nước bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến 30/4/1975, chưa bao giờ có được ngày vui như hôm ấy, khi tin tức của phóng viên chiến trường đến thẳng bạn đọc qua những dòng viết tay bằng phấn trắng bảng đen treo ở cửa cơ quan, chứ không phải qua báo đài. Càng về trưa, dòng người càng đông đặc quây kín từ ngã ba Lê Thánh Tông trước cổng Đại học Tổng hợp Hà Nội, phố Phan Huy Chú và công viên nhỏ trước cửa cơ quan - nay mang tên Jose Marti. Tất cả trò chuyện, bình luận râm ran về các mũi tiến công giải phóng Thành đô.
Buổi trưa, đột nhiên đường phố Hà Nội sôi động hẳn lên. Các phương tiện giao thông và dòng người nườm nượp kéo về xung quanh hồ Hoàn Kiếm đến chỗ Nhà thông tin và tiện đường tạt sang đường Lý Thường Kiệt, nơi duy nhất có thông tin chiến sự ở Hà Nội ngày ấy.
Bỗng nhiên có mấy người, vừa phóng xe đạp ngang qua Nhà hát Lớn vừa hét to: “Ngụy quyền đầu hàng rồi!”, “Quân Giải phóng đã vào Dinh Độc lập! Sài Gòn giải phóng rồi’’.
Thì ra họ vừa chứng kiến cảnh TTXVN nổ pháo ăn mừng nên biết sớm tin đại thắng. Biển người vẫn quây kín cơ quan TTXVN ngay cả khi khói pháo đã tan hết.
Như một phản ứng dây chuyền, cả Hà Nội bừng lên một không khí khác thường, náo động. Đến đúng 12 giờ trưa, Đài Tiếng nói Việt Nam dõng dạc giọng đọc của Việt Khoa: "11 giờ 30 phút hôm nay, 30/4/1975, Quân Giải phóng đã hoàn toàn làm chủ Sài Gòn, tiến vào Dinh Độc lập và nội các ngụy quyền Dương Văn Minh đã đầu hàng vô điều kiện”.
Không có mệnh lệnh, không ai bảo ai, cờ Tổ quốc xuất hiện nhanh chóng trên các đường phố Thủ đô Hà Nội. Từ khách sạn Metropole, khách nước ngoài đổ ra cửa, họ vẫy chào những người Hà Nội qua lại phố Ngô Quyền như muốn chia sẻ niềm vui ngày đại thắng với nhân dân Hà Nội, với người Việt Nam.
Người dân Thủ đô Hà Nội như sống trong không khí của ngày Tết Nguyên đán cổ truyền. Các xe cổ động Quốc tế Lao động với cờ hoa, chân dung Bác Hồ đã kịp có thêm băng rôn chào mừng giải phóng Sài Gòn, cờ đỏ - xanh của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ào ra phố, chạy quanh các phố lớn và nhất là khu Bờ Hồ. Hầu như nhà nào cũng cắt cử người đi dọn nhà cửa, cắm cờ. Đây đó trong thành phố chốc chốc lại vang lên từng tràng pháo rộn rã mừng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Các mũi phóng viên của phân xã Hà Nội lục tục trở về 44 Nguyễn Du nộp tin, còn Duy Nhân, Vũ Hanh, Ngọc Quán vào 18 Trần Hưng Đạo nộp phim làm ảnh báo. Và tôi xoay trần ra gõ máy chấp bút bài ghi nhanh… Đây đó thoáng trong dòng suy tưởng của bài viết là những phát biểu đanh thép về ý chí Việt Nam, Hà Nội về chiến thắng, những lời hứa quyết tâm xây dựng lại Thủ đô đàng hoàng hơn, to đẹp hơn theo lời Bác dạy; những khoắc khoải của người Hà Nội từ nơi sơ tán mong sớm được trở về xưởng thợ cũ; những giọt nước mắt mừng tủi mong đợi người thân chiến thắng trở về; là tiếng đàn guitar của các bạn Cu Ba vừa đi vừa hát những bài ca hào sảng của cách mạng Cuba, kéo theo một tốp thanh niên vỗ tay hưởng ứng. Bài viết khá nhanh, mạch văn dạt dào tuôn chảy theo dòng cảm xúc của người trong cuộc chứng kiến giờ phút hào hùng của Hà Nội, của cả đất nước. Sau này mới biết là bài ghi nhanh đặc biệt này đươc chuyển tới cấp biên tập cao nhất của TTXVN để kịp phát báo trước khi các báo yêu cầu.
Đêm 30 tháng 4 thực sự là đêm hội lớn. Quanh Hồ Gươm là biển người. Nhiều năm rồi người Hà Nội đi sơ tán, quanh Bờ Hồ chỉ có tiếng lá rụng xào xạc bay bay và hoa lộc vừng đã từng rụng kín cả phần mặt hồ trước Câu lạc bộ Thống Nhất và nhà hàng Phú Gia. Còn đôi lần Cụ Rùa ngoi lên mà thiếu vắng tiếng trẻ reo hò. Đây cũng là đêm không ngủ đầu tiên, không phải để đón tin: “Đồng bào chú ý, đông bào chú ý, máy bay địch cách Hà Nội 50 kilômét, các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu” như 3 năm trước. Đêm nay thức để ăn mừng.
Đến sáng sớm ngày 1/5, cả thành phố Hà Nội đã rợp cờ hoa, khẩu hiệu, băng rôn với những dòng chữ: "Tổ quốc Việt Nam anh hùng muôn năm", "Không có gì quý hơn độc lập - tự do”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”… Đến buổi tối, hơn 500 đại biểu ưu tú, đại diện cho mọi tầng lớp ở Thủ đô - những người đã đóng góp mồ hôi, xương máu vào chiến thắng vĩ đại ngày hôm nay, đã vinh dự tham gia cuộc mít tinh tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Sau lễ chào cờ trang trọng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc lời khai mạc âm vang khí thế hào hùng của cả non sông đất nước: “… Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc chống Mỹ, cứu nước với đỉnh cao của nó là chiến thắng vĩ đại ngày 30/4/1975, sẽ đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca mãi mãi làm nức lòng mọi người yêu chuộng chính nghĩa và công lý, độc lập và tự do. Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế lao động và nhân dịp mừng chiến thắng lớn của dân tộc, chúng ta gửi đến những người anh em và bạn bè khắp bốn biển năm châu đã từng ủng hộ và giúp đỡ với biết bao nhiệt tình cuộc chiến đấu chính nghĩa và tất thắng của chúng ta lời chào mừng nồng thắm nhất và lời cảm ơn chân tình nhất…". Nhiều lần bài phát biểu khai mạc của Thủ tướng Phạm Văn Đồng phải dừng lại vì những tràng vỗ tay rào rào như muốn toát ra cả triệu triệu niềm hạnh phúc.
Cũng trong buổi tối ngày 1/5, bầu trời Hà Nội được thắp sáng bởi những chùm pháo hoa rực rỡ chào mừng thành phố Sài Gòn được giải phóng. Quanh Hồ Gươm, pháo hoa được bắn lên từ ba, bốn địa điểm càng làm tăng thêm niềm vui, niềm hạnh phúc của người dân Thủ đô cũng như hàng triệu triệu trái tim người dân cả nước đang rung lên từng nhịp đập như muốn ôm trọn lấy niềm vui đại thắng…
Trần Đình Thảo