Malta cách đảo Sicily 117 dặm và cách đất liền Italy tới 400 dặm. Chế độ phát xít của Benito Mussolini tuyên chiến với các quốc gia Đồng minh vào ngày 10/6 và đứng về phía Đế chế thứ 3 của Hitler. Tình hình ấy bất ngờ đặt hòn đảo nhỏ này vào gọng kìm của một kẻ thù mới. Thậm chí trụ sở của Hạm đội Địa Trung Hải Hải quân Anh phải nhanh chóng rời sang Alexandria để đảm bảo an toàn. Tới giữa thế kỷ 20, Malta không còn là một thành trì kiên cố nữa, nó đã trở thành một trung tâm thương mại trong một khu vực ngày càng nóng hơn về mặt kinh tế. Nói cách khác, Malta giờ rất khó phòng thủ được.
Máy bay Savoia - Marchetti của Italy. |
Tuy nhiên, quân Đồng minh vẫn buộc phải bảo vệ hòn đảo này. Dù hòn đảo gần với Italy, còn các lực lượng không quân và hải quân của nước này đặt ngay tại Sicily, việc đánh mất quyền kiểm soát Malta và tuyến đường vận tải trên biển gần như chắc chắn ngay lập tức nối giáo cho chiến dịch của phe Trục ở Bắc Phi. Ngay khi Mussolini đưa Italy vào chiến tranh, hắn đã cho đẩy mạnh hoạt động quân sự trên khắp Địa Trung Hải. Italy hiểu rõ chìa khóa để nắm lấy Malta và phần còn lại của khu vực không phải là trên biển, mà là từ trên không.
Không quân Italy lập tức mở một chiến dịch ném bom trên khắp Malta. 55 chiếc Savoia - MarchettiSM 79 đã dội 142 quả bom xuống Hal Far, Ta’Qali và Luqa - 3 sân bay quân sự chính trên đảo. Với 20 chiếc chiến đấu cơ Macchi C200 bay hộ tống, cuộc ném bom diễn ra đầy bất ngờ. Vài giờ sau, đợt tấn công thứ hai bắt đầu từ Sicily khi 38 chiếc máy bay ném bom và 12 chiến cơ gần như san bằng cả thủ đô Valletta. Diễn ra trên độ cao 6.100 m, phi đội này gần như không gặp phải sự kháng cự nào từ trên không lẫn trên mặt biển. Tổng cộng 8 cuộc nã bom đã được tiến hành trên khắp Malta chỉ trong hơn 1 ngày.
Một tàu hàng bị không quân Đức tấn công ở Valleta. |
Sức kháng cự yếu kém của Malta chính là hậu quả của việc bộ chỉ huy Đồng minh ngày càng ít ưu tiên hòn đảo này hơn khi mà chiến tranh đang bùng nổ ở nhiều nơi khác. Chỉ có một sự hiện diện hải quân mờ nhạt xung quanh vùng biển của hòn đảo này, bên cạnh vài chiếc máy bay Sea Gladiator cũ kĩ đóng tại đây. Các cuộc ném bom diễn ra quá nhanh tới mức phi công của Không quân Hoàng gia Anh (RAF) không kịp trở tay.
Cuộc bao vây
RAF tỏ ra chậm chạp trước những cuộc tấn công chớp nhoáng của Không quân Italy (IAF). Trong 10 ngày diễn ra cuộc vây hãm, một nhóm 4 máy bay 2 tầng Sea Gladiator được giao nhiệm vụ bảo vệ vùng trời của hòn đảo. Dù bị áp đảo về quân số, chỉ 2 trong số này bị bắn rơi trước khi viện binh gồm 12 máy bay ném ngư lôi Fairey Swordfish bất ngờ xuất hiện vào ngày 19/6 từ miền nam nước Pháp. Những chiếc máy bay mới này đã giúp củng cố hàng phòng không vốn yếu ớt của Malta trước khi một nhóm máy bay Hawker Hurricanes được điều đến nơi vào đầu tháng 7 để lập nên phi đội 261 của RAF.
Có nhiều máy bay hơn, RAF có cơ hội đầy lùi quân Italy rõ rệt hơn. Nhưng cuộc chiến này cũng đã khiến cả hai tiêu hao lực lượng, chịu nhiều thiệt hại lớn. Trong tháng 8, nhiều đợt máy bay Hawker Hurricane viện trợ đã xuất hiện, nhưng một nỗ lực đưa 17 chiếc loại này đến Malta vào ngày 17/11/1940 đã thất bại khi 8 chiếc đã bị mất tích. Chúng không bị bắn hạ trên bầu trời, mà đơn giản là đã bay quá xa về phía tây và không còn đủ nhiên liệu để tới Malta.
Tuy nhiên, dù có số lượng vượt trội, IAF cũng không quá mạnh và hiệu quả như những gì chiến dịch mở màn của họ cho thấy. Máy bay của IAF không nhanh và cũng không chất lượng như những chiếc máy bay của Đức, vì thế số lượng tương đối ít máy bay phòng thủ Malta vẫn có thể đứng vững trước các cuộc tấn công của Italy. Trong khi hải quân của Mussolini cũng tỏ ra kém cỏi tương tự trong nỗ lực đổ bộ quân, quân Đồng minh lại liên tục tiến hành củng cố lực lượng. Như thế, dù rất nỗ lực, Italy vẫn không chứng minh được sức mạnh đáng sợ thực sự.
Nhận ra không quân của Mussolini không thể chiếm được Malta và khu vực xung quanh, Hitler đã ra lệnh đặt thủy lôi trên bờ biển Tripoli để đẩy lùi các cuộc công kích của Đại tá hải quân Anh Agnew. Tháng 12/1941, đội đặc nhiệm Force K của Hải quân Hoàng gia Anh bị dính bẫy thủy lôi gần cảng Tripoli và nhiều tàu đã bị đánh chìm hoặc hư hại nặng nề. Hitler tiếp đà đó ra lệnh thành lập bộ chỉ huy Luftflotte 2 ở Sicily vào tháng 1/1942 để phá vỡ hàng phòng thủ của Malta. Những chiếc máy bay của Không quân Đức (Lufwaffe) được điều đến và cuộc vây hãm Malta lần thứ hai nổ ra.