Đòn trả đũa sau trận Trân Châu Cảng: Kỳ 3: Ba mươi giây trên bầu trời Tôkyô

Người Mỹ không lường trước được một sự cố nhỏ xảy ra trong trận đột kích và sự cố này ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ chiến dịch, khiến cho hải quân Mỹ phải gánh chịu những tổn thất không đáng có.

Lúc này đang là tháng 3/1942, thời gian chuẩn bị cho chiến dịch cực kỳ gấp rút vì đến tháng 5, thời tiết thay đổi thất thường ở khu vực Bắc Thái Bình Dương sẽ khiến cho việc tấn công vào Tôkyô gặp rất nhiều khó khăn. Phi công Ted Lawson viết trong cuốn nhật ký trận đánh, Ba mươi giây trên bầu trời Tokyo (1943), rằng “anh đếm từng phút một”. Anh thậm chí còn đề nghị người thợ sửa chữa kiêm pháo thủ của anh, David Thatcher: “đừng gọi tôi là ‘ngài’ nữa bởi đó là sự lãng phí thời gian”.

Oanh kích mục tiêu.


Trong ba tuần đầu của tháng 3, các phi công luyện tập ở sân bay Eglin, ở phía tây bang Florida, sau đó 22 trong số các máy bay này bay sang thành phố Sacramento, bang California. Vào các hôm 31/3 và 1/4, 16 trong số các máy bay Mitchell được đưa lên tàu sân bay Hornet ở gần căn cứ không quân của hải quân Alameda. Một ngày sau, tàu sân bay Hornet với sự hộ tống của bốn tàu khu trục, hai tàu tuần dương và một tàu chở dầu đi qua gầm cầu Cổng Vàng và hướng ra đại dương. Mười một ngày sau, họ sẽ hợp quân với một lực lượng tương tự như vậy gồm tám tàu đến từ Trân Châu Cảng, dưới sự chỉ huy của tàu sân bay Enterprise, kỳ hạm của Lực lượng đặc nhiệm số 8 của Phó Đô đốc William Halsey.

Một sơ suất nhỏ ảnh hưởng đến cả đại cục, điều này đã xảy ra trong trận đột kích Doolittle. Sơ suất nhỏ đó là những người lên kế hoạch tác chiến đã không tính đến sự hiện diện của Nitto Maru - tàu đánh cá của Nhật Bản thực hiện nhiệm vụ cảnh giới. Trên thực tế, tình báo Mỹ không hề hay biết về hệ thống tàu thuyền cảnh giới được triển khai cách bờ biển Nhật Bản 650 hải lý. Tại thời điểm các lính canh trên tàu Hornet phát hiện ra con tàu Nitto Maru ở khoảng cách gần 10 km, thì cũng có nghĩa là trước đó, lính canh trên tàu Nitto Maru đã phát hiện ra con tàu sân bay dài 246 m có tải trọng 20.000 tấn này.

Ngay sau đó, tàu tuần dương Nashville đã bắn chìm tàu đánh cá này, nhưng khi đó, đội hình tấn công của hải quân Mỹ đã bị lộ. Điều đó khiến các máy bay B - 25 phải cất cánh sớm, cách địa điểm theo kế hoạch ban đầu là 150 hải lý. Việc chần chừ chỉ tạo cơ hội cho quân Nhật tấn công, đẩy toàn bộ lực lượng còn lại của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ vào tình thế nguy hiểm. Doolittle xuất phát lúc 8 giờ 20 sáng và theo sau đó 1 tiếng là 15 máy bay B - 25 khác; chiếc nọ xuất phát cách chiếc kia từ ba đến bốn phút. Mỗi máy bay sau khi lấy được độ cao liền lượn vòng và bay thấp phía trên khoang lái của tàu sân bay, sử dụng nó như là một la bàn dẫn đường về hướng Nhật Bản.

Chiếc máy bay cuối cùng, biệt danh Ba chân bốn cẳng, gặp sự cố khi cất cánh. Do nằm ở mãi tận phía sau nên phần đuôi của máy bay thò hẳn ra ngoài đuôi tàu. Máy bay số 16 bị rung mạnh bởi lực đẩy ra phía sau khi chiếc máy bay số 15 cất cánh. Khi các thủy thủ chạy đến dùng dây thừng cột lại ngăn không cho nó trượt xuống biển, thì một người lính bị trượt chân và ngã vào một cánh quạt khiến một cánh tay của anh bị thương nặng. Không hiểu vì một nguyên nhân nào đó, một lỗ hổng rộng chừng hơn 30 cm lại xuất hiện ở phần mũi máy bay. Điều này khiến nó bị giảm tốc độ và tiêu thụ nhiều nhiên liệu hơn. Nhưng không có thời gian dành cho việc sửa chữa những lỗi hỏng hóc như vậy. “Khi có bất kỳ một điều bất thường nào xảy ra” - thuyền trưởng tàu sân bay Hornet Marc Mitscher viết - “việc cất cánh sẽ cực kỳ nguy hiểm”. Nhưng các phi công chỉ muốn lên đường làm nhiệm vụ và họ đã làm được điều đó.

Tiếp dầu cho tàu sân bay Enterprise tham gia trận đánh.


Mười sáu máy bay do không liên lạc được với nhau nên bay về hướng Nhật Bản theo một đường so le có bề ngang rộng 80 km và trải dài 240 km. Mười chiếc bay đầu tiên được giao nhiệm vụ tấn công vào Tôkyô. Họ tiếp cận mục tiêu ngay sau buổi trưa, khi mà do ngẫu nhiên thành phố này đang chuẩn bị kết thúc một cuộc diễn tập phòng không. Nhiều người dân Nhật Bản khi thấy máy bay Mỹ còn giơ tay vẫy, có lẽ bởi phù hiệu của lực lượng Không quân của Lục quân Mỹ trong thời kỳ đó bao gồm một vòng tròn màu đỏ ở giữa, gần giống như lá cờ của Nhật Bản.

Sáu máy bay khác tấn công vào các mục tiêu ở các thành phố Yokohama, Kobe, Nagoya và căn cứ hải quân Yokosuka. Các máy bay Nhật đánh chặn không hiệu quả. Hỏa lực phòng không Nhật rất dày nhưng bắn không chính xác. Trong đội hình tấn công này chỉ có máy bay số 10 bị trúng đạn, với một lỗ nhỏ ở phần thân.

Tất cả các máy bay B - 25 đều ném bom trúng mục tiêu, ngoại trừ máy bay số 4 phải lẩn trốn trước sự truy đuổi của vô số máy bay đối phương do các khẩu pháo của nó bị hỏng. Hai trong số các quả bom mà mỗi máy bay mang theo là bom phá và hai quả còn lại là bom cháy. Tất cả bốn quả bom trên máy bay của Doolittle là bom cháy bởi vì theo kế hoạch ban đầu, anh đến Tokyo ba tiếng trước các phi công khác và phóng hoả thành phố để chỉ thị mục tiêu cho cuộc tấn công diễn ra vào ban đêm.

Sau khi ném hết số bom mang theo, tất cả 16 máy bay B - 25 nhanh chóng bay ra khỏi lãnh thổ Nhật Bản. Các máy bay ném bom của Mỹ không quay lại Nhật Bản cho đến mãi hơn hai năm sau.

Đình Vũ (tổng hợp)

Đón xem kỳ cuối: Thất bại trong vinh quang
Đòn trả đũa sau trận Trân Châu Cảng-Kỳ 2: Đột kích từ hướng biển
Đòn trả đũa sau trận Trân Châu Cảng-Kỳ 2: Đột kích từ hướng biển

Trong rất nhiều phương án được đưa ra, người Mỹ đã lựa chọn những chiếc B-25 Mitchell để không kích vào Tôkyô với một số điều chỉnh về thiết kế cũng như những loại vũ khí mà những chiếc máy bay này mang theo…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN