Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Đặc biệt, vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang mở ra cho thành phố nhiều cơ hội mới.
Để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp lớn trong thời gian tới, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải về những cách làm, hướng đi của thành phố trong việc tạo điều kiện thuận lợi để Thủ đô phát triển xứng tầm.
Ông có thể cho biết, sự phục hồi kinh tế - xã hội của Thủ đô sau thời gian bùng phát dịch COVID-19?
Trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp và khó lường, hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, kịp thời của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các địa phương bạn, Hà Nội đã kiểm soát dịch khá hiệu quả.
Đồng thời, thành phố luôn duy trì, không để đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa, mở cửa nền kinh tế, tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất, kinh doanh nên vẫn đạt các chỉ tiêu đã đề ra.
Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, thành phố cùng cả nước thực hiện mở cửa trở lại nhiều hoạt động kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn trong trạng thái "bình thường mới".
Thành phố đã có nhiều chính sách đặc thù, đặc biệt để hỗ trợ người dân lúc khó khăn, để sản xuất kinh doanh với số tiền hàng chục ngàn tỷ đồng.
Riêng 9 tháng của năm 2022, thành phố đã hỗ trợ 420.279 lượt lao động của 13.971 doanh nghiệp với số tiền trên 220 tỷ đồng; triển khai chính sách miễn, giảm thuế, lệ phí đối với 61.121 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn với tổng số tiền là 11.141 tỷ đồng; gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất đối với 17.824 đơn vị với tổng số tiền là 6.246 tỷ đồng…
Thành phố còn tập trung vào nhiều hoạt động văn hóa - xã hội, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Trung ương giao góp phần tổ chức thành công SEA Games 31, được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, tiếp tục khẳng định hình ảnh và uy tín của Việt Nam.
Triển khai kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045. Trên cơ sở chủ trương của Thành ủy về phát triển văn hóa - giáo dục - y tế, Nghị quyết chuyên đề của HĐND thành phố về thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích giai đoạn 2022 - 2025 và những năm tiếp với tổng số tiền là 49.203 tỷ đồng để thực hiện 1.469 dự án; UBND thành phố ban hành Quyết định phân bổ 2.000 tỷ đồng để thực hiện 146 dự án đủ điều kiện triển khai ngay những tháng đầu năm.
Xin ông đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của UBND Thành phố trong hai năm đầu triển khai Nghị quyết lần thứ XVII của Đại hội Đảng bộ thành phố?
Hà Nội triển khai Nghị quyết lần thứ XVII của Đại hội Đảng bộ thành phố trong bối cảnh diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của Thủ đô và đất nước; những năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các kế hoạch 5 năm 2021 - 2025; trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; đồng thời, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tác động tiêu cực tới mọi mặt đời sống.
Với tinh thần chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, sự vào cuộc quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ nên kết quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố tiếp tục có sự phục hồi nhanh. Tăng trưởng GRDP của toàn thành phố 9 tháng của năm 2022 đạt 9,69% - cao nhất trong nhiều năm trở lại đây (riêng quý III/2022 tăng trưởng đạt 15,71%; cùng kỳ, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, GRDP quý III/2021 của thành phố giảm 7,02%); các cân đối lớn về kinh tế được bảo đảm: thu ngân sách là 244.071 tỷ đồng, đạt 78,3% dự toán (tăng 12,7% so cùng kỳ), chi ngân sách đạt 45,4% dự toán (tăng 8,7% so cùng kỳ); các ngành, lĩnh vực tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng, ngành du lịch phục hồi mạnh (9 tháng của năm, Hà Nội đón 1,7 triệu lượt khách du lịch, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ); lạm phát cơ bản được kiểm soát, 9 tháng đầu năm 2022 chỉ số CPI đạt 3,49%.
Công tác quản lý và phát triển đô thị tiếp tục chuyển biến tích cực; công tác quy hoạch được đẩy nhanh tiến độ với nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt (như: Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống; quy hoạch các bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;...); triển khai thực hiện Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với đẩy nhanh tiến độ thực hiện điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô;…
Gần đây, thành phố trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội; ngay sau khi được Quốc hội thông qua, Hà Nội cùng các tỉnh nơi dự án đi qua (các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh) thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư đường Vành đai 4, đồng thời tổ chức ký kết giao ước thi đua trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án, phấn đấu hoàn thành tiến độ theo kế hoạch đề ra.
Có thể khẳng định, sau 2 năm triển khai Nghị quyết lần thứ XVII của Đại hội Đảng bộ thành phố, Hà Nội đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo tiền đề phát triển bền vững Thủ đô trong thời gian tới.
Thành phố tập trung cải cách thủ tục hành chính như thế nào để đón các nhà đầu tư, doanh nghiệp?
Đây là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng; là một trong những giải pháp lớn để triển khai một trong ba khâu đột phá chiến lược đề ra tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ thành phố.
Thời gian qua, thành phố tiếp tục chú trọng đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và sâu sát, quyết liệt trong hành động, cụ thể: tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong quản lý nhà nước gắn với phương châm “bảo đảm việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cho cấp đó thực hiện” và “kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành, lĩnh vực với quản lý theo địa bàn, bảo đảm một việc không quá 2 cấp hành chính quản lý”.
Qua đó, nhiều nội dung công việc được phân cấp, ủy quyền đến các cấp, các ngành xử lý trực tiếp, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm tầng nấc trung gian, kịp thời đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
HĐND thành phố vừa thông qua Nghị quyết về Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn. Xuyên suốt quá trình thực hiện, các sở, ngành thành phố đã thống kê toàn bộ các nhiệm vụ thuộc quản lý nhà nước từ cấp thành phố đến cấp huyện và cấp xã được quy định tại các văn bản pháp quy từ Trung ương đến địa phương (với 1.220 nhiệm vụ) và rà soát tổng số thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố theo thẩm quyền (với 1.884 thủ tục) để đề xuất phương án phân cấp, ủy quyền phù hợp.
Mặc dù, được đánh giá là một cuộc rà soát tổng thể với quy mô lớn từ trước tới nay, tuy nhiên, với chủ trương của thành phố, việc phân cấp, ủy quyền sẽ tiếp tục được triển khai một cách thường xuyên, liên tục. Trong thời gian tới, thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành thường xuyên rà soát, tiếp tục đề xuất phân cấp, ủy quyền đảm bảo tính phù hợp.
Ông có thể cho biết chiến lược phát triển của Hà Nội trong thời gian tới?
Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, xác định mục tiêu phát triển Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển.
Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết này đã tạo tiền đề quan trọng để Thủ đô xây dựng chiến lược phát triển trong những năm tiếp theo. Để cụ thể hóa, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động và trong thời gian tới, thành phố đang xây dựng Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ lớn quan trọng như:
Thứ nhất, thành phố tiếp tục phối hợp cùng các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, như: Luật Thủ đô, Luật Đất đai, Luật Nhà ở,... để phù hợp hơn với tinh hình thực tiễn, để chính sách sớm đi vào cuộc sống cũng như tạo hành lang pháp lý quan trọng trong chiến lược phát triển Thủ đô và cả nước.
Thứ hai, phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện nhiệm vụ Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với thực hiện điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Thứ ba, tập trung phát triển và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng (bao gồm: hạ tầng kinh tế, xã hội và hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số); đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan hành chính các cấp, trong đó, trọng tâm thực hiện công khai, minh bạch các thông tin quản lý, điều hành, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung của thành phố, triển khai đồng bộ, thông suốt hệ thống văn phòng điện tử từ cấp thành phố đến các cấp cơ sở gắn với lộ trình chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền điện tử, xây dựng chính quyền số, phát triển đô thị thông minh...
Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu đặt ra, trước mắt, thành phố Hà Nội cần kịp thời thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư; hoàn thành các thủ tục, sớm khởi công dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng.
Trân trọng cảm ơn ông!