Tuy nhiên do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, 3 năm qua, cùng với các dịch vụ vận tải hành khách công cộng, sản lượng vận chuyển hành khách của xe buýt cũng sụt giảm nghiêm trọng, thói quen, nhu cầu đi lại của hành khách bị thay đổi. Hiện nay, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động trở lại bình thường xe buýt đang phục hồi nhưng vẫn chậm, doanh thu bán vé chưa đạt chỉ tiêu đấu thầu đặt hàng.
Làm sao để cho xe buýt phục hồi trở lại là vấn đề đang được thành phố,các sở, ngành chức năng và các công ty quản lý và vận hành xe buýt nỗ lực tìm lời giải.
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, để từng bước phục hồi hoạt động của xe buýt, 9 tháng qua, thành phố đã mở mới và đưa vào hoạt động 11 tuyến buýt; trong đó có 5 tuyến buýt kết nối với tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông và 6 tuyến xe buýt điện, nâng tổng số tuyến xe buýt điện của toàn mạng lên 9 tuyến; điều chỉnh tạm thời lộ trình đối với 35 tuyến buýt theo tổ chức giao thông chung của thành phố. Bên cạnh đó, điều chỉnh hợp lý hóa lộ trình, mở rộng vùng phục vụ của xe buýt đối với 8 tuyến buýt; điều chỉnh thời gian biểu chạy xe đối với 14 tuyến buýt để phù hợp với điều kiện vận hành và nhu cầu đi lại của người dân…
Công tác đầu tư cải tạo hạ tầng phục vụ xe buýt cũng được quan tâm. Tính đến hết tháng 9/2022, hệ thống hạ tầng xe buýt trên địa bàn thành phố đã phát triển được tổng số 4.396 điểm dừng, 351 nhà chờ, 5 điểm trung chuyển, 120 điểm đầu cuối và 12,9 km đường dành riêng cho xe buýt đã góp phần cải thiện chất lượng phục vụ của mạng lưới, bảo đảm an toàn cho phương tiện và hành khách.
Nhờ đó, sản lượng vận chuyển hành khách bằng xe buýt của Thủ đô trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 212,7 triệu lượt hành khách (tăng 25,1% so với thực hiện cùng kỳ 2021). Sản lượng hành khách bắt đầu có dấu hiệu phục hồi từ đầu quý II/2022.
Đến nay, mạng lưới xe buýt đã phủ kín 30/30 quận, huyện, thị xã với 510/579 xã, phường, thị trấn và ngày càng tiếp cận nhiều hơn đến các bệnh viện; trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông; khu công nghiệp lớn; khu đô thị; làng nghề; khu di tích lịch sử văn hóa; khu du lịch và kết nối với 7 tỉnh, thành lân cận (Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc).
Là đơn vị chủ lực vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn., Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đang có những giải pháp tích cực nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút hành khách đi xe buýt. Theo Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Thanh Nam, Tổng công ty đã chủ động đề xuất với cơ quan quản lý Nhà nước và triển khai điều chỉnh lộ trình 22 tuyến buýt phục vụ tổ chức giao thông, 3 tuyến tránh ùn tắc, 2 tuyến tăng kết nối mạng lưới, mở rộng vùng phục vụ, hợp lý hóa biểu đồ 38 tuyến buýt để giảm áp lực cho người lao động và tạo thuận lợi hơn cho hành khách sử dụng dịch vụ.
Ngoài ra, Tổng công ty phối hợp xử lý khắc phục 17 điểm dừng đỗ xe buýt bị hư hỏng, không đảm bảo an toàn giao thông; đề xuất chỉ đạo khắc phục 76 điểm dừng đỗ. Dù còn thiếu hụt nguồn nhân lực song các đơn vị đã cố gắng sắp xếp, phân công lao động đảm bảo thực hiện đầy đủ chuyến lượt khi buýt khôi phục 100% tần suất từ giữa tháng 7 vừa qua.
Tổng công ty cũng rất đặc biệt quan tâm đến chương trình đào tạo, tập huấn chấn chỉnh chất lượng phục vụ, đào tạo, tập huấn chuyên đề, tổ chức các đợt đào tạo chuyên đề về ý thức vận hành của công nhân lái xe, nhân viên phục vụ, ý thức chấp hành Luật Giao thông Đường bộ, chăm sóc khách hàng… với 350 khóa tập huấn cho trên 6700 lượt lao động và sẽ tiếp tục tổ chức triển khai nhiều đợt chuyên sâu đến các nội dung mà hành khách quan tâm và phản ánh về chất lượng dịch vụ.
Đặc biệt, với sự góp mặt của xe buýt điện sau một thời gian hoạt động đã cho thấy hiệu quả và lợi ích rõ rệt, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường vừa giảm chi phí vận hành, thu hút ngày càng nhiều hành khách đi xe. Tuy nhiên, giá thành xe buýt điện cao hơn 1,5 - 2 lần xe buýt thường là điều đáng quan tâm.
Mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã huy động gói tài trợ 135 triệu USD cho VinFast, để hỗ trợ sản xuất xe buýt điện vận tải công cộng và mạng lưới trạm sạc xe điện đầu tiên tại Việt Nam. Gói tài trợ này có kỳ hạn 7 năm, gồm 20 triệu USD vốn vay do ADB tài trợ, các khoản vay song song trị giá 87 triệu USD được ADB xúc tác trên cương vị người chủ trì thu xếp vốn được ủy quyền, và khoản tài trợ ưu đãi trị giá 28 triệu USD. Gói tài trợ khí hậu này được Sáng kiến Trái phiếu khí hậu chứng nhận - đây là cơ chế gắn nhãn cho các trái phiếu, khoản vay và công cụ nợ khác góp phần khắc phục biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, dự án cũng bao gồm gói hỗ trợ kỹ thuật (TA) trị giá 950.000 USD từ ACFP và CTF, tập trung vào việc nâng cao nhận thức của người dân về các tác động kinh tế, môi trường và xã hội của việc di chuyển bằng các phương tiện chạy điện nhằm giúp thúc đẩy việc đưa những phương tiện xanh này vào cuộc sống. Gói hỗ trợ cũng giúp thúc đẩy vai trò của phụ nữ đang học tập hoặc làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến khoa học, công nghệ và toán học.
Theo Tổng Giám đốc phụ trách Hoạt động Khối Tư nhân của ADB Suzanne Gaboury, dự án này sẽ mang lại một giải pháp giao thông bền vững, tạo ra tác động lớn cho Việt Nam. Đồng thời, giúp Việt Nam đáp ứng các mục tiêu về khí hậu và thúc đẩy sự phát triển của việc tài trợ vốn cho các dự án chống biến đổi khí hậu trong khu vực.
Với các nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, đặc biệt việc thực hiện lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh đối với giao thông đô thị, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh và đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh, hy vọng xe buýt Thủ đô sẽ nâng cao chất lượng phục vụ, tạo đà phục hồi sau dịch bệnh COVID – 19, thu hút ngày càng nhiều người đi xe buýt.