Bermuda – Tam giác bí ẩn và sự biến mất của phi đội 19 - Kỳ 2

Kỳ II: Sự biến mất không để lại dấu vết


Có thời điểm, Trung tâm định vị trên biển nghĩ rằng, họ đã xác định được vị trí tương đối của phi đội số 19 ở phía đông bờ biển New Smyrna, bang Florida nhưng có lúc lại ở tít tận phía bắc của Bahamas.

 

Chiếc máy bay cứu hộ đầu tiên được cử đi lúc 18 giờ 20 phút. Đó là một chiếc thủy phi cơ hiệu Dumbo và nó cũng sớm mất liên lạc với bờ. Điều này khiến cho mọi người tin rằng họ đã mất nốt luôn chiếc Dumbo. Vấn đề trở nên nghiêm trọng khi mọi liên lạc đều không thể thực hiện được.


Có hay không một vùng xoáy như thế ở tam giác Bermuda?


Trong vòng một giờ, có thêm nhiều máy bay khác tham gia công việc tìm kiếm. Thời tiết xấu bao phủ khắp nơi và biển động dữ dội. Tiếp sau đó, một máy bay huấn luyện Martin Mariner đã không bay được về vị trí như đã định và cũng không trả lời tín hiệu vô tuyến. Lúc 19 giờ 50 phút, thủy thủ đoàn trên một con tàu gần đó cho biết họ đã nhìn thấy một quầng lửa được gây ra bởi một vụ nổ máy bay. Sau đó ít lâu, chiếc tàu này đi qua một vùng dầu loang nhưng họ không tìm thấy người nào còn sống sót hay phần thân thể nào của chiếc máy bay gặp nạn. Họ không thể thu lượm được bất kỳ một mảnh vụn nào trên mặt biển bởi điều kiện thời tiết lúc bấy giờ xấu đến nỗi không cho phép họ làm điều đó.

 

Phi đội số 19 lúc này đã cạn nhiên liệu. Người ta nhận được tín hiệu cuối cùng của Taylor lúc 19 giờ 04 phút. Công việc tìm kiếm những chiếc Avenger mất tích được tiếp tục trong suốt đêm biển động đó. Ngày hôm sau, hàng trăm máy bay và tàu thuyền cùng tham gia tìm kiếm nhưng họ không tìm thấy bất kỳ dấu vết nào của chiếc Mariner hay của những chiếc Avenger.


Sức mạnh vô hình ở tam giác Bermuda.


Theo thông tin từ hải quân Mỹ cho biết, những chiếc Avenger bị biến mất hoàn toàn là do thời điểm lúc bấy giờ biển rất động. Ngoài ra, những phi cơ này nặng đến mức khó có thể tin được. Có biệt danh là “Những con chim sắt”, mỗi chiếc Avenger có trọng lượng hơn 6,3 tấn khi không tải. Khi bị tác động của thời tiết xấu, chúng sẽ rất dễ bị rơi và chìm xuống tận đáy biển. Bất kỳ mảnh vỡ nào, lúc bấy giờ, đều sẽ bị đại dương nuốt chửng. Do đó, người ta không thể tìm thấy dấu vết nào của chúng.


Câu chuyện về tam giác bí ẩn bắt đầu được đề cập đến trong một bài báo của hãng thông tấn AP ngày 16/9/1950. Phóng viên E. V. W. John viết về những trường hợp biến mất bí ẩn của tàu thuyền và máy bay trên khu vực giữa bờ biển Florida và Bermuda. Hai năm sau, tạp chí Fate cho đăng tải một bài báo của phóng viên George X. Sand viết về hàng loạt những vụ biến mất kỳ lạ trên biển trong vài năm qua ở vùng tam giác trên biển nằm giữa Florida, Bermuda và Puerto Rico.

Chẳng bao lâu sau, vùng biển này đã thu hút được sự chú ý của đông đảo mọi người. M. K. Jessup trong cuốn sách "Vụ án đĩa bay", xuất bản năm 1955, đã viết về những trường hợp biến mất bí ẩn đồng thời đưa ra những giả thiết về một nền văn minh ngoài Trái đất. Quan điểm này cũng nhận được ủng hộ của Donald E. Kyhoe, một nhà văn đã trở nên rất nổi tiếng với cuốn sách "Âm mưu của đĩa bay" xuất bản năm 1955. Frank Edwards trong cuốn sách "Kỳ lạ hơn cả khoa học" cũng bày tỏ sự đồng tình với giả thiết về sự xuất hiện của những người ngoài hành tinh ở khu vực tam giác này. Cuối cùng, Vincent H. Gaddis là người đã đưa ra cụm từ "Tam giác Bermuda" trong cuốn sách "Những chân trời vô hình" của ông.

Trong suốt nhiều năm, địa danh này đã trở thành đề tài chính của nhiều bài báo, cuốn sách, phóng sự và phim truyền hình. Người ta nhắc đến nó như là một điều bí ẩn nhưng là có thật. Tuy nhiên, bất kỳ ai bằng bất kỳ giác quan nào cũng đều tự hỏi làm thế nào mà những con tàu, máy bay và con người lại có thể biến mất một cách khó hiểu ở một vùng nước nhất định? Liệu những chiếc máy bay trở đầy hành khách có dám bay qua vùng trời khu vực đại dương này nữa hay không?...

Tuy nhiên, lời giải thích trên không thuyết phục được dư luận. Những câu chuyện về một nơi bí ẩn mà tàu thuyền và máy bay biến mất một cách khó hiểu đã ngay lập tức thu hút được sự chú ý của đông đảo dân chúng. Huyền thoại về tam giác Bermuda bắt đầu từ đó và được lưu truyền cho đến tận ngày nay.

 

Năm 1991, một tờ báo đăng tin một con tàu cứu hộ tên là “Deep See” đã phát hiện thấy những chiếc máy bay của phi đội số 19 còn gần như nguyên vẹn ở dưới đáy đại dương, cách Fort Lauderdale khoảng 10 dặm về phía đông bắc. Một máy bay mang số hiệu 28, trùng với số hiệu máy bay của Taylor. Nhưng Graham Hawkes, người chỉ huy cuộc tìm kiếm sau đó đã thừa nhận rằng, chiếc máy bay này không phải thuộc phi đội số 19.

 

Trong thực tế, có rất nhiều câu chuyện về các vụ biến mất kỳ lạ của cả tàu thuyền và máy bay ở gần hay trong khu vực tam giác Bermuda. Cho đến nay, người ta vẫn chưa thể giải thích được tại sao phi đội số 19 và cả những chiếc thủy phi cơ cứu hộ lại biến mất một cách khó hiểu và không để lại bất kỳ dấu vết nào. Vùng tam giác này hẳn phải có một loại quyền lực đại dương bí ẩn nào đó thì mới có thể hút tất cả mọi loại tàu thuyền và máy bay đi vào vùng này? Câu hỏi dường như vẫn chưa có lời giải.

 


Đình Vũ (Tổng hợp)

Bermuda – Tam giác bí ẩn và sự biến mất của phi đội 19
Bermuda – Tam giác bí ẩn và sự biến mất của phi đội 19

Tam giác Bermuda, nằm trên một vùng biển thuộc Đại Tây Dương, được giới hạn bởi ba đỉnh: thành phố Miami thuộc bang Florida ở Mỹ, Puerto Rico, Bermuda-lãnh thổ thuộc Anh. Có nhiều tài liệu đề cập đến các vụ tàu thuyền, con người và máy bay biến mất một cách khó hiểu trong khi đang đi lại trong khu vực tam giác này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN