Các cuộc can thiệp của Mỹ trước khủng hoảng Syria
Cuộc chiến tranh xâm lược Iraq - nước bị ông Bush liệt vào danh sách 3 nước thuộc “trục ma quỷ” (cùng với Iran và CHDCND Triều Tiên), là bước can dự đầu tiên của Mỹ trong chiến lược Đại Trung Đông.
Lực lượng bộ binh của liên quân tiến vào chiến trường Iraq tháng 3/2003. Ảnh: AP |
Sáng ngày 20/3/2003, liên quân do Mỹ-Anh đứng đầu bất ngờ mở chiến dịch quân sự mang tên “Tự do Iraq” nhằm loại bỏ chế độ của Tổng thống Saddam Hussein với lý do "chính quyền Iraq sở hữu vũ khí giết người hàng loạt, có mối liên hệ với tổ chức Al Queda". Trong vòng 24 giờ đầu, liên quân đã thực hiện 832 lượt không kích, trút hàng ngàn trái bom có sức công phá lớn; bắn 381 tên lửa Tomahawk vào các mục tiêu tại Iraq. Liền sau đó là các cuộc đổ bổ của bộ binh. Với ưu thế hỏa lực, cộng với việc nội bộ chính quyền Hussein rệu rã, thậm chí có nhiều tướng lĩnh đào ngũ hoặc tạo phản, liên quân nhanh chóng giành thắng lợi. Ngày 9/4, Baghdad thất thủ, thời kỳ cầm quyền của Hussein chính thức chấm dứt với hình ảnh người dân Baghdad kéo đổ bức tượng mang hình ông tại trung tâm thủ đô. Cuối năm 2003, Hussein bị bắt khi đang ẩn náu tại quê nhà Tikrit. Đầu tháng 5/2003, Tổng thống Bush tuyên bố “chiến dịch tự do Iraq” đã kết thúc.
Đáng chú ý, sau khi hạ bệ được Hussein, Mỹ và đồng minh nhiều năm sau vẫn không thể tìm được vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq. Năm 2008, ông Bush đã thừa nhận trên kênh truyền hình ABC rằng quyết định tiến hành chiến tranh Iraq lần 2 dựa trên tin tức tình báo sai lệch và đây là điều hối tiếc lớn nhất trong cuộc đời làm tổng thống của ông. Lời thú nhận này chẳng có nhiều ý nghĩa, vì mọi việc đã ở thế “sự đã rồi”. Chiến tranh Iraq 2003 vì thế được xem là cuộc chiến vì dầu mỏ.
Cũng trong năm 2003, Mỹ thực hiện một chiến dịch can dự khác tại Trung Á với tên gọi “cách mạng sắc màu”, tiêu biểu là “cách mạng hoa hồng” tại Gruzia.
Thực chất đây là chiến lược “diễn biến hòa bình” do Mỹ, phương Tây chỉ đạo kết hợp với lực lượng đối lập trong nước theo một kịch bản được lập sẵn. Đầu tiên là sử dụng các công cụ mềm thông qua việc truyền bá tư tưởng, văn hóa, lối sống phương Tây bằng các phương tiện truyền thông và đặc biệt là qua các tổ chức phi chính phủ (NGO). Cuối năm 2000, số lượng các NGO tại Gruzia lên tới hơn 4.000 tổ chức, dưới các bình phong khác nhau như kinh tế, nhân đạo... nhưng mục đích là thúc đẩy hình thành “xã hội dân sự” tại Gruzia, tạo dựng chân rết trong các cơ quan, tổ chức công quyền qua con bài vận động hành lang (lobby), mua chuộc.
Tiếp đó là xây dựng “ngọn cờ” trong nội bộ để tập hợp lực lượng, mà cụ thể là Mikheil Saakashvili. Nhân vật này từng theo học tại Mỹ, tham gia các khóa học “đấu tranh phi bạo lực” do CIA huấn luyện tại Nam Tư và Hungary. Tháng 10/2010 Saakashvili trở về nước và được Tổng thống Shevardnadze bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tư pháp. Ngày 2/6/2002, Saakashvili tách khỏi Liên minh công dân Gruzia (CGU) cầm quyền và lập ra “Mặt trận dân chủ” với khẩu hiệu: “Tbilisi không có Shevardnadze”. Thời điểm chín muồi cho việc tiếm quyền tại Gruzia xuất hiện khi nước này tiến hành bầu cử Quốc hội ngày 2/11/2013. Lấy cớ “có gian lận” trong bầu cử, Saakashvili đã phát động các cuộc biểu tình đường phố kéo dài trong hơn 20 ngày, quy mô lên đến 100.000 người. Trước áp lực của phe đối lập, lại không nắm được lực lượng quân đội, an ninh, Shervadnadze buộc phải tuyên bố từ chức. Tháng 10/2003, bộ ba từng là “đệ tử” thân tín của Shevardnadze gồm Saakashvili, Zhvania và Burdzhanadze lên nắm chính quyền.
Sau Gruzia, chính quyền Tổng thống Askar Akayev tại Kyrgyzstan nhanh chóng sụp đổ sau cuộc “cách mạng hoa tuy líp” do phe đối lập với sự hậu thuẫn của Mỹ tiến hành. Liền sau đó là các tiếng nói hô hào thay đổi chính quyền tại Kazakhstan, Uzbekistan, Ajerbaijan nhưng không thành.
Thời kì 2003 - 2010 được xem là “khoảng lặng” của Mỹ tại Đại Trung Đông. Nhưng thực tế, đây là quãng thời gian Washington chính thức sa lầy trong cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, buộc phải dồn sức cho hai mặt trận chiến lược này. Đến năm 2011, khi còn chưa rút hết quân khỏi Iraq, Mỹ một lần nữa lại giật dây gây ra hàng loạt chính biến tại Trung Đông, Bắc Phi.
Rút kinh nghiệm từ người tiền nhiệm Bush, ông Obama bước vào Nhà Trắng với quan điểm thiên về sử dụng “quyền lực thông minh” (smart power) trong quan hệ quốc tế, coi trọng “quyền lực mềm” kết hợp với “răn đe cứng”. Để phục vụ cho các kịch bản “chuyển đổi” tại Trung Đông, Bắc Phi, Mỹ đã gấp rút tạo lập các điều kiện cần thiết cho một cuộc can dự mới, bằng việc đào tạo các lực lượng tiên phong nòng cốt là giới thanh niên, trí thức, huấn luyện họ cách thức sử dụng điện thoại di động và các trang mạng xã hội như “Twitter”, “Facebook”; tổ chức các cuộc hội thảo về cải cách dân chủ, “xã hội dân sự”... Hoạt động của các NGO tại các nước trong vùng cũng được thúc đẩy mạnh, nhằm phổ biến quan điểm tự do, dân chủ phương Tây theo kịch bản tại các nước Trung Á năm 2003.
Trước sức ép của làn sóng biểu tình dữ dội, Tổng thống Tunisia Ben Ali buộc phải từ bỏ quyền lực ngày 14/1/1011 và chạy sang Arập Xêút. Tại Yemen, ngày 23/1/2011, Tổng thống Ali Abdullah Saleh sang Mỹ để "chữa bệnh" và trao quyền cho Phó Tổng thống Abd al-Rab Mansur al-Hadi - người sau đó đã chính thức được bầu làm Tổng thống qua cuộc bầu cử có duy nhất một ứng viên. Tại Ai Cập, Tổng thống Hosni Mubarak buộc phải chấp nhận trao quyền cho Hội đồng quân sự tối cao vào ngày 11/2/2011. Như vậy, khởi nguồn từ một vụ việc tưởng chừng rất đơn giản - một thanh niên Tunisia tự thiêu vì cuộc sống bần cùng, tù túng - các mâu thuẫn trong xã hội lập tức được đẩy căng thông qua các trang Twitter, Facebook. Với sự tiếp sức từ bên ngoài, chúng đã chuyển hóa thành các cuộc biểu tình quy mô lớn, tạo ra cái gọi là “Mùa xuân Arập” làm thay đổi thể chế tại nhiều quốc gia trong vùng. Tại Libya, bên cạnh kích động bạo động chính trị trong nước, Mỹ và phương Tây còn kết hợp tấn công quân sự từ bên ngoài để lật đổ và giết hại nhà lãnh đạo Gaddafi tháng 9/2011.
Như vậy, chỉ trong 10 năm, Mỹ đã ba lần phát động các chiến dịch can dự lớn tại Đại Trung Đông, nhằm vào hơn 10 nước. Nghiên cứu các cuộc chính biến trên có thể rút ra một số kết luận sau. Một là, thay đổi thể chế là mục tiêu bao trùm, xuyên suốt của Mỹ và phương Tây, nhằm nhằm lật đổ chính quyền “khó bảo” và tạo dựng một chính quyền mới dễ bề thao túng. Hai là, dù sử dụng “can dự cứng” hay “chuyển hóa mềm”, Mỹ đều coi trọng kết giữa “nội công” - tức là triệt để khai thác những mâu thuẫn trong nội bộ, những khó khăn về kinh tế, sức mạnh của lực lượng đối lập... với “ngoại kích” - sử dụng chiến tranh thông tin, thúc đẩy truyền thông, mạng Internet, sử dụng các NGO và tạo cớ can thiệp từ bên ngoài khi thời cơ chín muồi. Ba là, dù rất nỗ lực, Mỹ vẫn chưa thực sự đạt được các mục tiêu chiến lược đã đề ra. Iraq sau 10 năm vẫn là vùng đất đầy bất ổn, với sự tranh giành quyền lực giữa các phe phái, cùng làn sóng bạo lực vượt tầm kiểm soát. Trung Đông, Bắc Phi 2 năm sau “Mùa xuân Arập” vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức lớn đối với Mỹ, mà xung đột tại Ai Cập hiện nay là minh chứng rõ nét nhất.
Hoài Thanh (tổng hợp)
Kì cuối: Đâu là điểm dừng của Mỹ trong vấn đề Syria?