Cuộc vây hãm thành Vienna - Kỳ cuối

Một trong những lý do chính khiến quân Thổ không thể đột phá nhanh chóng qua các bức tường phòng vệ của Vienna là họ chỉ mang theo pháo binh hạng nhẹ cho cuộc vây hãm. Pháo của họ thường thiếu sự chính xác khi đưa vào sử dụng. Chúng đủ lớn để gây ra thương vong cho người dân Vienna, nhưng không đủ mạnh để xé toạc các bức tường kiên cố của thành trì này. Chính vì vậy, trên thực tế, những khẩu pháo của Thổ Nhĩ Kỳ thất bại trong quá nhiều trận đánh tay đôi với pháo của Áo.


Quân Đức và Ba Lan giải cứu Vienna.


Tuy nhiên, bù lại các chiến binh người Thổ lại có những kĩ năng đào hầm và phá hoại rất tốt, giúp họ chỉ thiếu chút nữa là đã mang lại chiến thắng. Sau vài tuần đào bới, họ cho nổ một quả mìn vào ngày 12/8/1684 và lấp kín được một con hào xung quanh thành phố Vienna. Các binh sĩ Thổ sau đó đã xâm nhập vào các chiến lũy tam giác, một thành tích đưa họ tới gần việc đặt được mìn nổ vào tường thành. Người Áo không có mấy kinh nghiệm với hình thức chiến tranh này nên không thể ngăn chặn việc đào hầm.


Nhưng những người phòng thủ vẫn sáng tạo ra cách chống trả có hiệu quả. Họ đặt các thùng nước và hàng đống hạt đậu quanh thành phố. Phương thức thô sơ này giúp họ phát hiện quân địch khá hiệu quả. Một chồng hạt đậu bị đổ xuống hay một thùng nước nào đó có bề mặt lay động sẽ cảnh báo cho quân phòng thủ rằng lính đặt mìn Thổ Nhĩ Kỳ đang đào bới. Người Áo nhanh chóng đào một địa đạo tới khu vực đó, phát hiện ra quả mìn và vô hiệu hóa trước khi nó kịp nổ.


Hai bên giao chiến.


Những người Ottoman đào hầm đã tiến tới gần với chiến thằng bằng việc cho nổ một quả mìn ngay dưới tháp Lobel, phá vỡ bức tường của nó. Họ gần như chạm tay vào chiến thắng nếu bên phòng thủ không phát hiện được hai quả mìn lớn khác đặt ngay phía dưới tháp Burg. Chúng đã bị vô hiệu hóa vào phút cuối.


Một điều may mắn nữa đối với những người bảo vệ thành Vienna, đó là nạn đói ăn giảm bớt khi các sinh viên đã dũng cảm ăn trộm 40 con bò từ trại của quân Thổ. Thịt tươi được người Vienna chào đón nồng nhiệt, vốn là những người đang thiếu ăn trầm trọng đến mức ngay cả khỉ và mèo cũng đã biến mất trên đường phố của họ.


Kỷ luật quân đội của phe tấn công có phần rệu rã cũng giúp ích cho thành Vienna. Cuộc tấn công thành Vienna của quân Thổ được dẫn đầu bởi các Janissary. Thuở ban đầu, đây là đội quân được hình thành từ những cậu bé Thiên chúa giáo, thường là người Serbia, bị bắt cóc khỏi cha mẹ chúng và bị buộc phải phục vụ cho Sultan. Sự thăng tiến thông qua năng lực và tính kỷ luật đã tạo ra cho đế chế Ottoman một đội quân hùng mạnh mang đến nỗi khiếp sợ khắp châu Âu.


Tuy nhiên, kỷ luật đã bắt đầu tuột dốc vào thế kỷ 17, khi Sultan buộc phải mở rộng lực lượng này cho người dân thông thường tham gia, đồng thời giảm bớt các quy định nghiêm ngặt. Điều này đã khiến Janissary nổi loạn vào năm 1656. Sự xuống cấp như vậy đã đóng góp đáng kể vào chiến thắng cuối cùng của quân Áo.


Cái kết thắng lợi đến vào ngày 12/8, khi quân Đức, Áo và Ba Lan do John Sobieski của Ba Lan chỉ huy đã tràn xuống từ các ngọn đồi quanh Vienna và tấn công lại các lực lượng của Mustafa.


Chiến thắng của Áo tại Vienna đã tạo ra niềm vui trên khắp Tây Âu, nhưng phủ bóng đen lên phương đông Hồi giáo. Sultan đổ tội cho Mustafa vì chiến dịch thất bại và ra lệnh cho ông siết cổ bằng dây lụa. Tuy nhiên, Mehmed IV không thể tránh khỏi trách nhiệm cho thất bại này và đã bị lật đổ vào năm 1687.


Thất bại của người Thổ tại Vienna là một bước ngoặt giữa phương Đông và phương Tây, vì nó mở ra một thời đại mới của đế chế Ottoman ngày càng suy sụp, dẫn đến việc họ đánh mất phần lớn đất đai ở châu Âu của mình. Đó cũng là một bước ngoặt cho nhà Habsburg, những người đã thu được nhiều lãnh thổ để tạo ra đế quốc Áo sau này.


Do tồn tại qua cuộc vây hãm năm 1683, thành phố Vienna đã tiếp tục trở thành một trong những trung tâm văn hóa quan trọng nhất của thế giới. Trong 150 năm sau, những nhà hát opera của thành phố này vang lên các bản giao hưởng bất hủ của các thiên tài như Mozart, Schubert, nhà Strauss và Beethoven. Khó có thể đo đếm tây Âu đã nợ những người đã giải cứu Vienna nhiều đến như thế nào. Nhờ họ đã từ chối chịu khuất phục trước sức mạnh và chiến đấu cho tới tận giờ phút cuối cùng, châu Âu đã có thể tránh khỏi một thảm họa Constantinople thứ hai.



Trần Anh

Cuộc vây hãm thành Vienna - Kỳ 2:
Cuộc vây hãm thành Vienna - Kỳ 2:

Chỉ huy chiến trường Ernst Rudiger von Starhemberg, người được bổ nhiệm đứng đầu quân đội của Vienna, giờ đây là điều báo ứng chính của Mustafa. Nhiều người đã thất vọng về tính cách của nhà chỉ huy và cáo buộc ông là “nóng tính hơn là biết suy nghĩ”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN