Vụ việc ở đảo Gruinard đã thuyết phục chính phủ rằng việc sản xuất và thử nghiệm vũ khí sinh học trên đất Anh là quá nguy hiểm. Để có một địa điểm thay thế, họ chuyển sang thuộc địa của mình bên kia Đại Tây Dương. Đây không phải là lần đầu tiên hay cuối cùng Anh tìm đến Canada để giúp thử nghiệm vũ khí nguy hiểm.
Sau một loạt thí nghiệm tại Porton Down, nơi binh lính Anh tiếp xúc với khí mù tạt, Anh đã ra lệnh chuyển tất cả các cuộc thử nghiệm tiếp theo đến Suffield, một căn cứ quân sự của Canada ở Alberta. Tại đây vào tháng 5/1942, 712 binh sĩ tình nguyện Canada đã hành quân đến khu vực thử nghiệm, chỉ đeo mặt nạ phòng độc và trang bị chiến đấu thông thường và được lệnh chú ý trong khi máy bay bay ở độ cao hơn 300 mét phun khí mù tạt vào họ. Khi khí đã thấm hoàn toàn vào quần áo của nhóm binh sĩ, họ được đưa trở lại căn cứ và được nghiên cứu tác động.
Khí mù tạt là một chất gây phồng rộp, khi tiếp xúc với da sẽ gây bỏng hóa chất nghiêm trọng, cực kỳ đau đớn và có thể mất nhiều tháng mới lành. Những người tham gia được trả 20 đô la cho mỗi lần thả khí mù tạt. Các thí nghiệm tương tự sau đó đã được thực hiện trên binh sĩ ở Inisfall, Australia và Karachi, Ấn Độ thuộc Anh, khiến Đế chế Anh trở thành quốc gia duy nhất ngoài Nhật Bản thử nghiệm vũ khí hóa học trên đối tượng là con người trong Thế chiến thứ hai.
Nhưng thật đáng kinh ngạc, vào năm 1950, Canada đã đề nghị cho phép Anh thử quả bom nguyên tử đầu tiên ở phía bắc nước này, gần thị trấn Churchill – một lời đề nghị mà London từ chối vì chọn Australia.
Trong khi đó, những tháng sau cái chết của Sir Frederick Banting, hoạt động nghiên cứu vũ khí sinh học ở Canada bắt đầu suy giảm.
Vào tháng 10/1941, Bộ trưởng Chiến tranh Mỹ Henry Stimson đã gửi thư cho Tổng thống Franklin Roosevelt kêu gọi thành lập chương trình vũ khí sinh học của Mỹ. Do chương trình của Canada ở trạng thái tiên tiến hơn nên một thỏa thuận đã đạt được, theo đó Mỹ sẽ tài trợ cho việc phát triển vũ khí sinh học của Canada cho đến khi trung tâm phát triển của Mỹ tại Fort Detrick, bang Maryland đi vào hoạt động.
Điều này gần như trùng hợp hoàn hảo với yêu cầu của Anh về một trung tâm phát triển vũ khí thay thế, và với 200.000 USD từ nguồn quỹ của Chính phủ Mỹ trong tay, các giám đốc dự án của Canada là E.G.D Murray và Otto Maass bắt đầu tìm kiếm một địa điểm thích hợp cho phòng thí nghiệm vũ khí sinh học bí mật. Họ nhanh chóng tìm thấy một nơi phù hợp, nằm trong trạm cách ly cũ ở đảo Grosse Île, nơi từng trải qua một quá khứ đen tối và bi thảm.
Trạm cách ly Grosse Île được thành lập vào năm 1832, thay thế trạm Pointe-Lévy cũ hơn. Và vào cuối những năm 1840, Canada tràn ngập hàng trăm nghìn người Ireland nhập cư chạy trốn "nạn đói khoai tây". Nhiều người trong số những người nhập cư này đã đến trên những chiếc tàu được gọi là “tàu quan tài” - loại tàu gỗ chở khách xuyên Đại Tây Dương với giá rẻ - và điều kiện đông đúc, mất vệ sinh trong hầm tàu đã dẫn đến việc thường xuyên bùng phát các dịch bệnh như sốt phát ban và dịch tả. Chỉ riêng năm 1847, hơn 100.000 người đã đến Quebec, với tới 40 tàu xếp hàng dài 3km dọc sông để chờ dỡ hàng.
Dòng người khổng lồ này nhanh chóng áp đảo cơ sở vật chất hạn chế của hòn đảo. Bệnh dịch bùng phát và lây lan sang phần còn lại của thành phố. Phải đến năm 1854, việc cải thiện điều kiện vệ sinh và giảm người nhập cư cuối cùng mới chấm dứt được dịch bệnh. Từ năm 1832 đến năm 1932, khoảng 500.000 người nhập cư vào Canada thông qua cửa ngõ Grosse Île, khiến nơi này – cùng với Pier 21 ở Halifax – trở thành địa điểm tương tự như Đảo Ellis ở New York. Trong số những người mới đến, khoảng 5.000 người đã chết vì bệnh tật, thi thể của họ được chôn trong những ngôi mộ tập thể trên chính đảo Grosse Île và đảo Point Charles gần đó.
Grosse Île là địa điểm lý tưởng cho việc nghiên cứu vi khuẩn vì nhiều lý do. Trước hết, nó xa xôi và tương đối khó tiếp cận, trung tâm dân cư gần nhất là ngôi làng nhỏ Montmagny ngay bên kia sông. Thứ hai, nó hoàn toàn tự cung tự cấp, có nhà máy điện, nồi hơi, ký túc xá, nhà thờ và bệnh viện riêng. Nhưng hấp dẫn nhất là tại đây có sẵn khu nhà khử nhiễm, trong đó có hai buồng khử khuẩn chạy bằng hơi nước khổng lồ. Những người nhập cư đến Grosse Île được yêu cầu cởi bỏ quần áo và cho vào buồng khử khuẩn trước khi đi tắm, ở phía bên kia họ sẽ cầm lại quần áo sạch, không có chấy rận. Phụ trách dự án vũ khí sinh học của Canada, hai ông Murray và Maass cho rằng những căn phòng này sẽ là nơi lý tưởng để nuôi số lượng lớn bào tử bệnh than.
Nhưng một số người không chắc chắn lắm. Charles Mitchell, bác sĩ thú y trưởng của Canada, phản đối rằng hòn đảo này chưa đủ biệt lập, chỉ cách bờ sông gần nhất 6 km. Ông lập luận rằng để đủ an toàn, địa điểm này phải cách bờ ít nhất 80 km.
Nhưng vì không tìm được địa điểm thay thế nào nên ý kiến của Mitchell đã bị bác bỏ, và vào năm 1942, phòng thí nghiệm Grosse Île bắt đầu hoạt động dưới cái tên vỏ bọc là Trạm Kiểm soát Dịch bệnh Chiến tranh.
Hòn đảo, dưới sự chỉ huy của Thiếu tá Richard Duthy và được canh gác bởi một đơn vị đồn trú gồm 100 binh sĩ, được chia thành hai khu vực chính. Phần phía tây của đảo được thực hiện bởi "Dự án R", nghiên cứu dịch bệnh rinderpest, và đầu phía đông là khu vực của "Dự án N", nghiên cứu bệnh than.
Bệnh than được “ươm” trong các khay phẳng ở hai buồng khử nhiễm, vì lý do an toàn nên các nhà khoa học được khóa kín bên trong. Nhiều nhà khoa học nhận thấy rằng họ không thể chịu đựng được cảnh làm việc trong buồng khử với đầy đủ đồ bảo hộ. Vì vậy nhiều người đã áp dụng phương pháp kỳ lạ là làm việc khỏa thân ngoại trừ mặt nạ phòng độc. Cách làm này còn có thêm lợi ích là giúp cơ thể họ được khử nhiễm dễ dàng hơn.
Nhưng ngay cả những biện pháp như thế cũng nhanh chóng tỏ ra vô cùng thiếu hiệu quả. Trong một báo cáo ban đầu về hoạt động của Grosse Île, Thiếu tá Duthy phàn nàn rằng hòn đảo này có rất nhiều ruồi, chúng có thể dễ dàng đậu trên thiết bị phòng thí nghiệm và mang theo các bào tử chết người vào đất liền.
Sau đó, vào tháng 8/1943, một số nhà khoa học mắc phải những căn bệnh bí ẩn và phải cách ly tại một bệnh viện ở Thành phố Quebec. Các xét nghiệm sau đó xác nhận họ bị nhiễm bệnh than.
Vụ việc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các giám đốc dự án, nhiều người trong số họ đã kêu gọi đóng cửa phòng thí nghiệm trên đảo Grosse Île. Nhưng cuối cùng những lời kêu gọi đó đã bị bác bỏ vì lý do chính trị, vì nhiều người trong dự án muốn chứng minh rằng các nhà khoa học Canada cũng giỏi ngang không thua kém gì đồng nghiệp người Mỹ.
Chưa kể còn có những mối nguy hiểm khác gây lo lắng. Vào mùa thu năm 1943, tàu ngầm Đức bắt đầu tiến ngày càng sâu vào cửa sông St. Lawrence, làm dấy lên lo ngại rằng họ sẽ phát hiện ra trạm Grosse Île.
Sự biệt lập cũng bắt đầu gây ra hậu quả. Do tính chất tuyệt mật của dự án, quân đồn trú trên đảo không thể mang theo gia đình của họ; vì thế do buồn chán, họ đã mò đi giải khuây ở khu Montmagny gần đó. Điều này dẫn đến mối lo ngại về việc bí mật của hòn đảo bị rò rỉ ra ngoài, mặc dù vào thời điểm này, cư dân Montmagny đã nghi ngờ có điều gì đó không ổn và bắt đầu tránh xa các nhân viên trên đảo như tránh bệnh dịch hạch vậy.
Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn này, việc sản xuất bệnh than vẫn tiến triển và đến cuối năm 1943, Grosse Île đã sản xuất 120kg bào tử bệnh than mỗi tuần – đủ để lấp đầy 1.500 quả bom tiêu chuẩn thả từ trên không.
Vào tháng 8/1944, những quả bom này đã được thử nghiệm rộng rãi tại khu thử nghiệm Suffield, cho dù Suffield không có rào cản địa lý tự nhiên để ngăn chặn các bào tử chết người trôi dạt vào các khu vực đông dân cư. Địa điểm này đến nay vẫn là một khu vực hạn chế do một thực tế đáng báo động là bào tử bệnh than có thể tồn tại trong đất tới 100 năm.
Dù thế nào đi nữa, người Anh cũng rất ấn tượng với kết quả đạt được và đã đặt mua 500.000 quả bom bệnh than từ Suffield và Grosse-Île.
Xem tiếp Kỳ cuối: Mầm bệnh đủ để giết 30 lần dân số thế giới