Theo đó, thành phố quan tâm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia, dân tộc. Đồng thời, thành phố xây dựng phát triển toàn diện và đồng bộ trên các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, nâng cao chất lượng hiệu quả sáng tạo, các giá trị văn hóa mới. Hà Nội cũng chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, dù còn nhiều khó khăn, Thủ đô Hà Nội vẫn nỗ lực vượt bậc để hoàn thành tốt nhiệm vụ, thể hiện ở 5 điểm nổi bật. Đó là dấu ấn sâu đậm từ việc thay đổi tư duy và cách tiếp cận trong công tác quản lý Nhà nước về văn hóa; kết quả từ triển khai công nghiệp văn hóa trên địa bàn; bước tiến của thể thao thành tích cao cùng sức lan tỏa của thể thao quần chúng; kết quả trong đầu tư nâng cấp thiết chế văn hóa, tu bổ di tích…
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị, trong thời gian tới, ngành Văn hóa Thủ đô với tiền đề là Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” vừa được tổ chức, sẽ khẩn trương phối hợp, nghiên cứu, làm rõ hơn những vấn đề về nội hàm, đặc trưng văn hóa, con người của Thủ đô, từ đó xây dựng những quy tắc, quy chế phù hợp, có định hướng để tuyên truyền, vận động lan tỏa trong xã hội.
Năm 2022, dù có một thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ngành Văn hóa Thủ đô tổ chức hàng loạt phong trào thi đua, sự kiện văn hóa thể thao quy mô… góp phần quan trọng vào kết quả một năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 cũng như triển khai hiệu quả các chương trình hành động, nghị quyết của Thành ủy Hà Nội về xây dựng văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn.
Ngành Văn hóa Thủ đô phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các sáng kiến khi Hà Nội tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, tổ chức hội thảo, tọa đàm, sự kiện văn hóa thúc đẩy sáng kiến phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn. Công tác bảo và phát huy giá trị di sản văn hóa đạt hiệu quả tốt, với 33 di tích được đề nghị các cấp xem xét, xếp hạng; 579 di tích xuống cấp được đưa vào chương trình đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025.
Trong năm 2022, toàn thành phố có 88% gia đình, 63% thôn và 72% tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa. Công tác thể dục thể thao gặt hái nhiều kết quả, đặc biệt thành phố phối hợp tổ chức và thi đấu thành công Đại hội Thể thao Đông Nam Á - SEA Games 31; Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022. Thể thao Hà Nội đã giành 2.547 huy chương tại các kỳ thi đấu trong nước và quốc tế, vượt chỉ tiêu được giao là 117 huy chương.
Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh ghi nhận ngành Văn hóa và Thể thao đã chủ động tham mưu cho Thành ủy, HĐND, UBND thành phố ban hành nhiều chương trình, nghị quyết quan trọng về văn hóa, góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, tiếp tục phát huy, nhân rộng các giá trị văn hóa, truyền thống gia đình tốt đẹp trên địa bàn thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội kỳ vọng trong năm mới 2023, ngành Văn hóa Thủ đô sẽ tiếp tục phát huy thành quả trong năm 2022, nỗ lực, quyết tâm vượt qua những khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, góp phần quan trọng vào việc phát triển bền vững Thủ đô.