Tham dự hội thảo có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Phùng Quốc Hiển, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương; Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận Trung ương; Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông... cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận trung ương; các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội; đại diện các tỉnh, thành phố lân cận, đại diện doanh nghiệp của Hàn Quốc; đại diện cơ quan, đại diện vùng của Cộng hòa Pháp và đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp…
Những ý kiến tâm huyết tại hội thảo đã nêu bật lên tầm quan trọng của quy hoạch Thủ đô, đồng thời làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng, thực hiện quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với các định hướng quan trọng theo Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, ngày 5/5/2022, của Bộ Chính trị khóa XIII về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đồng thời đưa ra những đề xuất, kiến nghị cập nhật, bổ sung hoàn thiện quy hoạch, đáp ứng yêu cầu xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị đáng sống, văn minh, hiện đại, trở thành trung tâm động lực phát triển của khu vực ASEAN, châu Á trong tương lai.
Hội thảo tập trung thảo luận 2 nhóm vấn đề: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và thực tiễn xây dựng và thực hiện quy hoạch các ngành và quận, huyện thành phố Hà Nội để sử dụng hiệu quả các nguồn lực thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo PGS.TS Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bản chất của quy hoạch là bàn về tương lai, khát vọng phát triển của một quốc gia, vùng, địa phương bằng định vị không gian.
Hà Nội đang làm đồng thời 3 việc quan trọng có mối liên hệ trực tiếp với nhau là: Lập Quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh Quy hoạch chung và xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Việc tiến hành cả 3 công việc này cùng một lúc là cơ hội quý giá để xây dựng, phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới. Quy hoạch Thủ đô Hà Nội tạo căn cứ lớn về định hướng phát triển và định vị không gian phát triển để quy hoạch chung xây dựng điều chỉnh theo. Để thực hiện các quy hoạch này, Luật Thủ đô sẽ tạo ra căn cứ pháp lý về cơ chế, thể chế đặc thù để bảo đảm ý tưởng, mục tiêu xác định trong các quy hoạch được triển khai trong thực tiễn.
Trình bày một số nội dung chủ yếu về quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, GS.TS Hoàng Văn Cường, đại diện Liên danh tư vấn Quy hoạch Thủ đô nhận diện 5 "điểm nghẽn" trong phát triển Thủ đô hiện nay. Đó là thiếu thể chế; hạ tầng chưa đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông công cộng, đường sắt đô thị chưa phát triển, quy hoạch đô thị và các quy chuẩn kèm theo quy hoạch và các quy định về phòng chống lũ, tình trạng ô nhiễm môi trường; năng lực, ý thức và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thực thi trong bộ máy quản lý còn hạn chế, e dè, né tránh, không tạo được những đột phá, dám nghĩ dám làm trong thực thi công vụ.
Định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, GS.TS Hoàng Văn Cường nêu 5 quan điểm chung phát triển Thủ đô, trong đó, quan điểm hàng đầu là phát triển nhanh, bền vững, sáng tạo, bao trùm, trở thành cực tăng trưởng có vai trò lan tỏa và dẫn dắt, thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng động lực phía Bắc và cả nước; tạo dựng được hình ảnh, vị thế phồn vinh, thịnh vượng của quốc gia trên trường quốc tế; làm hình mẫu lan tỏa cho phát triển của vùng, đi trước cả nước những chỉ tiêu về nước công nghiệp và phát triển.
Trong đó, phương án tổ chức không gian kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô Hà Nội theo mô hình “5 hành lang và vành đai kinh tế liên tỉnh – 5 không gian phát triển – 5 vùng kinh tế xã hội – 5 trục động lực – 5 không gian đô thị”.
Nhìn nhận quy mô đặt ra trong quy hoạch Thủ đô là khá hạn hẹp, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi, tại sao chỉ nghĩ quy hoạch đến năm 2065 mà không đến năm 2100, hoặc tại sao không đặt vấn đề Hà Nội là trung tâm phát triển của vùng, khu vực, mà mới chỉ là trung tâm của cả nước?. Theo ông Phùng Quốc Hiển, việc quy hoạch Thủ đô thời gian qua đã có bước tiến vượt bậc song vẫn còn một số số hạn chế như: hướng phát triển không rõ ràng theo trục nào, trong 5 trục thì trục nào là trục chính?. Bên cạnh đó, tư duy quy hoạch không theo kịp phát triển.
“Vấn đề nữa là xây dựng không gian ngầm, nếu không có không gian ngầm thì đừng nói đến phát triển. Phải quy hoạch đô thị theo không gian 4 chiều, có quá khứ, hiện tại và tương lai, đồng thời quy hoạch hệ thống ngầm, không gian ngầm”, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề xuất.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, quy hoạch phát triển Thủ đô nên theo chiều sâu với sự kết hợp của các loại hình đô thị. Đô thị có thể được phân thành nhiều loại, tồn tại song hành hoặc phát triển tiếp nối nhau như đô thị tích hợp, đô thị sinh thái và đô thị nén. Cùng với đó là chú trọng bảo tồn các giá trị văn hóa xã hội của Thủ đô. Để gìn giữ được những bản sắc văn hóa riêng có của Hà Nội, cần đề cao hơn nữa vai trò của cộng đồng trong công việc quy hoạch đô thị. Cần có cơ chế phù hợp để cộng đồng có thể tham gia ý kiến vào những vấn đề sát thực nhất với cuộc sống hằng ngày ngay từ khâu xây dựng quy hoạch. Tính khả thi và đồng thuận để giải quyết triệt để các vấn đề của Thủ đô sẽ chỉ đạt được khi nhận thức, quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng dân cư được tôn trọng và tăng cường
Đưa ra một số ý tưởng về tầm nhìn và khát vọng quy hoạch Thủ đô, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, về trục phát triển, quy hoạch Hà Nội sẽ có nhiều trục phát triển, nhưng cần nhấn mạnh hơn với một tinh thần nhất quán về trục phát triển sông Hồng về: tâm linh, môi trường, giao thông, cây xanh, mật độ xây dựng và kiến trúc, văn hóa... Trong số các trục phát triển của Hà Nội thì trục sông Hồng có tính kết nối cao, rộng nhất, trên nhiều phương diện. Từ trục phát triển sông Hồng, quy hoạch chi tiết của các quận huyện sẽ lưu ý thêm tới những chi lưu của sông Hồng (sông Cà Lồ, sông Ngũ Huyện Khê, sông Đuống ở tả ngạn; sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch ở hữu ngạn).
Về tương quan giữa các thành tố phát triển, trong quy hoạch Thủ đô cần quan tâm hàng đầu đến yếu tố văn hóa. Quy hoạch Hà Nội theo hướng là thành phố di sản, có văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, mang bản sắc Thủ đô ngàn năm văn hiến. Hà Nội là thành phố sáng tạo, công nghiệp văn hoá phát triển, thành phố thông minh; là điểm đến của du lịch văn hoá, ẩm thực và trung tâm dịch vụ chất lượng cao; thành phố của các sự kiện văn hoá mang tầm quốc tế thường niên; thành phố hiện đại nhưng thanh bình với con người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, trên cơ sở đề cương định hướng được Ban chấp hành Đảng bộ thành phố thông qua, Dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được xây dựng với tinh thần khẩn trương, phương pháp tích hợp, đồng bộ, cách làm linh hoạt, sáng tạo, đổi mới; với mục tiêu xuyên suốt là văn hoá và con người vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực phát triển Thủ đô.