Thay đổi tư duy làm du lịch
Xã Quảng Phú Cầu cách trung tâm Hà Nội khoảng 35 km về phía nam thành phố. Xã có 6 thôn: Xà Cầu, Quảng Nguyên, Phú Lương Thượng, Phú Lương Hạ, Cầu Bầu và Đạo Tú. Thời gian gần đây, làng tăm hương Quảng Phú Cầu trở thành địa chỉ du lịch ở ngoại thành Hà Nội bởi vẻ đẹp bình yên với những sắc màu rực rỡ của tăm hương. Đến đây, du khách sẽ có những bức ảnh đẹp không khác gì những làng hương nổi tiếng ở Thừa Thiên - Huế.
Theo các cao niên trong làng, nghề hương truyền thống ở xã đã có khoảng hơn 100 năm tuổi với sản phẩm chính là chân hương, tăm hương. Sau này, để phục vụ nhu cầu thị trường, bà con mới làm thêm các sản phẩm khác như hương thành phẩm, tăm tre, chổi tre…
Là chủ một cơ sở sản xuất hương sạch, anh Thiệu Văn Ước cho biết: "Bên cạnh màu đỏ, màu vàng đơn thuần, tôi đã tìm hiểu và sử dụng hoa đậu biếc, bột lá cây... để giúp chân hương có được nhiều màu sắc nổi bật, tươi mới". Ngoài ra, anh Thiệu Văn Ước còn mua thêm nhiều đèn lồng và dùng chính sản phẩm của làng nghề để trang trí cho cơ sở sản xuất hương thêm ấn tượng.
Trước đây, để làm ra được những que hương, người thợ phải thực hiện các công đoạn hoàn toàn thủ công. Những năm trở lại đây, gia đình anh Thiệu Văn Ước quyết định đầu tư máy móc hiện đại giúp tăng hiệu quả công việc.
“Trước đây, những cây nứa, vầu sẽ được người thợ chẻ, tuốt và vót bằng tay. Điều này khiến chúng tôi tốn nhiều nhân lực, hiệu quả đem lại không cao. Bây giờ đơn đặt hàng ngày càng nhiều, nếu không áp dụng công nghệ hiện đại vào hỗ trợ sản xuất để tăng năng suất, khó đáp ứng hết các đơn hàng trong và ngoài nước”, anh Thiệu Văn Ước cho hay.
Anh Thiệu Văn Ước cũng thường tham gia cùng xã giới thiệu sản phẩm nghề truyền thống tại các hội chợ, festival làng nghề, giới thiệu sản phẩm OCOP do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức giới thiệu hình ảnh làng nghề hương. Từ đó, nhiều người dần biết đến làng nghề hương Quảng Phú Cầu và thu hút đông khách hơn.
Hiện nay, việc duy trì làm tăm hương tại xã Quảng Phú Cầu không chỉ mang đến sự ổn định về kinh tế mà còn đang tạo nên một diện mạo mới cho xã. Theo đó, đến với Quảng Phú Cầu, du khách sẽ được trải nghiệm xem người dân vót tre, nhuộm chân hương với đủ màu sắc và phơi tăm hương ở sân đình, trên đường làng.
Bên cạnh đó, để thu hút khách du lịch, sân đình Cầu Bầu đã trở thành không gian quảng bá, giới thiệu sản phẩm tăm hương của Quảng Phú Cầu. Nhiều gia đình trong xã cũng tổ chức khu vực phơi, bày tăm hương với nhiều hình đẹp mắt như: Hình Quốc kỳ, hình bản đồ Việt Nam...
Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu Nguyễn Hữu Nhất cho biết, sức hút từ hoạt động du lịch khiến bà con thay đổi tư duy làm làng nghề. Người dân ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh đường làng ngõ xóm, trang trí khu vực phơi, bày tăm hương đẹp mắt. Điều này cũng thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới của xã.
Để bảo vệ môi trường, UBND xã cũng phối hợp với công ty môi trường thu gom phế liệu, rác thải; đồng thời, giao các tổ tự quản, các hộ tham gia di chuyển rác không tái chế được về nơi thu gom. Xã Quảng Phú Cầu đã xây dựng các phương án giảm thiểu tối đa tình trạng gây ô nhiễm môi trường như tuyên truyền về quy định bảo vệ môi trường trong nhân dân, xử phạt nghiêm đối với các hành vi đốt rác, xả thải rác không đúng quy định.
Tạo dựng mô hình du lịch nông thôn
Theo UBND huyện Ứng Hòa, làng hương Quảng Phú Cầu đang trở thành một trong những điểm du lịch chính của huyện. Huyện đang tập trung đầu tư hạ tầng, đường sá, cải tạo cảnh quan, không gian... để tăng sức hấp dẫn cho du khách tại xã Quảng Phú Cầu.
Trong năm 2024, huyện Ứng Hoà đã phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội ra mắt tuyến du lịch trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức với chủ đề “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội”. Trong tuyến du lịch này, làng tăm hương Quảng Phú Cầu sẽ là một trong những điểm nhấn, kết nối giữa các địa phương trong vùng.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, Hà Nội có tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, với số lượng nghề và làng nghề truyền thống phong phú, có giá trị đối với hoạt động du lịch, Hà Nội đang hướng tới mục tiêu phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững. Trong đó mô hình làng nghề với nền tảng là việc xây dựng nông thôn mới đã được các đơn vị làm du lịch tư vấn cho người dân xã Quảng Phú Cầu khai thác mang lại hiệu quả.
Trưởng thôn Cầu Bầu, xã Quảng Phú Cầu Nguyễn Đình Đảm cho biết: “Hơn 90% lao động trong thôn làm nghề truyền thống, đời sống, thu nhập ổn định. Nhờ làng nghề phát triển kết hợp với du lịch, thu nhập bình quân của người lao động làm nghề tại xã là 72 triệu đồng/năm".
Theo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ứng Hòa, tới đây, địa phương sẽ hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng, môi trường, cảnh quan, các khu giới thiệu sản phẩm OCOP tại Quảng Phú Cầu để hấp dẫn du khách hơn.