Kết quả bình chọn của tạp chí Forbes công bố hôm 10/3 thực sự khiến dư luận bất ngờ: Nhân vật đoạt ngôi vị giàu nhất thế giới không phải là một người Mỹ như lịch sử từng lặp lại suốt 16 năm qua. “Vượt mặt” hai “đại gia” Bill Gates và Warren Buffett, tỷ phú viễn thông người Mêhicô Carlos Slim đã “đăng quang” với khối tài sản lên tới 53,5 tỷ USD. “Người biết kiếm tiền trong tuyệt vọng”, người “động vào cái gì cái đó thành vàng”… là những biệt danh mà người đời tặng cho Carlos Slim - một huyền thoại.
Kỳ I: Người soán ngôi Bill Gates
Tháng 3/2008, tạp chí Forbes xếp Carlos Slim vào vị trí thứ hai trong danh sách những người giàu nhất hành tinh, dưới Warren Buffett và trên Bill Gates. Năm 2009, Carlos Slim tụt xuống vị trí thứ ba trước khi làm “bước nhảy” vươn lên dẫn đầu trong năm 2010. Tài sản của Carlos Slim đạt 53,5 tỷ USD, so với 53 tỷ USD của tỷ phú Bill Gates - người đứng đầu Tập đoàn Microsoft và 47 tỷ USD của tỷ phú Warren Buffett - Chủ tịch Tập đoàn Berkshire Hathaway.
Carlos Slim - Người giàu nhất hành tinh năm 2010. |
Đế chế kinh doanh rộng lớn của Carlos Slim bao gồm những cửa hàng nổi tiếng nhất, công ty viễn thông lớn nhất, nhiều khách sạn, nhà hàng, công ty khoan dầu, xây dựng và ngân hàng Inbursa của Mêhicô. Bên ngoài nước, Carlos Slim có cổ phần ở nhiều tập đoàn danh tiếng như hãng bán lẻ Sak và New York Times Co.
Cuộc soán ngôi của Carlos Slim bắt nguồn từ sự phục hồi giá cổ phiếu của công ty kinh doanh điện thoại di động mà ông sở hữu. Năm 1990, Carlos Slim và các đối tác mua công ty điện thoại quốc doanh Telmex với giá 1,7 tỷ USD rồi biến nó thành một cỗ máy kiếm tiền. Công ty Telmex của Carlos Slim hiện kiểm soát 83% các đường điện thoại cố định ở Mêhicô và là nhà cung cấp dịch vụ Internet hàng đầu nước này. Từ Telmex, ông đã dựng lên America Movil, mở rộng không ngừng thông qua các thương vụ sáp nhập để biến nó thành hãng viễn thông không dây lớn thứ tư thế giới. America Movil của ông hiện giờ có 201 triệu khách hàng trải dài từ Braxin đến Mỹ. Năm 2008, Carlos Slim mua một ít cổ phần của New York Times khi giá cổ phiếu của hãng này tụt dốc. Giờ đây, từ 250 triệu USD ông cho nhà xuất bản này vay, Carlos Slim đã có thể kiếm 80 triệu USD và có 16% cổ phần. Tuy nhiên, tỷ phú người Mêhicô luôn khẳng định ông không có ý muốn trở thành một ông trùm truyền thông Mỹ. Triết lý đơn giản về chuyện kiếm tiền của Carlos Slim là: “Sự giàu có giống như một vườn cây ăn trái. Anh phải làm cho cái vườn đó lớn lên, rộng ra, phát triển sang cả những khu khác nữa”.
Trong những năm gần đây, Carlos Slim đã tham gia nhiều hơn trong cuộc chiến chống nghèo đói, chống mù chữ và cải thiện y tế yếu kém ở châu Mỹ Latinh, khi phát động các cuộc đấu bóng, đấm bốc và các dự án thể thao khác cho người nghèo. Carlos Slim cho rằng tạo ra việc làm là cách tốt nhất cho các doanh nhân chiến đấu với cuộc chiến nghèo đói.
Carlos Slim không chỉ đóng góp cho xã hội số tiền thuế rất lớn nộp ngân sách cũng như hàng chục nghìn việc làm tại Mêhicô - một đất nước có tỷ lệ thất nghiệp khá cao, mà còn thành lập ra khá nhiều các quỹ tài trợ và quỹ từ thiện. Trong năm 2003, hai quỹ học bổng của ông đã cấp 20.000 suất cho sinh viên. Quỹ hỗ trợ trẻ em mang tên ông đã giúp trên 5.000 trẻ em phạm pháp có cơ hội trở lại cuộc sống bình thường. Hơn 11.000 ca mổ cho trẻ em đã nhận được sự hỗ trợ kinh phí từ quỹ từ thiện của Carlos Slim. Ông cũng chi 50 triệu USD để tu sửa lại 34 tòa nhà cổ tại trung tâm tài chính cũ của Mexico City, nơi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Trụ sở Công ty Telmex của Carlos Slim. |
Chi phối toàn bộ hệ thống viễn thông của Mêhicô, nhưng Carlos Slim không bị xem như một “ông trùm” ghê gớm và đầy quyền lực của Mêhicô. Không chỉ giới trẻ mà các tầng lớp người dân khác trong nước nhìn nhận ông là hình ảnh hay thần tượng của họ.
Phóng viên Keren Blankfeld của tạp chí Forbes bình luận về sự kiện tỷ phú Mêhicô đoạt ngôi vị Người giàu nhất thế giới năm 2010: Carlos Slim là người đầu tiên của một quốc gia đang phát triển đứng đầu danh sách những tỷ phú giàu có nhất thế giới. Sự thăng tiến của ông là minh chứng cho sự gia tăng ngày càng mạnh mẽ các tỷ phú ở những nước đang phát triển.
Nổi tiếng là người sống giản dị, không hãnh tiến và khoe khoang, Carlos Slim không sắm xe hơi “xịn” hay máy bay riêng, mặc những bộ trang phục không đắt tiền, sử dụng chính loại máy mà công ty ông bán, phòng làm việc được bố trí không khác gì của một nhân viên bình thường nhất. Ông là fan của môn bóng chày, có thú vui hút xì gà và dùng đồ uống không cồn dành cho người ăn kiêng. Một ngày ông làm việc tới 14 tiếng, nhiều lúc quên cả ăn uống. Các nhân viên thuật lại rằng đôi lúc, họ có cảm giác Carlos Slim chỉ sống bằng những điếu xì gà luôn đỏ lửa trên môi.
Quang Minh (Tổng hợp)
Đón đọc kỳ II: Tài kinh doanh “ăn vào máu”