Trên tàu sân bay cách bờ biển Malaysia hơn 300km, ông Hitchcock, chỉ huy trưởng cụm tàu sân bay tấn công USS John C. Stennis nói rằng, những tàu chiến dưới quyền điều khiển của ông luôn kết nối “24/24 giờ” với hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc “chuyên nghiệp tuyệt đối”. “Chúng tôi chẳng có gì khác ngoài những kết nối chuyên nghiệp. Đại dương là môi trường rất kết nối, nơi đó có thủy thủ, các lực lượng hải quân rất kết nối, bất kể quan hệ ngoại giao của các nước sở hữu lực lượng này diễn ra như thế nào”, Chuẩn đô đốc người Mỹ bày tỏ.
Chuẩn đô đốc Marcus Hitchcock trên tàu sân bay USS John C. Stennis. Ảnh: Bloomberg |
Ở một khía cạnh khác, những vấn đề ngoại giao như thế lại đang gây tác động ngày một lớn đến lĩnh vực quân sự, trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc không ngừng đổ lỗi cho nhau là bên đang “quân sự hóa” Biển Đông – vùng biển có tuyến hàng hải huyết mạch đối với giao thương quốc tế nhưng cũng là nơi tồn tại tranh chấp giữa các bên. Việc Mỹ triển khai tàu sân bay USS John C. Stennis diễn ra tại thời điểm căng thẳng tại khu vực gia tăng sau hành động bồi đắp, xây “đảo nhân tạo” trái phép của Trung Quốc, “đặt” trên đó là đường băng sân bay, căn cứ tên lửa.
Được hộ tống bởi 3 tàu khu trục, cùng với đó là tàu tên lửa dẫn đường, tàu sân bay John C. Stennis không cần phải tiến vào vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền để chuyển đi một thông điệp gì đó. Trung Quốc hiện chỉ có một tàu sân bay, chiếc Liêu Ninh, được phiên chế trong lực lượng hải quân hồi năm 2012 và đang đóng tàu sân bay thứ hai hoàn toàn “nội địa”.
Hải quân hai nước đã tuân thủ đúng mã liên lạc được lập ra để tránh những vụ va chạm không mong muốn trên biển, ông Hitchcock tiết lộ và nói mã này “vận hành rất tốt”.
Thế nhưng chiều hướng “tốt” này không bao gồm các nhóm tàu khác, nhất là tàu tuần tuần duyên. Với việc Bắc Kinh gia tăng sử dụng hải cảnh như là một lực lượng hải quân trên thực tế ở Biển Đông, giới phân tích an ninh đã buộc phải cảnh báo về nguy cơ xảy ra đụng độ ngày một lớn. Hồi tháng 3 vừa qua, một tàu tuần tra của Indonesia đã bị một nhóm tàu hải cảnh Trung Quốc “bao vây”, khi tàu này bắt, lai dắt một tàu cá Trung Quốc đi vào vùng biển quanh quần đảo Natuna thuộc chủ quyền của Indonesia. Chính quyền Jakarta sau đó cam kết sẽ triển khai chiến đấu cơ F-16 đến khu vực này.
Ông Hitchcock là một trong nhóm quan chức hải quân cấp cao Mỹ hối thúc lực lượng hải cảnh (Trung Quốc) và tuần duyên (Mỹ) phát triển một mã liên lạc tương tự. “Đó là cách thức tuyệt đối đúng để bảo đảm rằng chúng ta là những người số một hiểu nhau và truyền nội dung cho nhau. Một khi người này hiểu người kia và phát đi ý định của mình, tôi nghĩ đó là cách để chúng ta tìm ra người có trách nhiệm đưa ra những quyết định trách nhiệm thực thi công việc theo một cách thức có trách nhiệm”, chuẩn đô đốc Mỹ nói.
Sự hiện diện của tàu sân bay John C. Stennis ở Biển Đông cùng chuyến thăm tới khu vực của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter diễn ra tại thời điểm Trung Quốc gia tăng các hoạt động khiến dư luận lo ngại. Đó là việc Phó Chủ tịch Quân ủy Phạm Trường Long thị sát (trái phép) đá Chữ Thập trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam; trước đó là hành động máy bay quân sự hạ cánh trên đường băng ở tại đây.
Ông Hitchcock bày tỏ, việc Mỹ tăng cường hiện diện ở Đông Nam Á không chứa đựng nguy cơ làm tình hình xấu đi. Năm ngoái, Mỹ có hành động “thách thức” Trung Quốc khi triển khai chiến dịch tuần tra bảo đảm tự do hàng hải (FONOP), điều tàu chiến đi vào khu vực 12 hải lý quanh một số đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông. Theo ông, đây là việc làm định kỳ, được triển khai theo kế hoạch để bảo đảm giao thương hàng hải không thể bị ngăn cản ở khu vực này.