Theo kênh Al Jazeera, trước đó, đã xảy ra một số lần lực lượng Nga và Mỹ “chạm trán” ở cả Biển Đen và Thái Bình Dương, khiến các bên đều lên án công khai.
Vào năm 2020, Bộ Quốc phòng Nga cho biết nước này đã phải điều 8 máy bay chiến đấu để chặn 3 máy bay ném bom chiến lược của Mỹ ở biển Đen và biển Azov trong ngày 4/9. Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ hệ thống kiểm soát không lưu của Nga đã phát hiện 3 máy bay ném bom chiến lược B-52H của Mỹ tiến vào không phận của Nga, buộc Nga phải lệnh cho 4 chiếc Su-27 và 4 chiếc Su-30 xuất kích. Cũng theo tuyên bố, sau khi các máy bay Mỹ rời đi, cả 8 chiếc Su của Nga đều đã trở về căn cứ an toàn. Mọi hoạt động của máy bay Nga đều tuân theo các quy định quốc tế về sử dụng không phận.
Phía Mỹ thì cho rằng máy bay Nga đã vượt qua phía trước máy bay ném bom B-52 của Mỹ, bay cách mũi máy bay Mỹ chỉ 30 mét, gây ra hỗn loạn.
Tiếp đó, ngày 23/1/2021, tàu khu trục USS Donald Cook trang bị tên lửa đạn đạo của Hải quân Mỹ đã tiến vào vùng Biển Đen. Theo một đoạn clip được Hạm đội 6 của Hải quân Mỹ đăng trên tài khoản Twitter chính thức, ngày 31/1/2021, một máy bay chiến đấu Su-24 của Nga đã bay vượt qua tàu khu trục USS Donald Cook. Điều đáng chú ý là chiến đấu cơ Nga bay ở tầm thấp và có lúc chỉ cách tàu khu trục Mỹ vài trăm mét (xem video dưới):
Còn theo đài Sputnik, Nga cho biết Hạm đội Biển Đen của nước này nhận nhiệm vụ theo sát hoạt động của các tàu chiến Mỹ tiến vào khu vực. Ngày 29/1/2021, Nga đã triển khai tàu chiến tới Biển Đen và các thủy thủ trên tàu chiến Nga được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao. Bộ chỉ huy Nga cho biết việc tàu Đô đốc Makarov rời căn cứ là để huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ theo lịch trình.
Trước đó, Mỹ thông báo triển khai tàu khu trục USS Porter cùng với tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Donald Cook và tàu tiếp dầu USNS Laramie tới Biển Đen để tiến hành các hoạt động an ninh hàng hải và huấn luyện với các đồng minh, đối tác trong khu vực.
Đề cập tới sự xuất hiện của tàu Mỹ tại Biển Đen, người phát ngôn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Oana Lungescu nói: "Biển Đen có tầm quan trọng chiến lược đối với NATO. Các đồng minh Bulgaria, Romania và Thổ Nhĩ Kỳ là các quốc gia ven biển, trong khi Gruzia và Ukraine là các đối tác thân thiết. NATO đã tăng cường hiện diện phòng thủ trong khu vực và tiếp tục thể hiện cam kết mạnh mẽ với an ninh ở Biển Đen”.
Một vụ “chạm trán” nữa diễn ra ngày 17/10/2022. Khi đó, Không quân Mỹ đã điều 2 chiếc máy bay chiến đấu F-16 để đánh chặn cặp máy bay ném bom của Nga bay gần bang Alaska. Theo đài NBC News, Bộ Tư lệnh Phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD) cho biết hai chiếc máy bay ném bom Tu-95 Bear-H không tiến vào không phận thuộc chủ quyền của Mỹ hoặc Canada, nhưng phía Mỹ đã phát hiện, theo dõi và ngăn chặn máy bay Nga khi chúng đang xâm nhập và hoạt động trong Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở Alaska.
Theo Cục Hàng không Liên bang Mỹ, ADIZ là khu vực nhận diện hàng không yêu cầu tất cả các máy bay phải được xác định, định vị và kiểm soát kế hoạch bay vì lợi ích an ninh quốc gia.
NORAD - tổ chức phòng không được thành lập theo thỏa thuận giữa Mỹ và Canada - cho biết hoạt động của Nga không bị coi là mối đe dọa và cũng không phải là hoạt động khiêu khích. Tuy nhiên, sự xuất hiện của máy bay ném bom Nga và việc chúng bị tiêm kích Mỹ đánh chặn xảy ra vào thời điểm mối quan hệ giữa hai nước đang trong thời điểm khó khăn.
Tình hình ngày càng căng thẳng hơn kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine và Mỹ là quốc gia viện trợ nhân đạo và quân sự lớn nhất cho Ukraine. Mỹ cũng đã giáng hàng loạt đòn trừng phạt kinh tế vào Nga.
Hồi tháng 7, Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin cảnh báo “Mỹ nên nhớ rằng Alaska từng là một phần của Nga” và Moskva có thể “lấy lại” Alaska nếu Mỹ đóng băng tài sản của Nga để trừng phạt. Theo RBC, ông Volodin cũng lưu ý rằng cấp phó của ông, Pyotr Tolstoy, trước đó đã đề xuất tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý ở Alaska.
Trong bối cảnh đó, NORAD nhấn mạnh sẽ áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ Alaska và Mỹ, bao gồm thiết lập mạng lưới phòng thủ nhiều lớp - gồm các vệ tinh, radar mặt đất, radar trên không và các máy bay chiến đấu để theo dõi và xác định các máy bay khác, từ đó đưa ra hành động thích hợp.
“Chúng tôi đã sẵn sàng sử dụng một số phương án ứng phó để bảo vệ chủ quyền Bắc Mỹ và Bắc Cực”, NORAD tuyên bố.
Vụ va chạm mới nhất giữa hai bên xảy ra vào ngày 14/3. Quân đội Mỹ và Bộ Quốc phòng Nga đã đưa ra những tuyên bố khác nhau về những gì diễn ra giữa chiến đấu cơ của Nga với máy bay không người lái (UAV) Mỹ.
Hãng tin TASS dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết ngày 14/3, một máy bay không người lái MQ-9 của Mỹ đã bị các phương tiện kiểm soát không phận của Nga phát hiện gần Bán đảo Crimea. Bộ trên cho biết. "UAV này đã bay khi tắt bộ tiếp sóng, vi phạm ranh giới của chế độ không phận tạm thời được thiết lập cho chiến dịch quân sự đặc biệt, mà Nga đã thông báo với tất cả những người sử dụng không phận quốc tế và được công bố theo tiêu chuẩn quốc tế”.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, sau khi chuyển hướng đột ngột, chiếc UAV của Mỹ đã thực hiện một chuyến bay không có hướng dẫn, mất độ cao và va chạm với mặt nước. Máy bay Nga không sử dụng vũ khí trên khoang, không tiếp xúc với UAV và đã trở về sân bay an toàn.
Trong khi đó, Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ cho rằng một trong hai máy bay chiến đấu Su-27 của Nga đã va phải cánh quạt của chiếc MQ-9 khiến nó lao xuống Biển Đen. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã được thông báo về vụ việc. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov đã được triệu tập tới Bộ Ngoại giao Mỹ.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Tướng Patrick Ryder cho biết thêm rằng máy bay Nga đã bay “trong vùng lân cận” của máy bay không người lái Mỹ trong 30 - 40 phút rồi va chạm vào lúc 7 giờ sáng 14/3 (theo giờ Trung Âu).