Chiến lược can dự của Mỹ tại Trung Đông- Kỳ cuối

Gieo rắc thảm họa

Sự hiện diện của Mỹ hiện nay ở Saudi Arabia, tuy số lượng khiêm tốn nhưng nhắc nhở chúng ta về sự nguy hiểm của việc duy trì các căn cứ quân sự trong khu vực.

IS và nhiều tổ chức cực đoan khác là một trong những hệ lụy từ sự can dự của Mỹ vào Trung Đông.


Việc đồn trú của quân đội Mỹ ở thánh địa Hồi giáo là một trong những lý do và động lực chính để al-Qaeda và Osama bin Laden tuyển dụng lực lượng cho các cuộc tấn công khủng bố, đặc biệt là vụ 11/9. Osama bin Laden từng tuyên bố sự hiện diện của quân đội Mỹ là “sự xâm lược lớn nhất nhằm vào người Hồi giáo”. Trên thực tế, các căn cứ và binh lính Mỹ ở Trung Đông là một "chất xúc tác chính cho chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa chống Mỹ", bắt đầu bằng vụ đánh bom tự sát khiến 241 lính thủy quân lục chiến Mỹ thiệt mạng ở Lebanon năm 1983. Các cuộc tấn công khác đã diễn ra tại Saudi Arabia vào năm 1996, Yemen năm 2000 (tấn công tàu USS Cole), và trong các cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq. Một nghiên cứu được công bố năm 2008 với tiêu đề “After Iraq: Futer U.S Military Posture in the Middle East” (Sau Iraq: Thế trận quân sự tương lai của Mỹ ở Trung Đông) của Bradley L.Bowman - sĩ quan về chính sách và hoạch định chiến lược trong quân đội Mỹ - đã chỉ ra rằng có một mối tương quan chặt chẽ giữa sự hiện diện các căn cứ của Lầu Năm Góc và việc tuyển dụng của al-Qaeda.

Tất nhiên, việc sử dụng những căn cứ quân sự để khởi động các cuộc chiến tranh và các kiểu can thiệp khác đều khá giống nhau ở một điểm: tạo ra sự tức giận, sự đối kháng và các cuộc tấn công chống lại Mỹ. Một báo cáo gần đây của Liên hợp quốc cho thấy chiến dịch không kích mà Washington nhằm vào IS đã dẫn đến việc các tay súng nước ngoài gia nhập tổ chức trên với "quy mô chưa từng có".

Trớ trêu là ở chỗ IS và nhiều tổ chức cực đoan khác là một trong những hệ lụy từ sự can dự của Mỹ vào Trung Đông nhiều thập kỷ qua. Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã huy động các lực lượng Hồi giáo phản động nhất và lạc hậu nhất ở khu vực Trung Đông để chống lại các nhà lãnh đạo có tư tưởng dân tộc thế tục bị coi là những đồng minh tiềm năng của Liên Xô hoặc bị coi là một mối đe dọa trực tiếp đối với lợi ích của Mỹ và châu Âu ở Trung Đông. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã tài trợ và huy động những người Hồi giáo cánh hữu ở Iran tiến hành cuộc đảo chính năm 1953 để hạ bệ Thủ tướng có tư tưởng tự do Mohammed Mossadegh. Mỹ cũng có quan hệ với các lực lượng tương tự ở Ai Cập để phá hoại chính quyền của Tổng thống Gamal Abdel Nasser - người đã quốc hữu hóa kênh đào Suez và đứng về phía Liên Xô.

Năm 1977, CIA đã ủng hộ một cuộc đảo chính do Muhammad Zia-ul-Haq tiến hành ở Pakistan để lập ra một chế độ dựa trên chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo. Tại vùng Vịnh Persia, sau khi người Iran tiến hành cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, lật đổ chế độ quân chủ ở nước này, Mỹ đã liên minh với chế độ quân chủ ở quốc gia láng giềng của Iran là Saudi Arabia. Cũng cần phải nói thêm rằng chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo liên quan trực tiếp đến bạo lực khủng bố nhờ những khoản tài trợ rất lớn của Mỹ. CIA còn hợp tác với Saudi Arabia và Pakistan để tuyển mộ những phần tử cực đoan Hồi giáo trên toàn thế giới, đào tạo những phần tử này trong việc chế tạo bom và các chiến thuật khủng bố khác, đưa họ tới chiến trường Afghanistan để chống lại Liên Xô, và chính trong số này có trùm khủng bố Osama bin Laden.

Sự can dự quân sự của Mỹ đã hủy hoại một số quốc gia khu vực Trung Đông.


Cuộc xâm lược và chiếm đóng Iraq của Mỹ đã tàn phá đất nước này. Sử dụng chiến lược "chia để trị", sự chiếm đóng đó đã gây ra sự chia rẽ phe phái giữa người Shiite và người Sunni, dẫn đến hậu quả là tăng cường sức mạnh cho al-Qaeda ở Iraq trên cơ sở dựa vào người Sunni, rồi lập ra cái gọi là "Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và vùng Levant" (ISIL), tiền thân của IS bây giờ. Nói cách khác, việc Mỹ xâm lược Iraq năm 2003 đã mở đường cho al-Qaeda vào Iraq, rồi phát triển rất mạnh ở đó để có IS ngày nay.

Những căn cứ trong học thuyết Carter và chiến lược tăng cường sự hiện diện quân sự, cũng như niềm tin của Washington rằng "việc vận dụng khéo léo sức mạnh quân sự Mỹ” có thể đảm bảo các nguồn cung dầu mỏ và giải quyết những vấn đề của khu vực, ngay từ đầu đã là một sai lầm. Thay vì cung cấp an ninh, cơ sở hạ tầng quân sự ở khu vực Đại Trung Đông lại giúp Mỹ tiến hành các cuộc chiến tranh ở xa lục địa Mỹ một cách dễ dàng hơn bao giờ hết. Nó cũng cho phép Mỹ thực hiện các cuộc chiến tranh có lựa chọn và một chính sách ngoại giao can thiệp mà kết quả là đã dẫn đến những thảm họa đối với cả khu vực, trong lòng nước Mỹ và trên thế giới. Chỉ tính từ năm 2001, cuộc chiến tranh do Mỹ dẫn đầu tại Afghanistan, Pakistan, Iraq và Yemen đã khiến hàng triệu người thương vong.


Ngoài ra, sự nổi lên của IS ở Iraq và Syria gần đây không chỉ đang tạo ra một thảm họa nhân đạo mà còn đẩy các liên minh đang tồn tại trong khu vực vào trạng thái hỗn loạn, và thậm chí khiến người ta nghi ngờ về đường biên giới giữa các quốc gia này. Trung Đông đang phải đối mặt với một lực lượng vốn sử dụng phương thức giết người hàng loạt và biện pháp chiếm hữu nô lệ (như trường hợp đã xảy ra với những phụ nữ và bé gái người Yazidi) để đạt được các mục đích chiến lược của mình. Sự sụp đổ của trật tự khu vực cũ, một trật tự đã tồn tại mà không có nhiều sự thay đổi từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, cũng đang trở nên rõ ràng, và đi kèm với đó là sự suy yếu của các thế lực vốn lâu nay nắm giữ chìa khóa sự ổn định tại khu vực này.

Điều đáng buồn ở đây là bất kỳ mong muốn hợp pháp để duy trì sự tự do dòng chảy của dầu tại khu vực đối với nền kinh tế toàn cầu vẫn có thể được duy trì, thông qua các phương tiện ít tốn kém và nguy hiểm khác. Việc duy trì hàng loạt căn cứ quân sự trị giá hàng tỷ USD/năm là không cần thiết để bảo vệ nguồn cung cấp dầu và đảm bảo hòa bình khu vực - đặc biệt là trong một giai đoạn mà Mỹ chỉ thu được khoảng 10% lượng dầu ròng và khí đốt tự nhiên từ khu vực này. Thay vì phung phí tiền của để duy trì các căn cứ quân sự ở Trung Đông, Mỹ nên dành ngân sách và sự chú ý của mình vào việc phát triển các loại nguồn năng lượng thay thế có thể giúp Mỹ và thế giới hạn chế sự phụ thuộc vào dầu mỏ Trung Đông.


Công Thuận

Hạ tầng chiến tranh của Mỹ tại Trung Đông
Hạ tầng chiến tranh của Mỹ tại Trung Đông

Mặc dù không có một cơ sở hạ tầng lớn thường trực của các căn cứ quân sự ở Iraq, nhưng quân đội Mỹ đã có khá nhiều lựa chọn khi nói đến việc tiến hành cuộc chiến tranh mới chống lại IS.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN