Bí mật vụ thảm sát Hoàng gia Nepal - Kỳ 1

Đúng 15 năm về trước, 9 thành viên trong Hoàng gia Nepal đã thiệt mạng trong một vụ xả súng. Vụ thảm sát gây rúng động quốc gia nằm bên dãy Himalaya này cũng như toàn thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh của Nepal thời bấy giờ.

TỐI THỨ SÁU ĐẪM MÁU

Tối thứ Sáu, ngày 1/6/2001, tại một ngôi nhà trong khuôn viên của Cung điện Hoàng gia Narayanhity đã diễn ra cuộc họp theo thông lệ hàng tháng. Cuộc họp qui tụ hàng chục thành viên Hoàng gia Nepal, chủ yếu bàn về chuyện kết hôn của Thái tử Dipendra.

Từ trái qua: hàng dưới: Quốc vương Birendra, Hoàng hậu Aishwarya; hàng trên: Công chúa Shruti, Thái tử Dipendra, Hoàng tử Nirajan của Hoàng gia Nepal.


Khoảng 8 giờ 40 phút tối, Thái tử Dipendra xin phép rời phòng ăn vì có vẻ đã quá chén và buồn ngủ. Vài chục phút sau, những tiếng nổ từ bên trong lâu đài Hoàng gia ở Kathmandu phát ra. Trong sự kinh hãi của tất cả những người chứng kiến, “thần chết” thực sự đã gõ cửa gia đình hoàng tộc.

Rajiv Raj Shahi, con rể của Hoàng thân Dhirenda - em trai cố Quốc vương Birendra, người có mặt tại hiện trường vụ việc, là nhân chứng đầu tiên kể về buổi tối ngày thứ sáu đó. Theo Raj Shahi, ông cùng với Hoàng tử Nirajan và Paras đã đưa Thái tử Dipendra uống quá chén về phòng riêng của Thái tử để nghỉ ngơi. Khi ba người này trở lại, Quốc vương Birenda và 20 thành viên khác đã di chuyển tới phòng vẽ tranh hình chữ L, trong đó có một chiếc bàn bi - a, nơi họ ngồi thành từng nhóm nhỏ.

Thành viên thân cận của Hoàng gia này nói với các phóng viên rằng vụ xả súng xảy ra sau đó khoảng 1 tiếng, và những tiếng nổ ai oán - từng phát một nhằm vào những người có mặt - kéo dài khoảng 90s.
 
Vua Birendra bị bắn đầu tiên. Rajiv Shahi nói: “Khoảng 9 giờ tối, tôi nghe thấy tiếng súng nổ. Tôi nghĩ có ai đó đang chơi đùa. Nhưng rồi có tiếng la hét và tôi nghe một người nói ‘Quốc vương đã bị bắn’”. Đại uý Quân y Shahi kể tiếp: “Là một bác sĩ, tôi chạy về phía Quốc vương. Tôi cởi áo khoác của mình và chặn nó lên cổ nơi máu ngài đang chảy. Quốc vương nói ‘Ta bị bắn vào bụng nữa’. Tôi nói ngài đừng lo lắng bởi việc ngăn máu ngừng chảy lúc đó còn quan trọng hơn”.

Hai công chúa Shruti và Shobhi chạy tới bên Vua cha và cũng bị bắn. Công chúa Shruti chết tại chỗ, trong khi Shobhi bị thương. Đại uý Quân y Shahi cho biết ông đã chạy thoát qua đường cửa sổ để kêu gọi sự giúp đỡ của các cận vệ và xe cấp cứu, nên không chứng kiến những phát súng tiếp theo. Tuy nhiên, Shahi được kể rằng Hoàng tử Nirajan và Hoàng hậu Aiswarya bị bắn chết trong vườn.

Theo tờ Nepali Times, ngoài Vua Birendra và Công chúa Shruti, Hoàng hậu Aishwarya, Hoàng tử Narajan, Công chúa Shanti, anh trai Vua Birendra, hai em gái và em rể đức vua, Kuma Khadga cũng bị sát hại. Tổng cộng có 9 người trong hoàng tộc đã thiệt mạng trong vụ thảm sát hoàng gia kinh hoàng nhất trong lịch sử.

Ba Vua trong bốn ngày

Lúc 9 giờ 30 phút tối 1/6/2001, tờ Nepali Times nhận được thông báo từ Lajimpat về vụ nổ súng tại Cung điện Hoàng gia. Những chiếc xe được nhìn thấy chạy nhanh khỏi cổng Cung điện về hướng Bệnh viện Chhauni. Ý nghĩ đầu tiên trong đầu mọi người dân Nepal là: Cung điện Hoàng gia đã bị một nhóm phiến quân tấn công. Trên thực tế, đó không phải điều đã xảy ra. Vua Birendra đã bị bắn, Hoàng hậu Aishwarya cũng bị bắn chết. Các thành viên khác trong gia đình hoàng gia đã nhanh chóng được đưa tới Bệnh viện Chhauni. Tờ Nepali Times cho biết đã điều tra và cố gắng xác định những thông tin thu thập được, nhưng quyết định rằng câu chuyện này quá nghiêm trọng để đưa ra kết luận một cách vội vàng.

Người dân thắp nến xung quanh di ảnh của Quốc vương Birendra và Hoàng hậu Aishwarya.

Buổi sáng hôm sau, nhiều người dân ở Kathmadu vẫn chưa nhận thức được điều gì đã xảy ra. Họ tụ tập trên các con phố, nghe những bản nhạc thê lương trên đài phát thanh. Hầu hết các tờ báo không đưa tin. Và thay vì cố gắng dập tắt những tin đồn về vụ thảm sát, truyền thông nhà nước Nepal đã giữ im lặng. Được biết, Chính phủ Nepal đã lập tức kiểm soát chặt chẽ các tin tức trên các phương tiện truyền thông nhà nước, đài phát thanh và truyền hình chỉ được phép phát nhạc tang.

Các thành viên trong gia đình hoàng tộc Nepal, cũng như các quan chức trong Chính phủ Nepal rơi vào tình trạng hỗn loạn. Họ không đưa ra được lời giải thích ai là người thực sự phải chịu trách nhiệm.

Tại Bệnh viện Chhauni, ngoài Thái tử Dipendra bị hôn mê và đang cố gắng giành giật sự sống, các thành viên khác của Hoàng gia được đưa tới cấp cứu đều đã không qua khỏi.

Buổi chiều sau đó, một thông báo chính thức công bố rằng Vua Birenda và Hoàng hậu Aish đã chết, nhưng không nêu nguyên nhân. Thông báo này cũng tuyên bố Thái tử Dipendra nối ngôi Vua, và chú của Thái tử - Hoàng thân Gyanendra làm Nhiếp chính.

Một quan chức cấp cao của Cung điện Hoàng gia nói với CNN rằng những thành viên Hoàng tộc đã bị sát hại bởi “một vũ khí tự động đột nhiên phát nổ”, mà không hề đề cập đến người đã cầm vũ khí đó.

Chỉ sau đó vài ngày, ngày 4/6/2001, Tân vương Dipendra qua đời. Theo thứ tự ưu tiên, ngôi vương được chuyển cho em trai cố Quốc vương - Hoàng thân Gyanendra. Hoàng thân Gyanendra lên ngôi Vua và hứa với người dân Nepal rằng sẽ mở “cuộc điều tra kỹ lưỡng” về vụ thảm sát. Tờ Nepali Times ra phiên bản đặc biệt ngày 6/6 với hình ảnh Vua Gyanendra lên ngôi. Như vậy, chỉ trong vỏn vẹn 4 ngày, Nepal đã có 3 Quốc vương.

Từ đây, những lời đồn thổi về nguyên nhân vụ thảm sát bắt đầu xuất hiện. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao Hoàng thân Gyanendra, người đã trở thành Vua Nepal quá chóng vánh, lại không có mặt trong buổi tối xảy ra vụ thảm sát. Tuy nhiên, những mối nghi ngờ này không quan trọng bằng sự thực rằng Nepal và những người dân của Vương quốc này đã phải chịu sự mất mát quá lớn.

Hàng trăm nghìn người phủ phục trên những con phố chờ linh cữu Quốc vương, Hoàng hậu và các thành viên trong hoàng tộc được rước qua. Những tiếng khóc nức nở, những khuôn mặt nín lặng trước thảm kịch bất ngờ. Người dân tham dự lễ tang đã cạo trọc đầu và Nepal trải qua 13 ngày quốc tang.

Vậy ai là người đã ra tay sát hại cả gia đình hoàng tộc, gây ra nỗi đau cho những người dân Nepal? Những người may mắn sống sót sau buổi tối định mệnh biết ai là hung thủ.

Xem Kỳ 2: Một tay sát hại cả gia đình
Trần Minh
Bí mật vụ thảm sát Hoàng gia Nepal - Kỳ cuối
Bí mật vụ thảm sát Hoàng gia Nepal - Kỳ cuối

Sau vụ thảm sát ngày 1/6/2001, một nhà chiêm tinh của Hoàng gia Nepal đã thừa nhận rằng đã “không thể tiên đoán được” vụ thảm sát chấn động. Theo Telegraph, Mangal Raj Joshi, nhà chiêm tinh có dòng họ nhiều đời phụng sự cho triều đại Shah của Nepal, đã nói: “Không ai thấy được điều này. Tôi không thể giải thích điều gì đã xảy ra nhưng nó thật khủng khiếp”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN