Cuộc đời kỳ lạ của nữ ứng viên tổng thống đầu tiên của Mỹ - Kỳ 3

DẤU ẤN TRÊN CHÍNH TRƯỜNG

Khi bước chân vào chính trường, Victoria Woodhull đã tham gia điều hành Đảng Bình quyền (Equal Rights Party), tiền thân là Đảng Nhân dân, ủng hộ sự bình quyền cho phụ nữ, trong đó có quyền được bầu cử. 

Ảnh minh họa Victoria Woodhull mong muốn tham gia bỏ phiếu giữa những người đàn ông.


Tháng 5/1872, đảng này đề cử Victoria Woodhull tham gia cuộc đua khó khăn với đương kim Tổng thống Ulysses S. Grant (Đảng Cộng hòa), và ứng viên Horace Greeley (Dân chủ) vào vị trí Tổng thống thứ 18 của Mỹ (mà sau đó, S.Grant đã tái đắc cử). Liên danh với bà Victoria trong cuộc tranh cử năm đó là Frederick Douglass - một cựu nô lệ, một nhà văn, nhà hùng biện từng đấu tranh quyết liệt cho việc bãi bỏ chế độ nô lệ. Nhưng đáng buồn là trên thực tế, chính khách Douglass đã không xuất hiện tại hội nghị đề cử ứng viên tổng thống của Đảng Bình quyền và cũng chưa bao giờ chấp nhận sẽ tham gia liên danh chạy đua cùng với bà Victoria. Do đó, tất nhiên, ông cũng không có mặt trong chiến dịch tranh cử với bà. Trớ trên hơn nữa, chính Douglass lại là người chắp bút cho diễn văn tranh cử của Tổng thống Grant.

Đó chỉ là một trong số nhiều thử thách mà bà Victoria phải trải qua trong suốt cuộc đời của mình, một phụ nữ có tính cách rất mạnh mẽ, một người được xem là không bao giờ để ý quá nhiều tới những quy tắc hay luật lệ của cuộc chơi mà bà tham gia. Một ví dụ cho điều này, đó là năm 1872 khi đăng ký tham gia cuộc chạy đua tổng thống, bà mới 34 tuổi. Trong khi đó, Khoản 2, Mục 1 của Hiến pháp Mỹ có quy định tổng thống phải ít nhất 35 tuổi vào ngày nhậm chức. Độ tuổi của bà cũng là một điều được tranh cãi nhiều nhất trong số các vấn đề đem ra mổ xẻ vào cuộc bầu cử năm đó và cuối cùng bà đã không nhận được bất kỳ một phiếu nào từ phía các cử tri. Hơn nữa, vào ngày bầu cử 5/11/1872, bà Victoria thậm chí còn không có quyền được bỏ phiếu cho chính mình vì thực tế là thời điểm đó bà đang phải chịu án tù một tháng tại nhà tù Ludlow của thành phố New York. Việc bà không đủ tư cách tranh cử và thiếu số phiếu bầu trở thành những sự kiện đáng nhớ khác trong cuộc đời nhiều chìm nổi của người phụ nữ kỳ lạ này.

Tới năm tiếp theo, Victoria Woodhull trở thành người phụ nữ đầu tiên được phát biểu trước một ủy ban của Quốc hội Mỹ. Tại đây, bà đọc bài diễn văn về quyền bầu cử của phụ nữ trước các nghị sĩ của Ủy ban Tư pháp Hạ viện. Bà lập luận rằng Tu chính án thứ 14 và 15 vốn đã đảm bảo quyền được bầu cử của phụ nữ và tất cả những gì cần làm đó là Quốc hội Mỹ thông qua một đạo luật để thực thi các quyền này. Rất thích thú trước lập luận trên của Victoria, bà Susan B. Anthony - một nhà cải cách, nhân vật đóng vai trò then chốt trong phong trào vận động quyền bầu cử cho phụ nữ, đã mời bà tới phát biểu tại Hiệp hội quốc gia về Quyền bầu cử cho phụ nữ ngay trong ngày hôm đó.

Kể từ đó, tài hùng biện, uy tín và quá khứ nhiều kỳ lạ của Victoria khiến bà trở thành một người nổi tiếng. Con số khán giả đến nghe các bài diễn thuyết của bà lên tới hàng nghìn người.

Tuy nhiên, việc ly dị với Đại tá Blood năm 1876 đã làm đình trệ hoạt động chính trị, cũng như việc xuất bản tờ tuần báo của hai chị em Victoria. Ngoài ra, sau sự kiện năm 1872 khi công khai trên báo chí hoạt động ngoại tình của Henry Ward Beecher, bà đã trở thành mục tiêu tấn công của vị nghị sĩ quyền lực Henry Ward Beecher, nên tới năm 1877, bà chuyển tới London. Tại đây, bà có cuộc hôn nhân lần thứ ba với John Biddulph Martin, con trai trong một gia đình giàu có kinh doanh lĩnh vực ngân hàng của Anh và được đào tạo tại trường Oxford. Sau khi Martin chết năm 1901, Victoria, người phụ nữ đầu tiên tại Anh sở hữu một chiếc xe hơi, sống cuộc đời của một góa phụ giàu có trong một khu trang viên rộng tới gần 500 hecta tại Cotswolds, khu ngoại ô của Bredon Norton. Vào năm 1927 bà ra đi ở tuổi 88 tại Anh.

Thái Nguyễn (Tổng hợp)

Đón đọc kỳ cuối: Từ Victoria Woodhull đến Hillary Clinton
Cuộc đời kỳ lạ của nữ ứng viên tổng thống đầu tiên của Mỹ - Kỳ 2
Cuộc đời kỳ lạ của nữ ứng viên tổng thống đầu tiên của Mỹ - Kỳ 2

Ở New York, chị em Victoria làm việc như những nhà duy linh, chuyên tổ chức các buổi gọi hồn cho triệu phú ngành đường sắt và vận tải Cornelius Vanderbilt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN