Theo trang Asia Times, Trung Quốc, Nga và Mỹ đang kẹt trong một cuộc cạnh tranh gay gắt nhằm xuất khẩu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của mình, một cuộc đấu thương mại có ý nghĩa quan trọng đối với ảnh hưởng chiến lược tại các quốc gia quan trọng trên toàn cầu.
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 - cụ thể là J-20 và FC-31 của Trung Quốc, Su-57 và Su-75 của Nga, và F-22, F-35 của Mỹ - cung cấp một số lợi thế so với máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư tiền nhiệm và do đó đang có nhu cầu cao trên toàn cầu.
Những tính năng công nghệ cao, mới mẻ đó bao gồm khả năng quan sát thấp, kết nối mạng tiên tiến, công nghệ tổng hợp dữ liệu và nhiều tính năng khác.
Trong tương lai, Trung Quốc đặt mục tiêu xuất khẩu FC-31, mặc dù họ đã phải chật vật để bán máy bay chiến đấu của mình ra ngoài một nhóm nhỏ các khách hàng gồm Pakistan, Bangladesh, Myanmar, Triều Tiên và một số nước châu Phi.
Trong khi đó, Nga công bố ý tưởng xuất khẩu Su-57 và đã đàm phán với UAE để hợp tác sản xuất Su-75 "Checkmate" tiên tiến hơn. Về phần mình, Mỹ đã xuất khẩu thành công F-35, với 14 quốc gia hiện đang sử dụng loại máy bay chiến đấu này và hơn 10 quốc gia tham gia sản xuất.
Xem video quảng bá Su-75 "Chiếu tướng" của Nga (Nguồn: Sukhoi)
Đáng chú ý, các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm đều được thiết kế theo các học thuyết phòng không khác nhau của các nhà sản xuất tương ứng.
Các cường quốc lục địa như Trung Quốc và Nga nhấn mạnh khả năng phòng không trên bộ, các máy bay chiến đấu của họ được tích hợp chặt chẽ vào mạng lưới phòng không. Ngược lại, các cường quốc viễn chinh như Mỹ lại nhấn mạnh khả năng tấn công tầm xa và khả năng xâm nhập vùng trời được bảo vệ nghiêm ngặt.
Trung Quốc đang cố gắng mở rộng tiền đề truyền thống này bằng cách tích hợp sức mạnh không quân trong các hoạt động tấn công chung, cũng như trong phòng thủ cơ sở hạ tầng quan trọng và bảo vệ các hoạt động trên bộ và hải quân.
Theo chiến lược đó, Trung Quốc đánh giá sức mạnh không quân khi tích hợp với các loại vũ khí chiến đấu khác. Hơn nữa, Bắc Kinh nhấn mạnh các hoạt động không đối đất, vì chúng được coi là hiệu quả hơn, ít tốn kém và ít phản ứng hơn so với các hoạt động không đối không.Điều đó có thể nhận thấy trong thiết kế máy bay chiến đấu tàng hình J-20 của Trung Quốc, được cho là tối ưu hóa cho các cuộc tấn công tầm xa vào môi trường phòng không phức tạp. Trong số các sứ mệnh mục tiêu của nó có đánh chặn tầm xa, tấn công mặt nước và tấn công hàng hải.
Máy bay J-20 cũng có thể tiến hành các cuộc không kích ở xa các căn cứ không quân ở đại lục Trung Quốc trước khi rút lui vào vùng an toàn của mạng lưới phòng không của Bắc Kinh.
Học thuyết phòng không của Nga lại theo cách tiếp cận ba tầng, với một hệ thống phân lớp tạo ra vùng chống tiếp cận / chống xâm nhập khu vực (A2 / AD). Hệ thống này chủ yếu dựa vào tên lửa đất đối không, với các khẩu đội tầm xa và tầm trung cung cấp khả năng chống xâm nhập đường không ở độ cao lớn và trung bình, trong khi bản thân hệ thống tên lửa được bảo vệ bằng hệ thống phòng thủ điểm tầm ngắn dựa trên súng hoặc tên lửa.
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Nga được tích hợp vào mạng lưới phòng không phân lớp này để săn lùng máy bay địch đang tìm cách phá hủy hệ thống phòng không trên mặt đất và lấp đầy khoảng trống trong phạm vi phủ sóng của radar. Điều này có nghĩa là các máy bay phản lực thế hệ thứ 5 của Nga nhấn mạnh vào tác chiến không đối không.
Trong khi đó, học thuyết của Mỹ nhấn mạnh đến các hoạt động chung trên tất cả các miền, trong đó không quân phải vượt các giới hạn địa lý, tấn công chính xác vào những lỗ hổng quan trọng ở trung tâm của đối phương trong tầm xa.
Theo học thuyết của Mỹ, sức mạnh không quân cho phép kiểm soát các hoạt động có lợi cho họ, được sử dụng cùng với mọi hình thức sức mạnh quân sự và được tích hợp trên nhiều lĩnh vực.
Điều này được thể hiện ở việc Mỹ ưu tiên cho một nền tảng duy nhất được thiết kế để thực hiện nhiều vai trò. F-35 là minh chứng cho triết lý này, với nhiều biến thể dành cho Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ, khi các khả năng khác nhau được tích hợp trong một thiết kế gốc duy nhất.
Xem video F-35B của Mỹ thử nghiệm cất cánh thẳng đứng (Nguồn: Lockheed Martin)
Tuy nhiên, điều này khiến F-35 không có bất kỳ vai trò chuyên biệt nào để có thể tạo nên một hệ sinh thái hỗ trợ các khả năng khác cần thiết nhằm tối đa hóa hiệu quả của chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 này.
Những khách hàng tiềm năng mua máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Trung Quốc, Nga và Mỹ phải kết hợp hài hòa các chiến lược quân sự, học thuyết phòng không, yêu cầu năng lực và thông số kỹ thuật của từng người bán khi đưa ra quyết định mua sắm.
Các yếu tố chính trị và chiến lược lớn hơn cũng quan trọng. Bên cạnh đó, các học thuyết hoặc yêu cầu năng lực của từng quốc gia cụ thể có thể ảnh hưởng đến sự phù hợp của các loại máy bay chiến đấu nói trên trong môi trường hoạt động cụ thể của chúng.
Đồng thời, ngân sách quốc phòng rất khác nhau do tình hình kinh tế và tài chính quốc gia, cũng thường là yếu tố quyết định đến việc khách hàng lựa chọn cường quốc cung cấp nào.