Xây dựng hạ tầng khung cho phát triển phía nam Hà Nội 

Thanh Oai có vị trí chiến lược trong phát triển phía Tây nam Hà Nội. Địa phương "cửa ngõ" của Thủ đô này được định hướng đến khoảng năm 2030 sẽ trở thành quận sinh thái. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, huyện Thanh Oai phải nỗ lực rất nhiều, nhất là việc phát triển đầu tư hạ tầng khung - tiền đề quan trọng đánh thức nguồn lực địa phương, cũng như việc kết nối phát triển kinh tế của cả vùng.  

Chú thích ảnh
Phương tiện, máy móc xây dựng 3 cụm công nghiệp ở Thanh Oai. Ảnh minh họa: Văn Điệp/ TTXVN

Do tính chất quan trọng của việc phát triển hạ tầng khung sẽ quyết định đến kết nối của một vùng, một địa phương nên những năm vừa qua, thành phố Hà Nội định hướng các huyện ven đô tập trung nguồn lực để phát triển hạ tầng khung, tạo bộ mặt đô thị đồng bộ, hiện đại giúp nâng cao đời sống của người dân Thủ đô. 

Là huyện giáp ranh với quận Hà Đông nhưng có thể thấy, hệ thống hạ tầng của huyện Thanh Oai còn nhiều hạn chế. Nhiều tuyến đường nhỏ hẹp, lâu ngày chưa được đầu tư cải tạo, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và kết nối vùng. Thanh Oai chưa thực sự là "đầu tàu" của các huyện phía Nam thành phố như Ứng Hòa, Mỹ Đức; trong khi Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội định hướng, Thanh Oai phấn đấu trở thành quận trong giai đoạn 2026 - 2030.

Trước thực tế này càng thêm hối thúc tập thể lãnh đạo huyện Thanh Oai phải trăn trở, suy tư làm sao để khai thác được tiềm lực, lợi thế cửa ngõ Thủ đô, trở thành động lực phát triển của các huyện phía Nam thành phố như kỳ vọng. Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ thứ 23 nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Thanh Oai xác định "phát triển hạ tầng và cải cách hành chính" là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu.

Phân tích rõ hơn về quan điểm phát triển của huyện, ông Nguyễn Ngọc Minh, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Oai cho biết, việc phát triển hạ tầng khung, cụ thể là mở các tuyến đường giao thông trục dọc và trục ngang kết nối trong huyện và địa bàn lân cận, nhằm khai thác quỹ đất hai bên các tuyến đường. Theo tinh thần này, từ 3 năm nay, huyện Thanh Oai đã liên tiếp khởi công mới, cải tạo sửa chữa gần 49 km đường; tổng mức đầu tư khoảng 1.800 tỷ đồng. 

Chú thích ảnh
Phương tiện cơ giới hiện đại đang thi công tuyến đường "Trục kinh tế huyện Thanh Oai". Ảnh Mạnh Khánh/TTXVN

Ghi nhận những  ngày đầu tháng 4, tại tuyến đường trục phát triển kinh tế huyện, các đơn vị thi công tập trung nhân lực, trang thiết bị miệt mài lao động, làm việc nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng phần mặt đường rộng 24 m. Tuyến đường là hình mẫu về tư duy đột phá, mở đường để khơi thông nguồn lực đất đai 2 bên; tạo thêm trục đường mới thay vì chỉ độc đạo như trước nhằm phát triển đồng đều giữa các địa phương.

Nhìn chung, các tuyến đường đã và đang được đầu tư huyện Thanh Oai đều được xây dựng đồng bộ về chiếu sáng, cây xanh, rãnh thoát nước hai bên đường. "Khi các tuyến đường được đầu tư, cải tạo đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho người dân, các xã và cả huyện lân cận, đường đi đến đâu dân giàu đến đó", ông Nguyễn Ngọc Minh nhấn mạnh.

Dù đã có những bước khởi sắc trong đầu tư hạ tầng khung nhưng với một địa phương xuất phát điểm thấp, nguồn lực còn hạn chế thì việc đầu tư số km đường kể trên vẫn như "muối bỏ bể" so với tiêu chí của một quận tương lai.

Theo ông Bùi Văn Sáng, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai, để từng bước thực hiện định hướng của thành phố về xây dựng huyện thành quận, huyện đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội đề xuất điều chỉnh, bổ sung nội dung, tính chất và chức năng của Thanh Oai vào điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065: Là vùng sinh thái, phát triển đô thị hiện đại có xu hướng phát triển lên quận giai đoạn 2028-2030; vùng sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp làng nghề; phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ, logistic quan trọng phía Nam Thủ đô; phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao quan trọng của Thủ đô (đến năm 2030).

Đặc biệt khi đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô qua huyện đi vào hoạt động sẽ tạo "đòn bẩy" về giao thương giữa Thanh Oai với các địa phương khác. Để đón đầu cho việc này, huyện Thanh Oai  phân thành 4 vùng quy hoạch cụ thể. Vùng 1 là trung tâm (đô thị, hành chính, dịch vụ): Thị trấn Kim Bài và một phần các xã Thanh Mai, Bình Minh, Tam Hưng, Thanh Văn… với khoảng 2.100ha. Vùng 2 phía Bắc đô thị nén gắn với Vành đai 4. Vùng 3 phía Tây là đô thị sinh thái, du lịch. Vùng 4 là công nghiệp, nông nghiệp. Các quy hoạch đều phù hợp điều kiện sử dụng đất, thổ nhưỡng, thế mạnh của các địa phương. 

Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai nhìn nhận: Những quy hoạch và định hướng trên là "cơ hội vàng", "bệ đỡ" để huyện bứt phá trong gian tới.

Với tâm thế "đầu tư hạ tầng cũng nhằm phục vụ cho cả vùng phía Nam thành phố cùng phát triển" nên các tuyến đường được Thanh Oai quy hoạch có mặt cắt từ 23 - 50m. Song, để thực hiện mục tiêu này, huyện cũng phải đứng trước áp lực nguồn lực tài chính, giải phóng mặt bằng, đòi hỏi phải có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị mới có thể thực hiện được.

Trước khối lượng công việc lớn, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, hàng tuần trực tiếp lãnh đạo huyện sẽ làm việc với các phòng, ban, đơn vị liên quan và các địa phương có dự án để chỉ đạo, triển khai thực hiện. Trong trường hợp có vướng mắc ở khâu chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, giải phóng mặt bằng,…thuộc thẩm quyền, huyện sẽ xem xét giải quyết và tháo gỡ ngay, rút ngắn thủ tục theo thứ tự ưu tiên cho từng lĩnh vực, từng thời điểm.

"Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng khung, từ các dự án đã triển khai, huyện rút ra kinh nghiệm phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu và mỗi cá nhân; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương hành chính; đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn", ông Bùi Văn Sáng chia sẻ.

Chú thích ảnh
Tuyến QL21B qua địa bàn huyện Thanh Oai được đầu tư to, đẹp đồng bộ. Ảnh Mạnh Khánh/TTXVN

Việc đầu tư hạ tầng, không đơn thuần là quyết tâm chính trị, cần có một nguồn lực tài chính khổng lồ, trong khi huyện Thanh Oai là địa phương có số thu ngân sách khoảng hơn 1 nghìn tỷ đồng/năm, làm sao đáp ứng được?. 

Về vấn đề này, ông Bùi Văn Sáng cho biết: Bên cạnh huy động nguồn lực từ thành phố, huyện đã chủ động nguồn vốn từ việc đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn. Huyện chỉ đạo đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, hoàn thành hạ tầng kỹ thuật các khu đất để thực hiện đấu giá tạo nguồn thu đầu tư xây dựng cơ bản; đồng thời báo cáo kịp thời thành phố cơ chế hỗ trợ, ứng vốn ngân sách để triển khai các dự án hạ tầng khung.

Với những nỗ lực, quyết tâm và nhiệm vụ đang triển khai tại Thanh Oai, thời gian tới, huyện "cửa ngõ" phía Nam của Thủ đô sẽ thay đổi nhanh chóng về hạ tầng, tạo đà đưa huyện lên quận trong tương lai gần.

Linh Khánh (TTXVN)
Các dự án hạ tầng tạo động lực phục hồi thị trường bất động sản
Các dự án hạ tầng tạo động lực phục hồi thị trường bất động sản

Các dự án hạ tầng giao thông hoàn thiện tại các địa phương thời gian tới sẽ tạo nền tảng, thúc đẩy các hạ tầng khác phát triển, mở ra cơ hội cho các ngành dịch vụ, thương mại, thu hút doanh nghiệp đầu tư, nhất là nhu cầu về nhà ở tăng cao... Đây là những điều kiện để thị trường bất động sản (BĐS) phục hồi nhanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN