Theo ông Phạm Tuấn Long, bệnh viện Việt Đức (40 phố Tràng Thi, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã "không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế khi phát hiện môi trường có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A"; quy định tại Khoản 3, Điều 10, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ.
Tính đến tối 3/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, chuỗi lây nhiễm liên quan Bệnh viện Việt Đức đã có 33 ca nhiễm COVID-19.. Trong đó, có 26 người tại Hà Nội và 7 người tại 4 tỉnh, thành khác gồm Nam Định (3 ca), Hưng Yên (1 ca), Hà Tĩnh (2 ca) và Hải Dương (1 ca). Họ gồm 16 người nhà, 11 bệnh nhân, 5 nhân viên làm việc tại bệnh viện và 1 người chuyên giao cơm trước cổng bệnh viện. Họ phân bố tại các khoa, phòng của Bệnh viện Việt Đức, cụ thể Trung tâm phẫu thuật Đại trực tràng tầng sinh môn (tầng 7 nhà D), Khoa phẫu thuật Tiêu hóa (tầng 7 nhà D), Khoa Ung bướu (tầng 8 nhà D), nhà ăn bệnh viện và phố Phủ Doãn bên ngoài bệnh viện.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Trương Quang Việt, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC Hà Nội) cho biết, đơn vị sẽ điều tra, truy vết dịch tễ và đánh giá chùm ca bệnh tại bệnh viện Việt Đức một cách chính xác sau đợt lấy 4.000 mẫu lần 2 từ sáng 3/10, cố gắng không bỏ sót F0, F1 hay những ca nghi ngờ.
CDC Hà Nội nhận định, bệnh nhân di chuyển nhiều giữa các khoa, phòng khác nhau, làm tăng độ tiếp xúc và nguy cơ. Còn người nhà bệnh nhân chỉ có một không gian hạn chế để sinh hoạt, vào giờ bác sĩ thăm khám, họ buộc phải ra khỏi phòng bệnh, đi các vùng khác nhau trong bệnh viện.
Trước đó, theo Sở Y tế Hà Nội, ca mắc COVID-19 đầu tiên được ghi nhận tại bệnh viện Việt Đức là người đàn ông PDT 49 tuổi, quê huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, đến chăm sóc người thân tại khoa Ung bướu, bệnh viện Việt Đức từ ngày 19/9. Trước khi vào viện, ông này test kháng nguyên âm tính tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.
Ngày 29/9, bệnh viện Việt Đức xét nghiệm PCR cho ông PDT trước khi ra viện, kết quả nghi ngờ, sau đó CDC Hà Nội khẳng định dương tính. Cơ quan y tế đã lấy hơn 16.000 mẫu xét nghiệm gồm nhân viên y tế, người bệnh, người chăm sóc bệnh nhân hiện ở trong bệnh viện; người dân khu vực xung quanh bệnh viện và những người về từ bệnh viện trong nửa tháng qua.