Bán vũ khí cho Ba Lan, Hàn Quốc đang tiến gần hơn đến xung đột Ukraine?

Thỏa thuận vũ khí lớn nhất từ trước đến nay của Hàn Quốc sẽ đưa quốc gia này trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn cho châu Âu kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra.

Chú thích ảnh
Xe tăng K2 Black Panther do Hyundai Rotem của Hàn Quốc sản xuất được trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng & Hàng không Vũ trụ Quốc tế, Seoul, Hàn Quốc năm 2021. Ảnh: Reuters 

Theo hãng tin Reuters (Anh), hôm 27/7, giới chức Hàn Quốc đã ký một thỏa thuận khung cung cấp cho Ba Lan – thành viên NATO  hơn 1.600 xe tăng, pháo và gần 50 chiếc máy bay chiến đấu. Ba Lan mô tả thỏa thuận này là một phần quan trọng trong nỗ lực tái vũ trang của đất nước khi đối mặt với xung đột ở Ukraine, nơi Warsaw đã cung cấp ít nhất 1,7 tỷ USD viện trợ quân sự.

Quy mô và tốc độ của thỏa thuận vũ khí trị giá hàng tỷ USD này đã khiến một số nhà phân tích ngạc nhiên. Trong khi đó, Ba Lan cũng đang mua thêm xe tăng Abrams từ Mỹ và đang thảo luận với Đức để mua thêm xe tăng 'báo hoa' Leopard.

Tại lễ ký kết thỏa thuận tại Warsaw, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak nói rằng Hàn Quốc là nước duy nhất có thể cung cấp vũ khí mới đủ nhanh cho Warsaw. Ông cho biết: “Điều vô cùng quan trọng là việc bàn giao xe tăng và pháo tăng đầu tiên sẽ diễn ra trong năm nay”.

Ông Oskar Pietrewicz, nhà phân tích tại Viện Các vấn đề Quốc tế Ba Lan (PISM), cho biết đối với các quốc gia ở sườn phía đông của NATO, triển vọng hợp tác với Hàn Quốc là đặc biệt thú vị. Ông bình luận: “Cuộc chiến ở Ukraine là động lực cho ngành công nghiệp vũ khí của Hàn Quốc. Sự quan tâm đến vũ khí của Hàn Quốc có thể còn lớn hơn nếu tính đến sự thất vọng lớn của các nước bên sườn Đông của NATO với thái độ của Đức”.

Giáo sư Ramon Pacheco Pardo tại Trường Quản trị Brussels cho biết việc một số quốc gia khác miễn cưỡng hành động đã mở ra cơ hội cho Hàn Quốc. Ông nói: “Ai đó phải trang bị vũ khí cho Ukraine, và Hàn Quốc đang nắm bắt cơ hội”.

Không cung cấp viện trợ sát thương

Chú thích ảnh
Pháo tự hành AHS Krab trong một cuộc diễu binh ở Ba Lan. Ảnh: Wikipedia

Tuy nhiên, Seoul vẫn chưa sẵn sàng thừa nhận thỏa thuận bán vũ khí này có liên quan đến Ukraine. Ở vị thế đồng minh của Mỹ, chính sách của Hàn Quốc là không cung cấp viện trợ gây sát thương cho Ukraine và nước này cũng đã tìm cách tránh gây xung đột với Nga - cả vì lý do kinh tế và ảnh hưởng của Moskva với Triều Tiên.

Khi được hỏi liệu thỏa thuận này có báo hiệu Hàn Quốc sẽ can dự nhiều hơn vào cuộc xung đột Ukraine hay không, Ngoại trưởng Park Jin nhấn mạnh thỏa thuận chỉ được thực hiện song phương với Ba Lan.

Ba Lan đã cung cấp cho Ukraine một số khẩu pháo tự hành AHS Krab ,được sản xuất từ các linh kiện Hàn Quốc. Một nguồn tin an ninh cho biết việc chuyển giao này có thể cần sự chấp thuận của Seoul. Phát ngôn viên của Cơ quan Quản lý Chương trình Mua sắm Quốc phòng của Hàn Quốc cho biết các thỏa thuận mới nhất với Warsaw không liên quan đến việc hỗ trợ Ukraine, mà là nhằm thúc đẩy lực lượng vũ trang của Ba Lan.

“Tôi nghĩ rằng động thái này một phần là cơ hội kinh doanh nhưng cũng là một động thái chính trị. Mối quan hệ với Nga sẽ bị ảnh hưởng từ thỏa thuận này”, nhà phân tích Pacheco Pardo nói.

Kế hoạch dài hạn

Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc cho biết kim ngạch xuất khẩu vũ khí của quốc gia này đạt mức cao kỷ lục hơn 7 tỷ USD vào năm 2021. Thỏa thuận mới với Ba Lan có thể sẽ làm giảm đi con số đó.

Theo nhà sản xuất Korea Aerospace Industries (KAI), giới chức chưa xác nhận giá trị của thỏa thuận, nhưng chỉ riêng các máy bay chiến đấu đã trị giá khoảng 3 tỷ USD. Ba Lan cho biết đây là một trong những đơn đặt hàng quốc phòng quan trọng nhất và lớn nhất của họ trong những năm gần đây.

Công ty phân tích quốc phòng Forecast International có trụ sở tại Mỹ cũng cho biết thỏa thuận này có thể lớn hơn toàn bộ phân bổ quốc phòng trong năm nay của Ba Lan là 14,1 tỷ USD.

Ông Eom Hyo-sik – cựu giám đốc điều hành tại Hanwha, sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu – nhận định : “Nó giống như tất cả các công ty của chúng tôi, lớn và nhỏ, đã cùng nhau thực hiện một dự án trong cả năm, vì vậy nó rất lớn”.

Chú thích ảnh
K9 Thunder là pháo tự hành 155 mm tự hành của Hàn Quốc. Ảnh: Bloomberg

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Blaszczak cho biết thỏa thuận này không chỉ đơn thuần lấp đầy những khoảng trống mà Warsaw có trong các lực lượng vũ trang của mình mà còn thể hiện cách tiếp cận chiến lược, bao gồm chuyển giao công nghệ giúp Ba Lan chế tạo nhiều vũ khí của Hàn Quốc và hợp tác lâu dài với Seoul trong tương lai.

Trong số các vũ khí tham gia vào thương vụ này, có các biến thể của xe tăng K2 Black Panther do Hyundai Rotem sản xuất và K9 Thunder, một loại lựu pháo tự hành do Hanwha Defense chế tạo.

Hanwha Defense cho biết họ có kế hoạch thành lập một chi nhánh ở Ba Lan nhằm mở rộng xuất khẩu quốc phòng sang châu Âu, bao gồm K9, xe bọc thép Redback và tên lửa dẫn đường.

Giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận sẽ bao gồm 180 xe tăng và 48 pháo tự hành. Những lô hàng đầu tiên sẽ được giao trong năm nay. Giai đoạn thứ hai sẽ bao gồm hơn 800 xe tăng và 600 pháo. Đến năm 2026, cả hai loại vũ khí này sẽ được sản xuất tại Ba Lan, ông Blaszczak cho biết.

Trong khi đó, các máy bay phản lực FA-50 đầu tiên, có thể được sử dụng để huấn luyện cũng như chiến đấu, sẽ được Hàn Quốc bàn giao vào giữa năm sau. Nhà sản xuất vũ khí Hàn Quốc KAI cho biết họ sẽ giúp Chính phủ Ba Lan và các công ty thiết lập các cơ sở bảo dưỡng, đào tạo và sản xuất với hy vọng cuối cùng có thể bán 1.000 chiếc FA-50 trên toàn cầu, cũng như tạo ra sự quan tâm đến máy bay phản lực KF-21 thế hệ tiếp theo của công ty này.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Reuters)
Nga - Đức đổ lỗi trong vấn đề tuabin, Ba Lan tìm cách tự chủ về nguồn cung khí đốt
Nga - Đức đổ lỗi trong vấn đề tuabin, Ba Lan tìm cách tự chủ về nguồn cung khí đốt

Tuabin của tập đoàn năng lượng Gazprom được sửa chữa ở Canada đã được đưa trở lại Nga hay chưa, vấn đề vẫn còn tranh cái, nhưng vào tháng 6 vừa qua, Nga đã giảm lượng khí đốt vận chuyển qua Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) xuống còn 40%. Trong bối cảnh đó, nhiều nước châu Âu phải tìm cách đảm bảo nguồn cung khí đốt, tránh lệ thuộc vào Nga

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN