Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull là một nhân tố quan trọng làm thay đổi thế cờ trong cuộc giành giật hợp đồng đóng tàu cho Australia. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong cuộc cạnh tranh nhằm giành được hợp đồng đóng 12 tàu ngầm cho Australia, các tập đoàn của Nhật Bản là ứng cử viên sáng giá, theo sau là tập đoàn ThyssenKrupp Marine System (TKMS) của Đức. Tuy nhiên, rốt cuộc, chính tập đoàn DCNS của Pháp mới là người chiến thắng. Báo Le Monde số ra ngày 26/4 có bài phân tích cho thấy vì sao Pháp đã giành được hợp đồng "tỷ đô" này.
Phát biểu trên công trường của nhà máy đóng tàu Adelaide ngày 26/4, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tuyên bố: "Các nhận xét đưa ra trong quá trình đánh giá năng lực thiết kế và đóng tàu đều khẳng định rằng nhà thầu Pháp đáp ứng tốt nhất các nhu cầu riêng biệt của Australia. Những chiếc tàu ngầm do Pháp chế tạo sẽ là những tàu ngầm hiện đại nhất thế giới, song quá trình sản xuất chúng sẽ được thực hiện tại đây, trên đất Australia này". Theo ông, cần phải làm hết sức để mỗi USD chi cho quốc phòng phải được chi tiêu tại Australia.
Trong một thông cáo phát đi ngay sau đó, Điện Elysée ngay lập tức đã ca ngợi rằng đây là một sự "lựa chọn lịch sử". Nó đánh dấu một bước tiến quyết định trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước với một sự hợp tác trong 50 năm trong lĩnh vực quan trọng của chủ quyền được thể hiện thông qua khả năng của đội tàu ngầm quốc gia. Thông cáo cũng nêu rõ "Pháp tự hào về trình độ công nghệ" của các doanh nghiệp của mình được chứng minh qua việc được chọn làm nhà thầu. Thành công mới này sẽ tạo ra việc làm và sự phát triển tại Pháp cũng như tại Australia.
Hai năm qua là một cuộc chạy đua đường trường đối với các bên tham gia đấu thầu. Thực tế là ngay từ đầu, Pháp đã bị coi là người ngoài cuộc. Tuy vậy, có một số yếu tố khiến Pháp ghi điểm. Cụ thể, tập đoàn TKMS của Đức cũng đề xuất là sẽ tiến hành đóng tàu tại Australia, nhưng TKMS lại chưa bao giờ đóng những con tàu lớp 4.000 tấn như Australia đặt hàng, trọng tải và kích cỡ những con tàu này gần gấp đôi những con tàu mà TKMS đã sản xuất.
Đối với Nhật Bản, người ta nghi ngờ về khả năng đóng những con tàu với công suất lớn ở bên ngoài lãnh thổ Nhật. Ngoài ra, một liên minh với Nhật Bản có thể làm cho Trung Quốc - đối tác kinh tế lớn nhất của Australia, tức giận. Về mặt chiến lược, Australia tìm kiếm một đối tác có khả năng sản xuất những con tàu có thể vượt qua những quãng đường dài trên biển và xây dựng đối tác lâu dài, với một chương trình tàu ngầm được đảm bảo trong 70 năm tới, Pháp chính là nhà thầu có thể đáp ứng các yêu cầu đó.
Nhìn từ phía Australia, mọi việc lúc đầu cũng không thuận với Pháp. Vừa lên nắm quyền vào năm 2013, Thủ tướng Australia Tony Abbott đã quay sang Nhật, yêu cầu người bạn Shinzo Abe cung cấp cho ông tàu ngầm. Truyền thông Australia lúc đó đã đề cập đến một thỏa thuận bí mật giữa hai nhà lãnh đạo. Tin đồn đó được nhìn nhận hết sức tiêu cực tại Australia, đặc biệt vào thời điểm Đức tăng cường quảng cáo trên truyền thông về năng lực sản xuất tàu ngầm của các tập đoàn nước mình đồng thời tạo ra từ 5.000- 7.000 việc làm trực tiếp hoặc gián tiếp tại Australia.
Tại Paris, không ai tin vào cơ hội của Pháp trong một cuộc đua như vậy trừ ông chủ của tập đoàn DCNS Hervé Guillou và Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian. Tháng 11/2014, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp đã tham dự các buổi lễ kỷ niệm 100 năm ngày quân đội Australia được gửi đến châu Âu tham chiến.
Khi đó, ông đã đề cập với người đồng cấp Australia về hợp đồng đóng tàu song không nhận được câu trả lời. Quay trở lại Paris, ông đã yêu cầu Bộ Quốc phòng triển khai một ban chỉ đạo tương tự ban chỉ đạo dự án bán máy bay chiến đấu Rafale, với các phiên họp diễn ra 2 tuần/lần. Xung quanh bàn họp tập hợp lãnh đạo các tập đoàn DCNS, Thales, Tổng cục Vũ khí (DGA), các chuyên gia của Bộ Quốc phòng, binh chủng Hải quân và đại sứ Pháp tại Australia.
Tháng 2/2015, gió bắt đầu xoay chiều. Thủ tướng Tony Abbott, người ủng hộ giải pháp thuê tập đoàn Nhật Bản cuối cùng đã đồng ý mở thầu với sự tham gia của tập đoàn TKMS của Đức và DCNS của Pháp. Mặc dù vậy, một đại diện của Thủ tướng Tony Abbott trong lần có mặt tại Paris đã không thể hiện một thái độ nào cho phép Pháp hy vọng. Ông nói: "Tôi muốn mọi thứ rõ rằng, Nhật Bản đã được chọn, các bạn không có cơ hội". Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp không nghĩ tới việc bỏ cuộc, ông vẫn theo đuổi kế hoạch của mình: "Cần phải có mặt trong trường hợp Nhật Bản thất bại".
Đồng minh số một của Australia là Mỹ theo dõi sát sao cuộc đua. Đã từng có tin đồn là Mỹ-nước sẽ cung cấp hệ thống vũ khí cho các tàu ngầm mới thích người Nhật hơn người châu Âu. Ngày 6/7/2015, trong một cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Ashton Carter tại Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp đã đề nghị rằng Mỹ nên trung lập trong cuộc đấu thầu này.
Sau đó, Washington, thông qua một người thân cận của Obama đã khẳng định rằng tàu ngầm là "vấn đề chủ quyền" đối với Australia, vấn đề này sẽ không tác động tới liên minh với Mỹ dù là ứng viên nào thắng thầu. Vào tháng 9/2015, sự cạnh tranh đã trở nên thực sự công bằng với sự ra đi của Thủ tướng Tony Abbott, bị hạ bệ bởi Bộ trưởng Truyền thông Malcolm Turnbull cũng thuộc Đảng Tự do cầm quyền.
Sự ra đi bất ngờ của cựu Thủ tướng Australia Tony Abbott khiến cuộc đua căng thẳng đến phút chót. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Sau khi mời ba nước tham gia dự án, Australia thông báo các ứng viên có hai tháng để nộp hồ sơ dự thầu. Nhật Bản - nhà thầu tham gia với tư cách nhà nước dựa trên tổ hợp bao gồm Mitsubishi Heavy Industries và Kawasaki Heavy Industries chuyển sang thế tấn công, tuyên truyền quảng cáo rầm rộ trên báo chí Australia. Tokyo thậm chí còn gửi một tàu ngầm đến vịnh Sydney vào giữa tháng 4/2015.
Trong khi đó, các hồ sơ tham gia đấu thầu của châu Âu lại do các tập đoàn công nghiệp thực hiện. TKMS tiến hành một chiến dịch tiếp thị đề cao chất lượng Đức với sự hỗ trợ tích cực của Berlin và Thủ tướng Angela Merkel. Về phía Pháp, DCNS tỏ ra kín đáo và chờ đợi phản ứng khi đưa ra khẩu hiệu: "Đây là con tàu ngầm tiên tiến nhất mà bạn chưa bao giờ thấy".
Đi cùng với các hoạt động nói trên là rất nhiều các chuyến thăm của các Bộ trưởng, lãnh đạo các tập đoàn công nghiệp và quốc phòng của Pháp. Cho đến tháng 2/2016, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Những thông tin đầu tiên bắt đầu lọt ra ngoài từ Bộ Quốc phòng Pháp: "Chúng ta thực sự có thể chiến thắng".
Việc chỉ định người thắng thầu được dự kiến thông báo vào tháng sáu, nhưng thời gian công bố được đẩy sớm lên do Australia tiến hành bầu cử Quốc hội trước thời hạn vào đầu tháng bảy tới. Việc Thủ tướng Malcolm Turnbull thông báo việc xây dựng tàu ngầm sẽ diễn ra tại bang Nam Australia đồng thời tạo ra 2.900 việc làm có thể sẽ có lợi cho phe ông.
Khi tin đồn lọt ra là Nhật Bản bị loại, tất cả các bên đều có thái độ thận trọng. Trên chuyến bay ngày 18/4 từ Ai Cập trở về Pháp, Tổng thống François Hollande và Bộ trưởng Jean-Yves Le Drian đã hoàn chỉnh bức thư gửi Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull.
Tổng thống Pháp Francois Hollande với mẫu tàu ngầm từ bản hợp đồng giữa DCNS và Australia. Ảnh: AFP |
Một tuần sau đó, ngày 25/4 Canberra đã thông báo cho Paris một cách không chính thức về sự lựa chọn của mình. Đối với Australia, ngày hôm đó được gọi là ngày của các Quân đoàn Australia và New Zealand (ANZAC-Australian and New Zealand Army Corps) nhằm tưởng nhớ các binh sĩ Australia đã tham gia Chiến tranh Thế giới thứ nhất, trong đó phần đông đã ngã xuống trên đất Pháp. Chính vì vậy, thật ý nghĩa khi ngày này trở thành biểu tượng cho sự hợp tác trong tương lai giữa Pháp và Australia.