Địa ngục trần gian - Kỳ 1: Hệ thống câm lặng

Nhắc đến nhà tù Sing Sing, cả tù nhân và những người chưa từng đặt chân vào đây đều không khỏi rùng mình bởi mức độ khét tiếng của nó. Đây được coi là một trong những nhà tù kinh khủng nhất nước Mỹ, nơi mà con người bị đối xử không bằng con vật. Nó khiến người ta kinh hãi đến mức ngôi làng Sing Sing mà nhà tù được đặt tên theo phải đổi tên thành làng Ossining, để tránh gắn liền với nhà tù này.


 

Một “món” hành hạ tù nhân.

Năm 1825, đại úy Elam Lynds, người giám sát nhà tù Auburn ở New York, được giao nhiệm vụ xây một nhà tù mới và hiện đại hơn. Đại úy Lynds đã bỏ ra hàng tháng trời nghiên cứu những địa điểm để xây nhà tù, trong đó có đảo Staten, khu Bronx và Mt. Pleasant nằm ven bờ sông Hudson. Sau cùng anh ta quyết định chọn Mt. Pleasant - địa điểm gần một ngôi làng nhỏ tên là Sing Sing ở hạt Westchester. Sing Sing là từ bắt nguồn từ tiếng thổ dân da đỏ Mỹ, nghĩa là “đá chồng đá”. Hai bờ sông Hudson sẵn có vô số đá hoa cương chất lượng cao để xây nhà tù.


Tháng 5/1825, Lynds và 100 tù nhân ở nhà tù Auburn đã lên thuyền đi dọc sông Hudson đến Mt. Pleasant. Trong điều kiện bẩn thỉu nhất, phơi mưa phơi nắng, hầu như không đủ thức ăn, không có gì che chắn, 100 tù nhân bắt đầu xây nhà tù Sing Sing - nơi về sau là chỗ giam cầm những tội phạm khét tiếng nhất xã hội và trở thành một trong những nhà tù hà khắc nhất nước Mỹ.


 

Một phòng giam trong nhà tù Sing Sing.

 

Sau nhiều tháng, tù nhân đã xây xong 60 trong tổng số 800 phòng giam. Mỗi phòng giam của Sing Sing chỉ dài 2,1 mét, rộng 1 mét và cao 2 mét. Đại úy Lynds đã dùng roi và cùm để bóc lột tù nhân lao động đến kiệt cùng sức lực. Cuối cùng, năm 1828, tòa nhà chính cũng xây xong. Chẳng bao lâu, hàng trăm kẻ bị kết án đã bị tống vào Sing Sing.


Cai ngục gặp một vấn đề nghiêm trọng ở Sing Sing. Trong thời gian cuối thế kỷ thứ 19, các nhà tù ngày càng phình to do tội phạm ngày càng nhiều. Do thiếu người nên công việc của các cai ngục trở nên quá tải nặng nề. Chẳng may họ có sơ suất điều gì đó thì hầu như không thể dập tắt được cuộc nổi loạn của tù nhân. Những vụ tù nhân nổi loạn và chuyện cai ngục bắn giết tù nhân là chuyện thường ngày. Nhiều kỷ luật và phương pháp đàn áp tù nhân dần dần xuất hiện đằng sau bức tường Sing Sing.


Những phương pháp này gồm những biện pháp từ hành hạ tâm lý như “hệ thống câm lặng” đến hành hạ thể xác bằng lồng thép và roi vọt. Năm 1864, ghi chép của nhà tù Sing Sing cho thấy 613 trong tổng số 796 tù nhân bị hành hạ thể xác. Có người còn bị trừng phạt tới 22 lần.


Khó mà diễn tả thành lời sự tàn độc của một số cai ngục khi họ làm công việc kiểm soát tù nhân, không chỉ ở Sing Sing mà ở mọi nhà tù trên đất Mỹ trong giai đoạn này. Đối với “hệ thống câm lặng”, tù nhân không được nói chuyện hay liên lạc với nhau. Họ phải ăn trong im lặng, làm việc trong im lặng, tồn tại trong một thế giới câm lặng. Trong đồng phục tù nhân là bộ quần áo kẻ sọc, người này nối tiếp người kia, lê từng bước vô hồn với chiếc cùm sắt quanh chân như những người máy. Họ không được người ngoài đến thăm và chỉ được phép đọc kinh thánh hoặc ngồi thiền.


Tất nhiên là họ không được hát hò, huýt sáo, nhảy nhót, chạy nhảy hoặc làm bất kỳ điều gì có thể ảnh hưởng, dù là nhỏ nhất đến không khí và quy định của nhà tù. Giới chức quản lý nhà tù thời đó cho rằng sự câm lặng chính là con đường đưa những kẻ phạm tội trở lại cuộc sống đúng đắn. Có thể nói rằng tù nhân ở Sing Sing gần như bị chôn sống trong một nấm mồ tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài.


Bất kỳ ai vi phạm “hệ thống câm lặng” đều bị trừng phạt tàn độc và ngay tức khắc. Phần lớn cai ngục cho rằng phớt lờ vi phạm của tù nhân là khuyến khích nổi loạn.
Theo tiếng lóng trong tù, cái roi được gọi là “mèo” - biểu tượng quyền lực ở Sing Sing. “Mèo” được làm bằng một dải da dài, gắn vào một cái tay cầm bằng gỗ rất bền. “Mèo” sẵn sàng quăng mình vào tù nhân khi họ mắc lỗi dù là nhỏ nhất và không có quy định lỗi nào bị phạt bao nhiêu roi. “Mèo” hiếm khi hoạt động đơn độc mà nó thường đi kèm với một miếng bọt biển thấm nước muối được dùng để “vuốt ve” vết thương toét máu của tù nhân.


Một phương pháp hành hạ tù nhân khác được gọi là “tắm táp”, được nhà tù Sing Sing dùng trong vài chục năm liền để khủng bố tù nhân và duy trì trật tự. Tù nhân bị buộc vào một cái ghế, một vật hình cái khiên sẽ được gắn quanh cổ tù nhân. Người ta đổ nước lạnh buốt từ trên đầu tù nhân sao cho nước dâng lên vừa đúng qua cằm và mồm. Thỉnh thoảng, cai ngục còn cho nước chảy liên tục từ một vị trí rất cao xuống chính đỉnh đầu tù nhân. 170 tù nhân đã chịu hình phạt này năm 1852.


Cùng năm đó, có 5 người bị trừng phạt theo kiểu “lợn quay”. Cai ngục sẽ bắt tù nhân ngồi xổm, đặt một thanh gỗ giữa hai cánh tay và hai chân tù nhân rồi trói chặt lại. Sau đó, cai ngục sẽ treo thanh gỗ lên khiến tù nhân bị lộn ngược như một con lợn đang bị quay chín. Cứ được một lúc, tù nhân lại bị đổi vị trí để tránh bị ngất. Đây được coi là biện pháp phạt nặng và chỉ được dùng trong những trường hợp nghiêm trọng nhất.


Thùy Dương

 

Đón đọc kỳ tới: Trung tâm hành quyết

Địa ngục trần gian - Kỳ cuối: Khép lại trang sử tối
Địa ngục trần gian - Kỳ cuối: Khép lại trang sử tối

Chuyện về tù nhân Chapin với vườn hoa, nhà nuôi chim chỉ là một khoảng sáng trong nhà tù Sing Sing. Ngoài khoảng đẹp đẽ đó ra, Sing Sing vẫn là một trong những nhà tù khét tiếng nhất nước Mỹ với điều kiện sống tồi tệ... Vượt ngục ở đây hiếm khi thành công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN