Giới chức điều tra ngày 24/5 công bố gia đình gốc Libya của hung thủ đánh bom buổi biểu diễn của nữ ca sĩ Ariana Grande tại Anh, nơi chật kín thanh thiếu niên tới tham dự, có những kết nối với
các mạng lưới khủng bố trên thế giới.
Một giả thuyết cho rằng Abedi, 22 tuổi, có thể thuộc mạng lưới khủng bố mà tên Mohamed Abrini – tên khủng bố người Bỉ gốc Maroc có dính líu đến vụ khủng bố đẫm máu tại Paris tháng 11/2015 và đánh bom sân bay Brussels năm ngoái - cũng là thành viên. Abrini từng xuất hiện tại thành phố Mancherter, nơi Salman Abedi sinh sống năm 2015.
Salman Abedi (ảnh giữa) cùng với bố và em trai. |
Bố và em trai của kẻ đánh bom là Salman Ramadan và Salman Hashem đã bị bắt giam ở quê nhà Libya. Trong khi anh trai cả là Ismail bị bắt ở Manchester cùng ngày. Cảnh sát cáo buộc Hashem đã hay biết về kế hoạch thảm sát của anh trai từ hơn một tháng trước. Bản thân hắn bị cho là có liên hệ tới tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và đang ấp ủ kế hoạch tiến hành một vụ tấn công khủng bố ở Tripoli.
Hashem từng bình luận trên các trang web ủng hộ IS. Lực lượng an ninh Libya xác nhận chính Hashem đã khai với chính quyền rằng hắn và anh trai là thành viên IS.
Trong khi đó, ông bố Ramadan – cựu nhân viên an ninh sân bay - từng là một chiến binh tình nguyện của nhóm Kháng chiến Hồi giáo Libya (LIFG) trong thập niên 1990. Nhóm này hoạt động chống lại chế độ của cố Tổng thống Gaddafi cũng như công khai ủng hộ tổ chức khủng bố Al Qaeda ở Syria.
Sau khi LIFG tan rã, Ramadan được cho là thành viên tại phong trào thánh chiến Salaffi. Cách đây 5 năm, Ramadan đã đăng ảnh một nhóm chiến binh Mặt trận Al-Nusra trong trang phục đen – nhánh khủng bố của Al Qaeda tại Syria – lên Facebook cá nhân.
Một phần thiết bị nổ mà Abedi dùng để đánh bom sân vận động Manchester Arena được tìm thấy tại hiện trường. |
Trong khi đó, mẹ của Abedi là Samia, một nhà khoa học hạt nhân chơi thân với vợ của tên khủng bố Abu Anas al-Libi thuộc Al Qaeda. Bản tin thời sự buổi tối của BBC đưa tin, Abedi đã gọi điện thoại cho em trai ở Libya, yêu cầu chuyển máy để nói chuyện với mẹ ngay trước giờ tiến hành vụ tấn công.
Còn về tên al-Libi, gã này bị các đặc nhiệm Mỹ bắt ngay trên đường phố Tripoli năm 2013 do tình nghi đánh bom hai đại sứ quán Mỹ ở châu Phi năm 1998. Hắn từng nằm trong danh sách khủng bố bị truy nã gắt gao nhất nước Mỹ. Ramadan một lần đã lấy ảnh al-Libi làm ảnh đại diện Facebook.
Năm 1993, Ramadan bỏ chạy khỏi Tripoli tới Saudi Arabia sau khi bị buộc tội giúp đỡ các phần tử Hồi giáo cực đoan thoát đợt truy quét của cảnh sát. Sau này Ramadan xin tị nạn chính trị ở Anh và sống ở đây 25 năm. Khi nhà lãnh đạo Gadhafi bị lật đổ năm 2011, Ramadan đã quay trở về Libya, đồng thời giữ chức quản lý Lực lượng An ninh Trung tâm ở Tripoli.
Hai người quen biết Salman Adebi đã gọi điện tới đường dây nóng của cơ quan chống khủng bố cách đây 5 năm để phản ánh lo ngại sau khi gã thanh niên nói rằng “làm một kẻ đánh bom tự sát cũng được đấy”. Một số thành viên trong gia đình hắn cũng tự báo cáo với cảnh sát về sự “nguy hiểm” của Adebi.
Jomana, em gái của Abedi, xác nhận anh trai mình đánh bom liều chết để “trả thù” cho các cuộc không kích của Mỹ tại Syria. Jomana miêu tả anh trai mình – Salman là một người “tốt bụng” và “đáng yêu”.
Vụ tấn công ở thành phố Manchester đã làm ít nhất 22 người thiệt mạng, trong đó có cả trẻ em, và 64 người bị thương. Sau thảm kịch này, nước Anh đã công bố nâng mức độ cảnh báo nguy cơ khủng bố lên mức cao nhất. Khoảng 1.000 binh sĩ ngày 24/5 đã được triển khai trên các tuyến phố để bảo vệ các địa điểm quan trọng nhằm hỗ trợ lực lượng cảnh sát vũ trang tập trung vào cuộc điều tra mở rộng.