Cơn khát nhân lực của các hãng vũ khí khi châu Âu tăng cường tự chủ quốc phòng

Chính sách quốc phòng độc lập ở châu Âu chỉ có thể khả thi nếu tỷ lệ chi tiêu quốc phòng tại từng quốc gia tăng đáng kể, nhưng điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nhân sự.

Chú thích ảnh
Pháo tự hành Caesar của Pháp. Ảnh: Sputnik

Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, Pavel Cechal cho biết PBS Group – nơi ông đang giữ chức phó chủ tịch điều hành - có thể dễ dàng kiếm được nhiều đơn hàng động cơ tên lửa và thiết bị bay không người lái với lượng lao động gấp đôi hiện giờ. Tuy nhiên, cái khó ở đây là công ty lại không thể tìm được nhân công.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan của PBS Group cũng giống như nhiều công ty quốc phòng ở châu Âu, trong bối cảnh các chính phủ đang tăng cường chi tiêu cho đạn dược, xe tăng và các loại vũ khí khác, ứng phó trước lời cảnh báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng họ không nên phụ thuộc quá nhiều vào Washington.

Hiện PBS Group có cơ sở sản xuất tại Velka Bites cách Prague (Séc) hai giờ lái xe có 800 nhân công và đang tìm kiếm thêm người lao động mới.

"Nếu họ sẵn sàng trên thị trường lao động, chúng tôi sẽ tuyển dụng họ ngay lập tức. Nhu cầu của chúng tôi là có", ông Pavel nói thêm công ty đã tăng lương 8% vào năm ngoái và có kế hoạch tăng thêm 10% vào năm 2025 để thu hút nhân tài. "Chúng tôi hiện đang tuyển dụng ở mọi cấp độ của công ty", ông Pavel cho hay.

Trong khi động thái thúc đẩy chi tiêu quốc phòng trị giá 800 tỷ euro (896 tỷ đô la) của Liên minh châu Âu (EU) dự kiến ​​sẽ tạo ra hàng trăm nghìn việc làm trong 10 năm tới, đội ngũ kỹ sư AI, nhà khoa học dữ liệu, thợ hàn và thợ máy được đào tạo chuyên biệt cho ngành quốc phòng được cho là đang thiếu hụt.

Với chế độ tăng lương và phúc lợi, các nhà sản xuất vũ khí đang săn đón nhân lực từ các lĩnh vực khác và tìm kiếm những ứng viên tiềm năng từ các sinh viên.

Ví dụ như, ngoài việc hợp tác với các trường đại học, PBS Group thậm chí còn thành lập trường đào tạo riêng và tự đào tạo nguồn lực.

Kể từ cuộc chiến Ukraine bùng nổ trong năm 2022, 78% chi tiêu mua sắm quân sự của EU được cho là không dành cho khối này. Nguyên nhân một phần là do lĩnh vực quốc phòng của châu Âu bị phân mảnh giữa các quốc gia.

EU có kế hoạch chuyển một phần lớn hoạt động mua sắm đó sang châu Âu và hy vọng chiến lược đào tạo và tuyển dụng Liên minh Kỹ năng mới của mình sẽ giúp lấp đầy khoảng trống tuyển dụng quốc phòng.

Công ty Đức-Pháp KNDS, chuyên sản xuất pháo tự hành Caesar, đã tăng ca làm việc tại cơ sở sản xuất chính của công ty ở Bourges, miền Trung nước Pháp và đang tăng cường tuyển dụng thêm 50%.

Ông Nicolas Chamussy, giám đốc điều hành của KNDS Pháp, cho biết vẫn đề thiếu nhân công vẫn là vấn đề chính nhưng công ty lại đặt ra giới hạn về mức lương.

"Chúng ta vẫn đang trong nền kinh tế chiến tranh, và còn đang trong một cuộc chiến kinh tế. Nếu tiền lương tăng một cách không kiểm soát, sản phẩm của công ty sẽ trở nên kém cạnh tranh hơn", ông nói.

Những người trong ngành quốc phòng cho biết các chuyên gia AI có thể phát triển hệ thống vũ khí tự động cũng như những người có chuyên môn về các sản phẩm được sản xuất với số lượng nhỏ đang được săn đón đặc biệt.

"Chúng tôi không sản xuất CAESAR theo cách giống như sản xuất xe Peugeot 308. Chúng tôi phải nắm vững bí quyết rất cụ thể, đòi hỏi những kỹ năng rất đặc biệt. Và những người như vậy rất hiếm trên thị trường việc làm", người phát ngôn của KNDS Gabriel Massoni cho hay.

Dẫn một báo cáo gần đây của công ty tư vấn quản lý Kearney, đài CNN chỉ ra việc tăng chi tiêu quốc phòng lên 3% GDP từ tỷ lệ 2% hiện tại của NATO sẽ cần tới 760.000 công nhân lành nghề mới ở châu Âu.

"Chính sách quốc phòng độc lập ở châu Âu chỉ có thể khả thi nếu tỷ lệ chi tiêu quốc phòng tại từng quốc gia tăng đáng kể, điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nhân sự", nhà phân tích Guido Hertel của Kearney viết trong báo cáo.

Rheinmetall - nhà sản xuất đạn dược lớn nhất châu Âu - có kế hoạch tăng lực lượng lao động của mình lên khoảng 29%, đạt 9.000 người, vào năm 2028, trong đó chủ yếu là các nhà phát triển sản phẩm, kỹ sư, thợ hàn và kỹ thuật viên điện tử.

Công ty đóng tàu ngầm và khinh hạm Thyssenkrupp Marine Systems đang tìm thêm 1.500 công nhân cho xưởng đóng tàu ở Wismar, miền Bắc nước Đức. Công ty này cho hay tình trạng thiếu hụt các chuyên gia STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) được đào tạo về toán học, công nghệ thông tin hoặc khoa học là một thách thức.

"Trước đây, các hợp đồng an toàn, ổn định, chất lượng của công ty chúng tôi đủ để đảm bảo vị thế dẫn đầu của mình, nhưng ngày nay, giới trẻ lại ưa chuộng các ngành khác hơn là công nghiệp", công ty hàng không vũ trụ và quốc phòng này nói.

Godefroy Jordan, tổng giám đốc Headhunting Factory, một công ty tuyển dụng tại Paris, chuyên tìm kiếm thợ máy, kỹ sư hệ thống và kỹ thuật viên cho 4.000 nhà cung cấp công nghiệp quốc phòng vừa và nhỏ của Pháp, chia sẻ: “Những người mà chúng tôi nhắm đến đang làm những công việc mà họ chưa từng được săn đón, họ thậm chí còn không có hồ sơ xin việc. Khi chúng tôi gọi cho họ, họ nghĩ đó là lừa đảo".

Bảo Hà/Báo Tin tức và Dân tộc
Ba Lan xây dựng trung tâm hậu cần lớn nhất châu Âu: Cơ hội vàng tái thiết Ukraine
Ba Lan xây dựng trung tâm hậu cần lớn nhất châu Âu: Cơ hội vàng tái thiết Ukraine

Dự án 1 tỷ euro tại Sławków sẽ biến Ba Lan thành trung tâm logistics chiến lược của châu Âu, tận dụng dòng vận chuyển và tái thiết Ukraine để tăng trưởng kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN