Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt vòng hoa tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Hành trình từ Pari đến La Habana đầy ắp các sự kiện, với nhiều nội dung quan trọng được bàn thảo ở cấp cao nhất nhằm đưa quan hệ Việt Nam – Pháp, Việt Nam – Cuba bước sang một giai đoạn phát triển mới, sôi động, mạnh mẽ hơn và thiết thực, hiệu quả hơn.
Trong hành trình ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu trong từng sự kiện, ở từng điểm đến. Những ký ức về Người một lần nữa sống lại, lan tỏa và kết nối giữa con người với con người, quốc gia với quốc gia. Di sản mà Người để lại vẫn còn nguyên giá trị cho hôm nay và mãi đến mai sau.
Biểu tượng tiêu biểu của tình hữu nghị
Không gian Hồ Chí Minh trong Bảo tàng lịch sử sống và Tượng Bác Hồ tại Công viên Montreau, thành phố Montreuil (tỉnh Seine-Saint-Denis), cách trung tâm Thủ đô Pari khoảng 15 km về phía Đông Bắc, là điểm đến đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngay khi đặt chân đến nước Pháp.
Thị trưởng thành phố Montreuil, ông Patrice Besac, là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng Cộng sản Pháp, cùng những người bạn Pháp đã chờ đón ở đây từ rất sớm. Không khí trang trọng và ấm áp tình thân hữu, mặc dù trời đã về chiều, nhiệt độ khoảng 7-8 độ C.
Công viên Montreau vừa trải qua những ngày đông giá rét, cây cối khẳng khiu nhưng khu vực xung quanh Tượng Bác Hồ vẫn xanh tốt, có cả những rặng trúc, cho thấy sự chăm sóc cẩn thận, chu đáo, ngay cả việc lựa chọn loại cây trồng có khả năng chống chịu tốt với giá rét. Tượng Bác được gắn tấm biển bằng đồng mang dòng chữ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hóa của Việt Nam” (Nghị quyết của UNESCO năm 1987).
Sau nghi lễ trang trọng đặt hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thị trưởng Patrice Besac đã cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trồng cây lưu niệm ngay cạnh Tượng Bác Hồ, đó là một cây Đào - loại cây quý vốn nổi tiếng của vùng đất Montreuil.
Ông Patrice Bessas vừa tròn 40 tuổi nhưng đã có 4 năm làm Thị trưởng. Với ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là vị cha già của dân tộc Việt Nam, mà còn được các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có nhân dân thành phố Montreuil yêu mến, kính trọng.
“Người là gương mặt tiểu biểu chống chủ nghĩa đế quốc thực dân. Người đã làm thay đổi vận mệnh đất nước các bạn và để lại dấu ấn sâu đậm trên trường quốc tế”. Ông tự hào giới thiệu về truyền thống lịch sử của Montreuil - thành phố chống chủ nghĩa thực dân, đoàn kết với phong trào công nhân quốc tế, một trong những thành phố đầu tiên đã ủng hộ, giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Nơi đây, nhiều người dân đã đứng lên đấu tranh ủng hộ Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Bởi vậy “Ngài đến đây như đang ở chính ngôi nhà của mình”, Thị trưởng Patrice Bessas nói với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tình cảm yêu mến của ông Thị trưởng Patrice Bessas và nhân dân thành phố Montreuil đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và đối với Việt Nam, đã được cụ thể hóa thành hành động. Sau khi Việt Nam hòa bình, thống nhất, Montreuil luôn quan tâm thúc đẩy hợp tác phi tập trung với các phương của Việt Nam và năm 1999 thiết lập quan hệ với tỉnh Hải Dương, tăng cường hợp tác về kinh tế, giáo dục, y tế, môi trường, quy hoạch đô thị, du lịch…
Tái hiện quãng thời gian Bác Hồ hoạt động tại Pháp đầu thế kỷ XX, Cụm di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Montreuil được khánh thành ngày 19/5/2000 nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Người. Tại đây, cùng với nhiều hiện vật lịch sử liên quan đến Bác Hồ, chính quyền thành phố Montreuil đã phục dựng nguyên bản căn phòng nhỏ số 9 ngõ Compoint (Quận 17, Pari), nơi Bác Hồ từng sống và làm thợ ảnh trong thời gian từ tháng 7/1921 đến tháng 6/1923. Trong đó, nhiều hiện vật quý như tấm thẻ Đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, những bức thư Người gửi Liên đoàn Đảng Cộng sản Pháp và các đồng chí của mình là lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp…
Không phải lần đầu thăm nơi này nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn tràn ngập xúc động, bởi đây chính là “nơi khởi nguồn quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước”, “ là biểu tượng tiêu biểu của tình hữu nghị giữa nhân dân Pháp với nhân dân Việt Nam”.
Choisy Le Roi – Hành động vì hòa bình
Thành phố Choisy Le Roi nằm ở phía Đông Nam ngoại ô Pari, thuộc tỉnh Val-de-Marne, vùng hành chính Ile-de-France. Là thành phố cộng sản, Choisy Le Roi còn có ý nghĩa đặc biệt với Việt Nam, bởi đây chính là nơi diễn ra các cuộc đàm phán Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, 45 năm về trước.
Trong suốt 5 năm (5/1968 – 3/1973), chính quyền, các đảng viên Đảng Cộng sản Pháp và người dân thành phố đã dành những tình cảm quý mến, sự giúp đỡ tận tình cả tinh thần và vật chất, cũng như nơi lưu trú cho đoàn đàm phán của Việt Nam.
Sau khi Hiệp định Pari được ký kết, Choisy Le Roi luôn duy trì tình hữu nghị, đoàn kết gắn bó với Việt Nam. Thành phố đã kết nghĩa với quận Đống Đa (Hà Nội) từ năm 1973, hỗ trợ quận Đống Đa tái thiết sau chiến tranh, xây dựng trường học, trạm xá…
Mang dáng vẻ đặc trưng của một thành phố ngoại ô ở châu Âu, nhưng Choisy Le Roi lại rất gần gũi, bởi nơi đây có Quảng trường Hiệp định Pari, có con phố nhỏ mang tên Đống Đa và có những người bạn Pháp luôn dành cho Việt Nam tình cảm đặc biệt.
Thị trưởng thành phố, ông Didier Guillaume, là đảng viên Cộng sản từ khi 27 tuổi, nay sắp tròn 30 năm. Ông nhắc lại những ký ức không thể nào quên đối với người dân thành phố Choisy Le Roi: Cách đây 45 năm, với sự đấu tranh quả cảm của người dân Việt Nam chống lại đế quốc Mỹ, Hiệp định Pari được ký kết, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Thành phố Choisy Le Roi đã phát động phong trào ủng hộ cuộc đấu tranh quả cảm của nhân dân Việt Nam chống lại đế quốc hung tàn, dùng vũ khí hủy diệt hàng loạt như bom bi, bom napan, thuốc diệt cỏ - chất độc da cam… để đạt mục đích của mình. Phong trào lên cao đã đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến không dung thứ này.
Ông Didier Guillaume nhấn mạnh: “Là thành phố anh em của các bạn, hòa bình và ký ức luôn là những giá trị chung của Choisy Le Roi. Việc kỷ niệm các sự kiện nhằm nhắc nhở thế hệ sau rằng, hiểm họa đe dọa hòa bình luôn hiện hữu và cần đoàn kết với các dân tộc để đấu tranh cho hòa bình”.
Trong giai đoạn tiếp theo, quan hệ Pháp –Việt đã không ngừng phát triển trên cơ sở cùng tìm tòi, phát huy những giá trị chung. Và theo ông: “quan hệ hữu nghị với Việt Nam là minh chứng cho sự quyết tâm của thành phố trong việc giữ gìn các giá trị cốt lõi của nhân loại. Choisy Le Roi vinh dự được góp phần nhỏ bé vào những nỗ lực chung để ký kết Hiệp định hòa bình tại Pari và sẽ tiếp tục hành động vì hòa bình”.
Tự hào vì được giúp đỡ Việt Nam
Cuộc gặp gỡ những người bạn Pháp diễn ra tại Tòa thị chính thành phố trong không khí đầm ấm, thân mật và vô cùng xúc động. Bà Jeanniene Rubin, nhân viên cấp dưỡng và ông Max Staat, người lái xe bình dị của 45 năm trước đã xúc động ôn lại những kỷ niệm không thể nào quên trong thời gian làm việc cho Đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam sang đàm phán Hiệp định Pari tại thành phố Choisy Le Roi.
Qua câu chuyện có thể cảm nhận tình cảm yêu mến và sự đoàn kết, ủng hộ nhiệt thành, vô tư của những người bạn và nhân dân tiến bộ Pháp dành cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc, vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. 45 năm đã trôi qua, nhưng trong họ còn vẹn nguyên tình cảm yêu mến Việt Nam, vẹn nguyên niềm tự hào được đóng góp một phần nhỏ bé của mình cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Bà Jenny Wibanh đã ngoài 70 tuổi, gương mặt hồn hậu, tươi vui. Bà hồi tưởng lại thời điểm 45 năm trước, khi còn là nhân viên cấp dưỡng ở trường mẫu giáo. Khi đó, người phụ trách nhân sự của thành phố nói cần bà đến phục vụ bữa ăn tối cho Đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam, sau giờ làm việc ở trường. Bà thấy rất vinh dự được tin tưởng giao nhiệm vụ và không ngần ngại nhận lời ngay. Các con còn nhỏ, bà phải nhờ mẹ trông giúp các cháu để có thể đến phục vụ Đoàn vào buổi tối.
Bà kể: “Tôi không có nhiều dịp trao đổi với các thành viên trong Đoàn, chỉ biết các thành viên Đoàn đều rất bận, đàm phán những nội dung vô cùng quan trọng và bí mật không thể chia sẻ… nên tôi tiếp tục làm công việc của mình, chuẩn bị những bữa ăn ngon cho Đoàn”. Bà Jenny Wibanh di dỏm kết thúc câu chuyện của mình: “Ngày nay, nếu có ai yêu cầu phục vụ đoàn Việt Nam, tôi vẫn sẵn sàng vì đó là công việc hết sức ý nghĩa”. Không khí buổi gặp mặt hết sức vui vẻ và tiếng vỗ tay hoan hô mãi không dứt.
Ông Max Staat xúc động kể lại: Tháng 12/1972, ông được đề nghị làm lái xe cho Đoàn, khi mới 21 tuổi. Ông không ngần ngại nhận lời ngay, vì một lý do đơn giản là ông mong muốn có hành động cụ thể giúp đỡ Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược. Một trong những lý do chủ yếu khiến ông tham gia Đảng Cộng sản Pháp là để ủng hộ Việt Nam, tham gia nhiều cuộc biểu tình ở Pari, yêu cầu Mỹ rút về nước.
Ông nhớ lại: Trong thời gian Đoàn đàm phán ở Choisy Le Roi, ông được gặp nhiều nhân vật quan trọng như ông Xuân Thủy, ông Lê Đức Thọ… Khi biết được trong Đoàn có người từng bị tra tấn rất nhiều trong nhà tù của Pháp tại Việt Nam, các bạn Pháp đã rất chú ý nâng niu từng giấc ngủ cho các ông.
Ông Max Staat nhớ rất rõ: “Các thành viên trong Đoàn không nói nhiều nhưng qua cử chỉ, chúng tôi hiểu rằng có các chiến sỹ Cộng sản Pháp giúp đỡ nên họ yên tâm chuyên tâm vào công việc đàm phán”. Nhiều lần, ông lái xe đưa các đồng chí Việt Nam đến các cuộc gặp bí mật, nên phải đi rất lòng vòng.
“Có những thời khắc khó khăn, đế quốc Mỹ ném bom miền Bắc, chiến sự đẫm máu, các bạn Việt Nam rất nóng lòng về tin tức ở quê nhà. Nhiều khi không có tin trong một thời gian dài, nhưng có khi là tin dữ, nên chúng tôi càng chăm chút hơn cho các thành viên của Đoàn. Các bạn Việt Nam quả cảm và tin tưởng vào chiến thắng. Trong đoàn có một đồng chí cảnh vệ được đặt tên là Thắng, sau này không còn liên lạc được nhưng tôi không thể quên khuôn mặt của đồng chí ấy”, ông Max Staat kể lại.
Khi được lái xe cho Đoàn cũng là những thời khắc thân thương. “Chúng tôi là những người đồng chí, đồng hành cùng các bạn Việt Nam trong các cuộc đàm phán. Đáng nhớ nhất là khi Hiệp định được ký kết ngày 27/1/1973, đánh dấu sự chiến thắng của nhân dân Việt Nam và sự thất bại của đế quốc Mỹ”, ông Max Staat xúc động nói.
Bài học quý báu của ngoại giao Hồ Chí Minh
Đến thăm Choisy Le Roi đúng dịp hai nước kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao, 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp và 45 năm ngày ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, được gặp gỡ, trò chuyện cùng những người bạn Pháp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không giấu được niềm xúc động.
Thay cho lời nói là những cái bắt tay, ôm hôn thật chặt. Với Tổng Bí thư, đó là “những tấm gương tiêu biểu cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc Việt - Pháp tại thành phố Choisy Le Roi lịch sử”. Gửi lời tri ân chân thành và sâu sắc nhất tới những người bạn Pháp, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Năm tháng trôi qua, cảnh quan có thể thay đổi, con người cũng già đi nhưng lịch sử mãi mãi là lịch sử, ký ức được lưu giữ sẽ mãi mãi là dấu ấn trường tồn của mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc Việt – Pháp”.
Nói về sự kiện lịch sử quan trọng 45 năm về trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng: “Dù cho con đường vẫn còn dài, nhưng ở Choisy Le Roi, trong 5 năm, hòa bình được tạo dựng, và tạo dựng trên đất Pháp, nơi mà đối với Hồ Chí Minh, người cha của dân tộc, trong thời tuổi trẻ của ông, nước Pháp đã là nguồn cảm hứng cho cuộc đấu tranh giành tự do và độc lập”. Như một lời tâm sự, ông nói: “Lịch sử đã kết nối chúng ta là một câu chuyện về chiến tranh, hòa bình, cách xa rồi đoàn tụ”… nhưng cuối cùng “tình hữu nghị giữa hai nước là vĩnh viễn”.
Việc ký kết Hiệp định Pari đánh dấu sự thắng lợi của quá trình đàm phán lâu dài, là kết quả tất yếu của những chiến thắng của quân và dân Việt Nam trên chiến trường đầy gian khổ, ác liệt; đồng thời cũng là thắng lợi của các phong trào chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, ủng hộ Việt Nam của nhân dân Pháp và nhân dân thế giới mà người dân Choisy Le Roi đã có những đóng góp không nhỏ.
Câu chuyện ở Choisy Le Roi là minh chứng điển hình cho đường lối ngoại giao đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Chính phủ Việt Nam lúc bấy giờ, là bài học kinh nghiệm quý báu của ngoại giao Hồ Chí Minh, đó là hòa bình, hòa hiếu, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy cao độ tinh thần đoàn kết quốc tế, sự ủng hộ vô tư trong sáng của nhân dân yêu chuộng hòa bình và tiến bộ trên toàn thế giới. Đó là thắng lợi của chính nghĩa.
Bác Hồ trên Hòn đảo tự do
Cảm nhận đầu tiên khi đặt chân đến Hòn đảo Tự do là khí hậu ấm áp, người dân nồng hậu, không gian khoáng đạt, biển và trời hòa nhập vào nhau đến vô tận. Tuy xa nhau nửa vòng trái đất, nhưng Cuba và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, gắn kết cùng nhau trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc.
Khi hòa bình lập lại, tại Việt Nam có những trường học, bệnh viện… mang tên Cuba. Và trên đất nước Cuba anh em, rất nhiều công trình mang tên Việt Nam vẫn đang hoạt động hiệu quả, để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng nhân dân Cuba. Như ở Trường Tiểu học Võ Thị Thắng, “nụ cười chiến thắng” đã được nhà trường đưa vào chương trình giáo dục cho học sinh như một biểu tượng của cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống lại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Và tương tự, tại các trường học mang tên Bác Hồ, Nguyễn Văn Trỗi, Bến Tre…, các em sẽ được học, được biết đến những vùng đất, những con người Việt Nam tiêu biểu.
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trung tâm thủ đô La Habana (Cuba). Ảnh: Vũ Hà/Pv TTXVN tại Cuba |
Tại La Habana, Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh là một công trình tiêu biểu, được đặt trang trọng trong Công viên Hòa Bình rộng 5600 m2, Đại lộ 26, khu Nuevô Vêđađô, quận Quảng trường Cách mạng.
Xây dựng theo thiết kế và chỉ đạo kỹ thuật của Kiến trúc sư Giô-en Đi-át, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba – Việt Nam, Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành ngày 19/5/2003 – Ngày sinh thứ 113 của Người. Toàn bộ Tượng đài được đặt trên nền đá cẩm thạch đỏ rộng 54m2. Dưới chân tượng là khung hình ngôi sao 5 cánh, trồng hoa màu vàng. Màu đỏ của nền đá và ngôi sao vàng từ hoa tượng trưng cho quốc kỳ Việt Nam và khối đoàn kết toàn dân tộc.
Bao trùm toàn bộ Tượng đài và nền đá hình quốc kỳ là một bộ khung hình kim tự tháp 4 cánh, nối thẳng với trời xanh, làm bằng hợp kim thanh mảnh màu đỏ, tương phản với màu xanh của cây cối bao quanh, tượng trưng cho ba tổ chức cộng sản đầu tiên ở Việt Nam. Bác Hồ - đại diện của Quốc tế cộng sản, đã hợp nhất và sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam. Phía sau Tượng đài là rặng tre, trúc, xa hơn nữa là hàng cây cổ thụ, biểu tượng của núi rừng và chiến khu Việt Bắc. Sau khi khánh thành Tượng đài, một Chi hội hữu nghị Cuba – Việt Nam đã được thành lập, có nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ, gìn giữ công trình.
Ngay khi đến Thủ đô La Habana, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến đặt vòng hoa trước Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Buổi lễ không chỉ có lãnh đạo chính quyền mà đông đảo nhân dân và các cháu thiếu nhi trong khu Nuevô Vêđađô, quận Quảng trường Cách mạng, Thành phố La Habana cùng có mặt. Các cháu thiếu nhi Cuba mặc áo dài truyền thống của Việt Nam, hát vang bài quốc ca của hai nước, trang nghiêm và thân thiết.
Gần gũi như anh em một nhà
Tuy cách nhau nửa vòng trái đất, nhưng Việt Nam và Cuba có nhiều điểm tương đồng. Hai dân tộc đã luôn kề vai sát cánh trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do trước đây và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ngày nay. Tổng Tư lệnh Fidel Castro từng nói: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”, “Trong hòa bình, Cuba sẵn sàng đổ mồ hôi để góp phần xây dựng lại Việt Nam mười lần to đẹp hơn như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn”. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định: “Việt Nam và Cuba cách xa nhau hàng vạn dặm nhưng lòng dân hai nước gần gũi như anh em một nhà”.
Trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Cuba lần này, lãnh đạo và nhân dân Cuba đã đón Đoàn Việt Nam như những người đồng chí, anh em, vượt qua mọi nguyên tắc ngoại giao thông thường. Chưa từng có tiền lệ, Chủ tịch Raul Castro cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham gia nhiều hoạt động, cùng đi trên một chiếc chuyên cơ đến thăm tỉnh Santiago De Cuba. Hình ảnh hai nhà lãnh đạo cao nhất của hai đất nước ngồi bên nhau trong khoang máy bay, tay nắm chặt tay, vui vẻ trò chuyện trong suốt hành trình thăm Santiago De Cuba, sẽ mãi là hình ảnh đẹp, đi vào lịch sử quan hệ hai nước. Hình ảnh đó, cách ứng xử đó chỉ có thể có ở những người anh em trong một gia đình.
Thủy chung như nhất, đó là một trong những giá trị nền tảng của ngoại giao Hồ Chí Minh. Trước đông đảo thanh niên hai nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Quan hệ Việt Nam - Cuba là mối quan hệ “anh em mẫu mực, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, đoàn kết thủy chung”. Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên sự ủng hộ mạnh mẽ, sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa của Đảng Cộng sản và nhân dân Cuba anh em, và sẽ luôn kề vai sát cánh cùng nhân dân Cuba trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên Hòn đảo tự do. Với tất cả sự chân thành, sẻ chia để cùng phát triển, trong chuyến thăm lần này, Việt Nam quyết định xóa nợ cho Chính phủ Cuba, đồng thời tăng cường trao đổi kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực. Bất cứ sự sẻ chia, giúp đỡ nào cũng đều đáng quý, nhưng sự chia sẻ kinh nghiệm phát triển, lãnh đạo và quản lý… thì chỉ có ở những người đồng chí anh em thân thiết, chân thành, tin cậy lẫn nhau.
Đúng 45 năm trước, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam còn nhiều gian khổ, ác liệt, Tổng Tư lệnh Fidel Castro đã vào thăm chiến trường Quảng Trị khói lửa và tuyên bố với cả thế giới rằng “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Và 45 năm sau, cũng là dịp kỷ niệm 65 năm chiến thắng Moncada, trong chuyến thăm Cuba, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến Santiago De Cuba – vùng quê cách mạng của Cuba, thăm Bảo tàng lịch sử 26 Tháng 7 – Bảo tàng Moncada, viếng mộ Anh hùng dân tộc José Martí và Tổng Tư lệnh Fidel Castro, như để tỏ lòng tri ân những người con anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Ba ngày ở Cuba, bên cạnh các cuộc hội đàm, hội kiến với các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Cuba, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn có nhiều hoạt động giao lưu, tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là lớp trẻ, như thăm Trường Tiểu học Võ Thị Thắng, nói chuyện với sinh viên Đại học Tổng hợp La Habana, dự và phát biểu tại cuộc gặp mặt thế hệ trẻ hai nước… Ở những nơi đến, Tổng Bí thư và các thành viên trong Đoàn đều cảm nhận sâu sắc “Việt Nam – Cuba là anh em, Việt Nam - Cuba mãi mãi bên nhau”.
Cộng hòa Pháp là một nước phát triển, có vai trò, vị trí hàng đầu ở châu Âu và trên thế giới. Cộng hòa Cuba là người bạn thủy chung, người đồng chí anh em thân thiết của Việt Nam, nằm ở bên kia bán cầu. Quan hệ giữa Việt Nam với Cộng hòa Pháp và Cộng hòa Cuba, hai mối quan hệ đó khác nhau ở nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, trong triển khai đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, thấm nhuần tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, Việt Nam tiếp tục cùng Cộng hòa Pháp và Cộng hòa Cuba, nỗ lực thúc đẩy quan hệ song phương bước sang trang mới, làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp, đưa quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Cuba phát triển ngày càng sâu rộng, thiết thực và hiệu quả hơn, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở mỗi khu vực và trên toàn thế giới. Đó cũng là mong muốn, là tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.