Chuyện ít biết về chó chống tăng thời Thế chiến thứ hai

Những con chó được sử dụng để chống tăng thời Chiến tranh Thế giới thứ hai thường là giống chó Alsatian của Đức. Người ta gọi chúng là “Hundminen”, tức là mìn chó.

Chúng được huấn luyện để mang chất nổ trên người tới chỗ xe tăng địch và sẽ bị cho kích nổ tại đó. Tất nhiên, những chú chó này không phải lúc nào cũng có số phận may mắn.

Loại vũ khí động vật này được Liên Xô sử dụng đầu tiên. Sau quyết định năm 1924 về việc cho chó hỗ trợ quân đội, một trường huấn luyện chó đã được thành lập ở Moskva. Quân đội tuyển dụng người huấn luyện chó cảnh sát, thợ săn, huấn luyện thú ở rạp xiếc và nhà khoa học động vật. 12 trường huấn luyện nữa được thành lập sau đó và đơn vị huấn luyện chó Liên Xô bắt đầu hoạt động nghiêm túc.

Một chú chó buộc chất nổ vào người gần xe tăng.

Lúc đầu, chó được huấn luyện để mang đồ, dò mìn và giải cứu người. Đây vốn là những nhiệm vụ mà chó rất giỏi thực hiện. Đầu những năm 1930, người Liên Xô cho rằng biến người bạn tốt nhất của con người thành một vũ khí chống tăng là ý tưởng hay. Ba trong số những trường nói trên bắt đầu huấn luyện chó làm vũ khí chống tăng.

Đầu tiên, chó được huấn luyện để mang bom tới gần xe tăng và sau đó bỏ chạy. Tiếp theo, người huấn luyện sẽ kích nổ quả bom bằng thiết bị từ xa hoặc quả bom hẹn giờ sẽ tự nổ.

Có một vài lý do khiến những phương pháp này không hiệu quả. Để thả quả bom, chó phải dùng răng kéo dây buộc. Nghe thì đơn giản nhưng nhiệm vụ này lại quá phức tạp. Thông thường, con chó sẽ quay lại chỗ người huấn luyện mà chưa thả được quả bom.

Một lý do nữa là thiết bị điều khiển từ xa quá đắt tiền lúc bấy giờ. Do đó, thiết bị hẹn giờ thường được sử dụng. Nếu con chó quay trở lại cùng quả bom vẫn gắn trên người thì nó sẽ giết chết cả bản thân và người huấn luyện. Cho dù quả bom được thả bên dưới xe tăng nhưng nếu xe tăng đang chạy thì thời gian nổ bom được hẹn sẽ trở nên vô nghĩa. Quả bom sẽ nổ khi mà xe tăng đã di chuyển đến vị trí khác rồi.

Liên Xô bỏ kế hoạch ban đầu nhưng họ lại nảy ra một kế hoạch mới. Thay vì để cho chó tự thả bom, quả bom sẽ được buộc cố định vào thân và con chó sẽ thực hiện nhiệm vụ đánh bom cảm tử. Khi con chó đứng dưới xe tăng, quả bom sẽ được kích hoạt.

Khi được huấn luyện làm chó cảm tử, chú chó xấu số sẽ bị bỏ đói và sau đó người ta đặt thức ăn dưới xe tăng để làm mồi nhử. Họ huấn luyện sao cho chúng nghĩ rằng dưới xe tăng nào cũng có thức ăn. Sau đó, họ bật các loại âm thanh của một trận chiến trong quá trình cho chó thực hành để chúng không giật mình và sợ khi chạy trong tình huống thật.

Chó chống tăng bắt đầu được sử dụng năm 1941 – khi quân Đức tiến vào lãnh thổ Liên Xô. 30 con chó chống tăng được huấn luyện có màn ra mắt mờ nhạt, khiến quân đội Liên Xô bị cáo buộc là mang chó ra làm vật hi sinh.

Sơ đồ thiết bị chứa chất nổ buộc vào chó chống tăng.

Một phần của vấn đề là nhiều chú chó không chịu chui vào gầm xe tăng trên cánh đồng. Chúng bị nhằm bắn – điều mà chúng chưa từng trải qua khi huấn luyện. Một điều dễ hiểu là chúng cũng không sẵn sàng chui xuống dưới gầm những cỗ máy khổng lồ đang sắp đè bẹp chúng. Thức ăn chỉ là một động lực nhưng sẽ không khiến chúng liều mạng để có thức ăn cho dù đói. 

Khi các chú chó bị bắn và giết trước khi cho nổ tung được xe tăng Đức, chúng đã được binh lính Đức mang về để kiểm tra vũ khí và bắt chước. Người Đức cũng không thành công trong sử dụng chó tiêu diệt xe tăng. Một lính Đức bị bắt cho biết toàn bộ hệ thống huấn luyện chó chống tăng là không hiệu quả. Binh sĩ Đức cũng tìm cách bảo vệ mình trước chó chống tăng của Liên Xô.

Một vấn đề lớn hơn là chó được huấn luyện với xe tăng của Liên Xô chứ không phải của Đức. Xe tăng Liên Xô và Đức dùng loại nhiên liệu khác nhau và một số chú chó đánh hơi mùi nhiên liệu quen thuộc để xác định xe tăng cần tiến tới. Kết cục là chúng lại phá hủy chính những xe tăng được quân đội Liên Xô sử dụng để huấn luyện chúng.

Tuy nhiên, những chú chó chống tăng này cũng phá hủy được một số xe tăng, nổi bật nhất là trong trận Kursk hồi Chiến tranh Thế giới thứ hai. Trong đó, 12 xe tăng đã bị 16 chú chó phá hủy thành công. Đây là một trong những sứ mệnh thành công nhất của chó chống tăng trong lịch sử.


Liên Xô về sau báo cáo rằng có tổng cộng 300 xe tăng bị chó chống tăng phá hủy. Tuy nhiên, nhiều người hoài nghi con số này.
Từ năm 1942 trở đi, chó chống tăng được sử dụng ngày càng ít mặc dù công việc huấn luyện chó chống tăng vẫn tiếp tục tới tận năm 1996.

Người Liên Xô có thể là người sử dụng chó chống tăng hiệu quả nhất nhưng các nước khác cũng huấn luyện chó chống tăng, trong đó có Mỹ và Nhật Bản.

Gần đây nhất, năm 2007, chó được phiến quân buộc bom vào người để sử dụng trong chiến tranh Iraq. Trong trường hợp này, chỉ có một trường hợp bom được kích nổ trên người một chú chó. Người Hồi giáo phản đối sử dụng chó chống tăng vì cho rằng động vật chỉ nên bị giết để lấy thịt.

Chó không phải là loài động vật duy nhất được sử dụng làm vũ khí. Người ta từng tìm cách buộc bom vào mèo, chim và chuột. Bom cũng được buộc vào lạc đà, ngựa, lừa và la. Lừa đặc biệt được sử dụng nhiều ở Iraq vì chúng có thể mang bom mà không bị chú ý hay gây nghi ngờ. Thậm chí cả khỉ và cá voi không thể thoát khỏi tình trạng bị nghiên cứu để làm vũ khí.

Liên Xô cũng huấn luyện cá heo và bán cho Iran trong những năm 1990 khi quân đội Nga kết thúc chương trình huấn luyện động vật biển có vú. Hải quân Mỹ cũng có một chương trình tương tự nhưng cá heo được huấn luyện để làm những nhiệm vụ khác.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Đi tìm nữ khoa học gia bí ẩn trong bức ảnh năm 1971
Đi tìm nữ khoa học gia bí ẩn trong bức ảnh năm 1971

Bí ẩn về người phụ nữ duy nhất trong bức ảnh chụp nhóm các nhà khoa học Mỹ năm 1971 đã được giải mã.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN