Trong thời gian ở thăm Thụy Sỹ, Đệ nhất Phu nhân Áchentina Evita Peron đã được Jacques Albert Cuttat, Giám đốc Lễ tân của Bộ Ngoại giao nước này tháp tùng và sắp xếp chương trình làm việc. Trên thực tế, Cuttat đã từng có thời gian công tác tại Áchentina từ năm 1938 đến tận năm 1946 và có mối quan hệ mật thiết với gia đình Peron. Chính vì vậy, ngay trước chuyến đi của Evita tới Thụy Sỹ, nhân vật này đã được chỉ thị hỗ trợ Đệ nhất Phu nhân Áchentina. Hơn nữa, Cuttat cũng chính là người có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhiều quan chức Đức Quốc xã khét tiếng đang lẩn trốn ở châu Âu, cũng như giới chủ các ngân hàng tại Thụy Sỹ.
Evita Peron trong chuyến công du Thụy Sỹ. |
Nhờ sự giúp đỡ của Cuttat, Evita đã tiếp xúc được với một số nhân vật có máu mặt trong chính phủ Thụy Sỹ để thành lập cái gọi là “Văn phòng Di trú” có nhiệm vụ làm thủ tục cho những tên phát xít chạy trốn sang Áchentina, đặc biệt là những nhân vật có chuyên môn về khoa học. Trong khi đó, Đại sứ Áchentina tại Thụy Sỹ Benito Llambi được giao nhiệm vụ tìm kiếm “khách hàng”. Thông qua giới thiệu của một điệp viên Thụy Sỹ có tên là Henry Guisan, Llambi đã tiếp xúc được với một loạt những nhà khoa học và kỹ sư Đức có ý định chuồn khỏi châu Âu, trong đó có cả kỹ sư tên lửa nổi tiếng Wernher von Braun.
Theo Cơ quan cảnh sát Bern, văn phòng di trú bí mật được thành lập sau chuyến thăm của Evita nằm ở ngay trung tâm thủ đô Thụy Sỹ do ba công dân Áchentina có tên là Carlos Fuldner, Herbert Helfferich và Georg Weiss điều hành. Báo cáo của cảnh sát mô tả ba nhân vật này là “những tên phát xít 100%”. Tuy nhiên, việc những tên này vẫn được phép hoạt động hợp pháp ngay giữa thủ đô Bern là còn bởi sự tiếp tay của chính cảnh sát và tình báo Thụy Sỹ.
Carlos Fuldner, trưởng văn phòng di trú của Áchentina tại Thụy Sỹ. |
Theo tài liệu tình báo được giải mật sau này, Giám đốc cảnh sát liên bang Thụy Sỹ Heinrich Rothmund và sỹ quan tình báo Paul Schaufelberger là những người hỗ trợ và tham gia tích cực vào các hoạt động của văn phòng di trú Áchentina trên. Một bức điện khẩn gửi từ Berne tới cơ quan ngoại giao Thụy Sỹ tại Roma vào thời gian đó viết: “Văn phòng Cảnh sát Thụy Sỹ muốn gửi 16 người tị nạn sang Áchentina trên một con tàu sẽ rời Genova vào ngày 26/3/1948. Tất cả đều mang chứng minh thư Thụy Sỹ và có đầy đủ visa. Đề nghị giúp đỡ”.
Đối với phía Thụy Sỹ, lý do để họ dính vào đường dây quan hệ với Đức Quốc xã và Áchentina, kể cả trong và sau Thế Chiến II, là vì các vấn đề chính trị và tài chính. Ignacio Klich, người phát ngôn của một ủy ban điều tra về mối quan hệ giữa nhóm phát xít và Áchentina, cho rằng những phi vụ làm ăn giữa Áchentina và Đức Quốc xã lúc bấy giờ luôn bị thao túng bởi những nguồn tín dụng của Thụy Sỹ. Những nghi ngờ trên sau này đã được chứng minh khi người ta phát hiện ra rằng Johann Wehrli, một chủ ngân hàng Thụy Sỹ, đã mở một chi nhánh ở Buênốt Airết dưới tên của con trai để làm nơi trung chuyển tiền cho các nhóm tàn quân phát xít ẩn náu tại Áchentina.
Một tài liệu mật của Mỹ năm 1948 cũng cho thấy, chính phủ Thụy Sỹ cũng được hưởng lợi rất nhiều từ việc cung cấp giấy tờ giả giúp cho những tên phát xít đang bị truy nã chạy trốn sang Áchentina. Trên thực tế, việc Thụy Sỹ cung cấp giấy tờ giả cùng lúc đã giải quyết được hai vấn đề: Rũ bỏ trách nhiệm đối với những tên Đức Quốc xã đang ẩn náu trên lãnh thổ của họ, đồng thời thu được một khoản lợi nhuận khổng lồ. Theo tài liệu trên thì tất cả những người Đức muốn rời khỏi Thụy Sỹ một cách hợp pháp đều phải trả 200.000 frank Thụy Sỹ cho mỗi bộ giấy tờ đầy đủ.
Ngoài ra, hai hãng hàng không Swissair và KLM cũng đã được huy động tham gia vào chiến dịch di chuyển tàn quân của Đức Quốc xã sang Áchentina. Trong số những tên phát xít chạy trốn được sang Áchentina qua đường này có cả Tư lệnh trại tập trung Auschwitz, Joseph Schwamberger và sỹ quan SS khét tiếng Erich Priebke.
Hoài Nam (Theo Consortiumnews)
Đón đọc kỳ cuối: Con dao hai lưỡi