Các hoạt động chống ngầm ở Ấn Độ Dương - Kỳ cuối

Có một điểm cần lưu ý là hiện Trung Quốc đã có 63 tàu ngầm, trong đó có 9 tàu ngầm hạt nhân, trong khi Ấn Độ có 12 tàu ngầm, bao gồm 1 tàu ngầm hạt nhân.

THẾ CÂN BẰNG TRƯỚC NGUY CƠ SUY YẾU

Việc Trung Quốc chuyển sang một khuôn khổ tác chiến “cận hải” mới trong chiến lược biển của nước này được thể hiện rõ nét qua tầm quan trọng ngày càng lớn của tàu ngầm lớp Nguyên trong các hoạt động của Hải quân PLA ở nước ngoài.

Một hình ảnh trong cuộc tập trận Malabar.

Trên nền tảng nhỏ gọn, di chuyển êm với độ ồn thấp cùng các tính năng chống tàu mặt nước, tàu ngầm lớp Nguyên sẽ đóng vai trò then chốt trong các môi trường cận hải. Tàu này không chỉ có khả năng đảm đương các nhiệm vụ của tàu ngầm truyền thống như thu thập tình báo và bảo vệ ven biển, nó còn được thiết kế để mang tên lửa hành trình chống hạm và khả năng tấn công nhằm vào các mục tiêu trên đất liền.

Đối với Ấn Độ, chính mối quan hệ ngày một bền chặt giữa Trung Quốc và Pakistan mới là quan ngại lớn nhất của New Delhi. Kể từ tháng 2/2013 khi một công ty Trung Quốc tiếp quản cảng Gwadar bên biển Arab của Pakistan, sự hợp tác giữa hải quân hai nước đã gia tăng đáng kể. Trong đó bao gồm cả những cuộc diễn tập định kỳ song phương và đa phương, với sự hiện diện ngày càng lớn của Hải quân PLA trong một loạt cuộc diễn tập ở Tây Ấn Độ Dương.

Gwadar được coi là một mắt xích trong “chuỗi ngọc trai”- ám chỉ chuỗi hải cảng do Trung Quốc tài trợ xây dựng hay hiện đại hóa để tạo thuận lợi cho các chiến hạm của nước này tiếp cận Ấn Độ Dương. Trung Quốc hiện cũng nhắm đến những cơ sở tại Marao trên đảo Maldives, Seychelles và Lamu ở Kenya. Song song với việc đầu tư vào các cơ sở hạ tầng này, Bắc Kinh còn gia tăng sự hiện diện của các tàu chiến. Kể từ năm 2009, hải quân Trung Quốc đã tham gia vào các chiến dịch chống cướp biển bằng cách duy trì trên vùng biển Oman ít nhất một tàu khu trục và một tàu chở dầu.

Tàu ngầm INS Arihant.

Nhiều người cảm thấy ngạc nhiên khi Hải quân PLA tăng cường hiện diện tại khu vực Ấn Độ Dương, vùng biển quá “xa xôi” đối với người Trung Quốc. Tuy nhiên, việc nghiên cứu kỹ những diễn biến gần đây đã làm rõ phần nào nguyên nhân sâu xa. Các chiến dịch hàng hải liên tục được phát triển và nâng cấp là điều tất yếu xảy ra, trong đó duy trì hiện diện tại các vùng duyên hải là một yêu cầu then chốt. Hải quân Trung Quốc đã dựa vào học thuyết hàng hải của Mỹ, trong đó cho rằng các lực lượng hải quân có quyền “tự do hàng hải” tại những vùng biển ngoài khơi xa.

Có một điểm cần lưu ý là hiện Trung Quốc đã có 63 tàu ngầm, trong đó có 9 tàu ngầm hạt nhân, trong khi Ấn Độ có 12 tàu ngầm, bao gồm 1 tàu ngầm hạt nhân. Hiện Ấn Độ đang bắt tay vào việc hiện đại hóa và tăng cường sức mạnh hải quân; xúc tiến xây dựng các hiệp ước quốc phòng khu vực, đồng thời tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung thường xuyên với các nước như Mỹ, Nhật Bản và Australia.

Trung Quốc cũng đang giúp đỡ Pakistan trong chương trình hiện đại hóa lực lượng hải quân, trong đó có đề xuất bán 8 tàu ngầm lớp Nguyên, 4 khinh hạm cải tiến F-22P và 6 tàu cao tốc tàng hình Type-022 có khả năng mang tên lửa. Theo các nhà phân tích Ấn Độ, những thỏa thuận này có nguy cơ làm suy yếu thế cân bằng hàng hải ở khu vực tiểu lục địa này.

Điều quan trọng hơn đối với Ấn Độ, đó là quan hệ đối tác hải quân giữa Pakistan và Trung Quốc có thể giúp PLA mở rộng phạm vi hoạt động ra bên ngoài Đông Á, đến nơi mà Bắc Kinh gọi là “những vùng biển khơi”. Ngoài triển khai những nhiệm vụ thông thường - như bảo vệ các tuyến hàng hải, hỗ trợ nhân đạo, giảm nhẹ thiên tai và ngoại giao hải quân, Hải quân Pakistan có thể cung cấp sự giúp đỡ “sống còn” cho PLA trong việc thực thi sức mạnh ở các vùng duyên hải Nam Á.

Do đó, các hoạt động hải quân tới đây của Ấn Độ rất có thể sẽ tập trung vào những nhiệm vụ khẩn cấp, nhằm đối phó với sự hiện diện lớn hơn của Trung Quốc ở các vùng duyên hải châu Á. Trong trung tuần tháng 10 vừa qua, các cuộc diễn tập hải quân Malabar Ấn Độ-Mỹ ở Vịnh Bengal đã vượt ra ngoài khuôn khổ các hoạt động truyền thống như viện trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai, để bao gồm cả những khoa mục tác chiến phòng không và chống ngầm.
New Delhi cũng đã từ bỏ lập trường cứng nhắc bấy lâu nay, là chỉ áp dụng khuôn khổ song phương trong các hoạt động ở Ấn Độ Dương, và gửi lời mời Hải quân Nhật Bản tham gia cuộc tập trận này như một đối tác lâu dài. Trong khi đó, Canada đã bày tỏ sẵn sàng bắt tay với Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ trong các hoạt động giao lưu trao đổi 4 bên vốn nhấn mạnh đến một trật tự hàng hải “theo quy tắc” trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Khi Ấn Độ và Australia điều chỉnh lại các quan điểm hàng hải cho phù hợp với tình hình mới, có một nhận thức chung rằng không thể tiếp tục xem nhẹ sự ổn định chiến lược ở vùng biển châu Á. Cả hai bên đều ý thức sâu sắc rằng các hải quân trong khu vực cần thực hiện những nỗ lực chung lớn hơn để duy trì một trật tự hàng hải phù hợp. Các cuộc diễn tập sắp tới cần được xem như một phần trong kế hoạch lớn hơn của khu vực nhằm duy trì cán cân sức mạnh trên biển ở cả Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Huy Lê
Các hoạt động chống ngầm ở Ấn Độ Dương  - Kỳ 1
Các hoạt động chống ngầm ở Ấn Độ Dương - Kỳ 1

Trung tuần tháng 9/2015, Ấn Độ và Australia đã tiến hành cuộc diễn tập hải quân chung đầu tiên ở Vịnh Bengal. Truyền thông đưa tin cuộc tập trận diễn ra với trọng tâm là các hoạt động tác chiến chống ngầm. Đây được xem như một minh chứng cho sự đồng thuận ngày càng cao trong khu vực về mối đe dọa của tàu ngầm ở các vùng duyên hải châu Á.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN