BỨC TƯỜNG ĐẠI TÂY DƯƠNG
Vào sáng sớm ngày 6/6/1944, một đội quân khổng lồ khởi hành từ phía Đông Nam nước Anh và di chuyển về phía Nam qua eo biển Manche (hay eo biển Anh). Với hơn 7.000 tàu, 11.000 máy bay và 156.000 quân, đây là lực lượng đổ bộ lớn nhất trong lịch sử. Vào lúc 6h30 sáng, sau khi khoảng 23.000 lính dù đổ bộ vào phía sau phòng tuyến của địch, lực lượng đổ bộ đường biển chính đã tiếp cận bãi biển Normandy. Chiến dịch Overlord, cuộc đổ bộ của quân Đồng minh vào Pháp, bắt đầu.
Mặc dù giao tranh diễn ra ác liệt nhưng trong vòng 24 giờ, chiến dịch Overlord đã đạt được mục tiêu chính: đảm bảo một bàn đạp vững chắc ở Tây Âu. Đó là một bước ngoặt lớn trong Thế chiến thứ hai và đánh dấu điểm khởi đầu cho sự kết thúc Đệ tam đế chế của Adolf Hitler.
Trong vòng 11 tháng, cả quân Đồng minh phương Đông và phương Tây đã tiến xuyên lục địa vào trung tâm nước Đức, Hitler tự sát và cuộc chiến ở châu Âu cuối cùng cũng kết thúc. Nhưng thành công vang dội của chiến dịch Overlord không chỉ dựa vào con người, tàu thuyền, máy bay và xe tăng. Trong nhiều tháng trước D-Day, các cơ quan tình báo của Đồng minh đã thực hiện một chiến dịch bí mật, rộng lớn trên quy mô tương đương với các cuộc đổ bộ trên thực địa nhằm đánh lừa người Đức về thời gian, địa điểm và mục đích của cuộc đổ bộ, ngăn ngừa nguy cơ lực lượng Đồng minh bị đẩy lùi xuống biển. Đó là chiến dịch Vệ sĩ (Bodyguard), một trong những vụ đánh lừa lớn nhất và thành công nhất trong lịch sử quân sự.
Khi quân Đồng minh bắt đầu lên kế hoạch đổ bộ vào Pháp, nơi đã bị Đức phát xít chiếm đóng, vào tháng 5/1943, nhiệm vụ mà họ phải đối mặt là cực kỳ khó khăn. Để bảo vệ bờ biển phía Tây châu Âu, Đức đã cho xây dựng “Bức tường Đại Tây Dương”, một tuyến công sự đáng gờm trải dài từ mũi phía Bắc của Na Uy đến biên giới Tây Ban Nha. Bức tường bao gồm khoảng 6.000 ụ súng bê tông cốt thép và vô số boong-ke cùng với hàng triệu quả mìn, hàng trăm km dây thép gai và hàng nghìn chướng ngại vật bằng thép được gọi là “nhím” và “cổng Bỉ” để xé toạc thân tàu đổ bộ khi chúng đến gần bãi biển.
Nhưng dù Bức tường Đại Tây Dương có vẻ ghê gớm như thế nào trên giấy tờ, nó vẫn có một điểm yếu chí tử: nhân lực. Với phần lớn lực lượng đang phải chiến đấu ở Mặt trận phía Đông, quân Đức đang thiếu nhân lực để bảo vệ Bờ Tây châu Âu. Vào thời điểm xảy ra cuộc đổ bộ của Overlord, chỉ huy lực lượng Đức ở phía Tây, Nguyên soái Gerd von Rundstedt, có chưa đến nửa triệu quân để bảo vệ toàn bộ nước Pháp, bao gồm Tập đoàn quân 1 và 19 của Cụm tập đoàn quân G ở phía Nam Pháp và các Tập đoàn quân 7 và 15 của Cụm Tập đoàn quân B ở phía Bắc. Nhiều đơn vị trong số này mới đến từ mặt trận phía Đông, đã kiệt sức vì chiến đấu và chưa lấy lại được toàn bộ sức mạnh hoạt động.
Quân đội Đức nhìn chung đang thiếu nhiên liệu và phương tiện, chủ yếu dựa vào vận chuyển bằng ngựa. Mặc dù người Đức biết một cuộc đổ bộ của quân Đồng minh sắp xảy ra, nhưng họ không chắc chắn chính xác đòn tấn công sẽ giáng xuống đâu, và do không có đủ quân để rải dọc theo 5.000km của Bức tường Đại Tây Dương, họ phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan về phòng thủ.
Vào tháng 11/1943, Hitler bổ nhiệm một Tổng Thanh tra mới của Bộ Quốc phòng: Nguyên soái Erwin Rommel, người có thành tích trong chiến dịch Bắc Phi khiến ông ta có biệt danh là “Cáo sa mạc”. Chứng kiến tình trạng tuyệt vọng của quân Đức ở phía Tây, Rommel kết luận rằng nếu không thể ngăn chặn một cuộc đổ bộ trên bãi biển, nước Đức sẽ phải chịu số phận đen tối. Do đó, Rommel đã ra lệnh đặt thêm mìn và chướng ngại vật trên bãi biển cũng như trồng dày đặc những chiếc cọc nhọn được gọi là “Măng tây của Rommel” để ngăn chặn cuộc đổ bộ của lính dù. Tuy nhiên, Bộ Tư lệnh Tối cao Đức không đồng tình với đánh giá của Rommel và thay vào đó chọn chiến lược tổng hợp, giữ nhiều đơn vị - trong đó có sáu sư đoàn Thiết giáp SS - làm lực lượng dự bị trong đất liền, sẵn sàng tiếp viện cho địa điểm xảy ra cuộc đổ bộ khi nó xảy ra.
Bất chấp tình trạng kém của quân phòng thủ Đức, họ vẫn là những cựu chiến binh giàu kinh nghiệm chiến đấu và đông hơn rất nhiều so với các đợt đổ bộ ban đầu của quân Đồng minh, khiến chiến dịch Overlord trở thành một viễn cảnh cực kỳ rủi ro.
Nhưng sự thiếu hụt nhân lực của Đức sẽ mang lại cho quân Đồng minh một lợi thế to lớn. Nếu quân Đức bị đánh lừa vị trí đổ bộ, họ sẽ bố trí lực lượng của mình để bảo vệ mục tiêu giả đó, khiến họ không có khả năng chống lại cuộc đổ bộ thực sự. Vào tháng 11/1943, Đại tá John Bevan, người đứng đầu Bộ phận Kiểm soát London – tổ chức bí mật phụ trách tất cả các cơ quan tình báo của phe Đồng minh – đã trình bày dự thảo kế hoạch đánh lừa tại hội nghị các nhà lãnh đạo Đồng minh ở Tehran. Kế hoạch có mật danh là Jael, theo tên một nữ anh hùng trong Kinh thánh. Kế hoạch này vạch ra một loạt thủ đoạn lừa dối phức tạp nhằm thuyết phục người Đức rằng cuộc đổ bộ của quân Đồng minh sẽ nhắm vào nhiều điểm dọc theo toàn bộ bờ biển châu Âu - bao gồm cả Na Uy và Balkan – thay vì bờ biển Normandy (Pháp). Kế hoạch này đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của Thủ tướng Anh Winston Churchill.
Sau khi được Đại tá Quân đội Anh David Strangeways sửa đổi, kế hoạch Jael đã được phê duyệt với mật danh “Chiến dịch Vệ sĩ”, được đặt tên theo một câu nói khác của Churchill: “Trong thời chiến, sự thật quý giá đến mức cô ấy luôn phải có vệ sĩ của sự dối trá canh gác”.
Xem tiếp Kỳ 2: NHỮNG CÚ LỪA CỦA 'VỆ SĨ'