LỢI THẾ ỨNG CỬ VIÊN NỮ
Thất bại của bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử sơ bộ (Đảng Dân chủ) năm 2008 không chỉ được lý giải bởi phép màu kỳ lạ của một ứng cử viên vô danh - ông Barack Obama. Sở dĩ bà thất bại, dù luôn được sủng ái trong các cuộc thăm dò dư luận, cũng chính là vì bà đã làm hỏng chiến dịch tranh cử của mình.
Năm 2008, bà Hillary lao vào cuộc chiến tranh cử với niềm tin tuyệt đối: Một người phụ nữ chỉ có thể giành chiến thắng nếu chứng tỏ được với người Mỹ rằng mình có thể là một "tổng tư lệnh" xứng với tên gọi này. Nhất là lúc đó Mỹ đang lao thân vào hai cuộc xung đột - ở Iraq và Afghanistan - và kẻ thù số 1 của Mỹ, Osama Bin Laden, vẫn bặt tăm tích. Kết quả là trong khi ông Obama sử dụng một cách tuyệt vời "bản sắc lai" của mình, thì bà Hillary lại hoàn toàn vứt bỏ lợi thế "nữ tính" của mình. Không nghe theo lời khuyên của những cố vấn thân cận nhất, bà bám lấy chiến lược được xây dựng từ trước vòng bầu cử sơ bộ: Đó là bằng mọi giá phải tỏ ra có kinh nghiệm và cứng rắn về những vấn đề liên quan tới an ninh.
Nhiều ứng cử viên nữ sẽ ủng hộ bà Clinton. |
Khi các cố vấn bắt đầu gợi ý về một sự thay đổi chiến lược, bà Hillary nổi giận: "Tôi đã mất nhiều thời gian để thuyết phục các đảng viên Cộng hòa ôn hòa và các đảng viên Dân chủ bảo thủ rằng tôi có thể là Tổng tư lệnh, tôi đã lấn át được họ về các vấn đề quốc phòng, an ninh. Vậy mà giờ đây các ông lại muốn tôi xuất hiện như một nạn nhân". Và khi, tháng 1/2015, tạp chí Vogue đề nghị chụp ảnh bà cho bìa tạp chí này đúng trước "siêu thứ Ba" - là ngày 24 bang sẽ quyết định chọn người làm tổng thống, Hillary lại một lần nữa nổi nóng: "Sau bao năm chứng tỏ để người dân Mỹ hình dung một cách nghiêm túc về tôi như một "Tổng tư lệnh", tôi cho rằng một bức ảnh quyến rũ cho tạp chí Vogue dường như không phải là một ý tưởng tốt". Bà Hillary tự ngăn cấm mình tỏ ra xúc cảm, như vậy là bà tự ngăn cấm mình là một phụ nữ. Anna Wintour, bà chủ lớn của tạp chí Vogue, người đã nỗ lực rất nhiều để khôi phục hình ảnh của đệ nhất phu nhân Mỹ sau vụ Lewinsky, đã không chấp nhận sự từ chối của bà Hillary.
Tới đầu tháng 3/2008, chiến lược của bà Hillary - bằng mọi giá phải tỏ ra là một "Tổng tư lệnh" thực sự - đã sụp đổ. Trong một bài phát biểu tại Washington hôm 3/3/2008, bà đã bình tĩnh giải thích rằng nếu như John McCain và bản thân bà đã vượt qua "bài kiểm tra năng lực Tổng tư lệnh", thì đó không phải là trường hợp của ông Obama. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài CNN, bà Hillary đã nhắc đến 5 thời điểm cụ thể mà bà đã ở tâm điểm của một cuộc khủng hoảng quốc tế khi bà là đệ nhất phu nhân. Tại Macedonia, bà đã "đàm phán việc mở cửa các đường biên giới" cho những người tị nạn Kosovo; bà đã giúp chồng mình "mang lại hòa bình ở Bắc Ireland"; bà đã thực hiện một chuyến đi rất nguy hiểm tới Bosnia dưới bom đạn; cá nhân bà đã cố gắng mọi cách để gửi quân đến Rwanda nhằm "ngăn chặn nạn diệt chủng", điều đã được ông Bill Clinton khẳng định; cuối cùng, bà đã có một phát biểu ủng hộ nhân quyền ở Bắc Kinh. Thật không may cho bà, chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2008 là chiến dịch đầu tiên bị soi rất kỹ... và dường như nữ ứng cử viên tổng thống đã hơi tô vẽ thực tế.
Các đường biên giới Macedonia đã được mở cửa một ngày trước khi bà đến; bà đã không hề có mặt trong các cuộc đàm phán về Bắc Ireland; bà đã đến Bosnia 3 tháng sau khi kết thúc chiến tranh; Mỹ đã không bao giờ nghĩ đến việc gửi quân đến Rwanda; và ở Bắc Kinh, dù đúng là bà đã có một bài phát biểu can đảm, song sau đó bà đã không đưa ra được một biện pháp cụ thể nào, không đúng hình ảnh của một Hillary lẽ ra đã thúc đẩy sự nghiệp phụ nữ phát triển tại đất nước này. Sự công kích dữ dội nhất xuất phát từ một người thân tín cũ của bà đã chạy sang hàng ngũ của ông Obama, đó là luật sư Greg Craig. Dựa trên những kiểm chứng của các thẩm tra viên, Greg Craig viết: "Khi toàn bộ chiến dịch tranh cử của bạn dựa vào việc nhấn mạnh đến kinh nghiệm, thì điều quan trọng là phải chứng minh điều đó. Lập luận của Hillary Clinton cho rằng bà đã hoàn thành tốt "bài kiểm tra năng lực tổng tư lệnh" đơn giản là không đúng.
Bà Clinton có một bài phát biểu ấn tượng về quyền phụ nữ ở Bắc Kinh năm 1995. |
Tình hình hiện tại đã khác. Năm 2008, bà Hillary cuối cùng đã chấp nhận lãnh đạo nền ngoại giao Mỹ. Sau khi công du tới 112 nước trong 4 năm và có nhiều dịp tiếp xúc với các nhà lãnh đạo lớn trên thế giới, bà hoàn toàn có thể hãnh diện về mình với một vốn kinh nghiệm không thể phủ nhận và một khả năng thực sự trở thành một "tổng tư lệnh" xứng đáng với tên gọi này. Cuối cùng, bà đã vượt qua bài kiểm tra nổi tiếng và không còn cần phải bịa ra một quá khứ huy hoàng. Đây chắc chắn là lý do khiến bà xuất bản cuốn Hồi ký Ngoại trưởng trước chiến dịch tranh cử - cách để bà thoát khỏi cái bẫy "phân biệt đối xử" mà bà đã nêu lên năm 2008.
Khi người ta biết rằng, năm 2008 cũng như năm 2012, yêu cầu đầu tiên mà cử tri đưa ra đối với một tổng thống là phải có khả năng đồng cảm, người ta có thể tự nhủ rằng từ nay bà Hillary hoàn toàn có thể thể hiện tốt điều này: Bà không cần chứng minh khả năng trở thành đứng đầu nhà nước nữa, bà có thể nhấn mạnh vai trò là một người mẹ, một người bà và đơn giản là một người phụ nữ. Tuy nhiên, trong các cuộc bầu cử tổng thống gần đây, các ứng cử viên đảng Cộng hòa đã làm mất lòng các cử tri nữ, đặc biệt do những tuyên bố bị xem là tai tiếng về nạn cưỡng hiếp. Chính vì vậy, năm 2012, ông Obama đã giành được 55% phiếu bầu của cử tri nữ, trong khi chỉ có 45% cử tri nam bỏ phiếu cho ông. Nhưng phụ nữ đại diện cho 54% cử tri, sự "chênh lệch giới" đã mang lại chiến thắng cuối cùng cho ông Obama. Người ta sẽ hiểu rằng để giành chiến thắng, bà Hillary sẽ phải thu hút được lá phiếu của nữ cử tri. Hiện tại, bà có tất cả các quân bài trong tay để thành công.
Kỳ cuối: Hình ảnh đầy quyền lực