Sau một ngày làm việc, kỳ họp chuyên đề - kỳ họp thứ 19 Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội khóa 16 đã bế mạc.
Trong kỳ họp này, các đại biểu đã tập trung nghiên cứu, thảo luận và biểu quyết thông qua 15 Nghị quyết với tỷ lệ thống nhất cao, trong đó có nhiều nội dung, quy định, là cơ sở pháp lý rất quan trọng để kịp thời triển khai thi hành Luật Thủ đô và tháo gỡ, giải quyết hiệu quả các vướng mắc, khó khăn phát sinh trong thực tiễn phát triển của Thành phố.
Đáng chú ý, trong 15 Nghị quyết được thông qua, có Nghị quyết liên quan đến "Tài sản công" được sử dụng để kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.
Liên quan đến Nghị quyết quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao; ông Nguyễn Xuân Lưu, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật, chỉ có đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, khi chưa sử dụng hết công suất.
Nhưng thực tế, các công trình hạ tầng văn hóa - thể thao, công trình kiến trúc có giá trị thuộc phạm vi quản lý của thành phố là tài sản công được giao do nhiều đối tượng quản lý, sử dụng (cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội). Khi sử dụng tài sản công để kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết... gặp rất nhiều khó khăn do phải chứng minh chưa sử dụng hết công suất, do không đạt hiệu quả kinh tế khi xây dựng Đề án.
Hàng loạt các bất cập được chỉ ra như: Chi phí tiền thuê đất, khấu hao tài sản cao, quá trình xây dựng, thẩm định, trình phê duyệt Đề án nhiều thủ tục, kéo dài.
Khi Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua, Điều 41 trong bộ luật quan trọng này chỉ rõ một phương thức khai thác mới, khuyến khích thực hiện xã hội hóa nhằm đa dạng hóa nguồn lực để duy trì, phát triển, khai thác tài sản công, nâng cao hiệu quả, tránh lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Từ thực tiễn đó, việc ban hành quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của tHà Nội (thực hiện khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô) là cần thiết, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phát huy hiệu quả nguồn lực từ tài sản công.
Nghị quyết gồm 5 Chương, với 25 Điều. Đối tượng áp dụng gồm 3 nhóm: Cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của thành phố được giao quản lý, sử dụng công trình, hạng mục công trình nhượng quyền khai thác, quản lý (gọi chung là cơ quan, tổ chức, đơn vị); doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhận nhượng quyền khai thác, quản lý 6 công trình, hạng mục công trình theo quy định tại Nghị quyết này (gọi chung là doanh nghiệp, nhà đầu tư); các đối tượng khác liên quan đến việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình, hạng mục công trình nhượng quyền khai thác, quản lý.
Liên quan đến Nghị quyết sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của thành phố vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết (thực hiện điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô), UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị sự nghiệp công lập được phép sử dụng tài sản công chưa sử dụng hết công suất vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; hoặc việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết đem lại hiệu quả cao hơn trong việc cung cấp dịch vụ công theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo Đề án được Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt (sau khi có ý kiến của Thường trực HĐND thành phố đối với đề án sử dụng tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập để liên doanh, liên kết).
Tuy vậy, thực tế triển khai việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết trong thời gian qua của Thành phố gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đa số các đơn vị lúng túng trong việc lập, xây dựng Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; việc thẩm định, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt Đề án phải qua nhiều tầng nấc, thủ tục... Do vậy, đến nay, có rất ít Đề án được thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, triển khai thực hiện theo quy định.
Để triển khai hiệu quả Luật Thủ đô, nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập, chống lãng phí, phát huy nguồn lực; duy trì, bảo vệ, giữ gìn tài sản công khi sử dụng vào mục đích cho thuê, kinh doanh, liên doanh, liên kết; thì việc ban hành Nghị quyết này là cần thiết, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với thẩm quyền và nhiệm vụ được giao tại Luật Thủ đô.
Theo Nghị quyết, đối tượng áp dụng là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của thành phố; cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của thành phố vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.
Nghị quyết gồm 5 chương, với 21 điều. Nguyên tắc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết gồm: Sử dụng tài sản đúng công năng, mục đích sử dụng của tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; không làm mất quyền sở hữu về tài sản công; bảo toàn và phát triển vốn, tài sản Nhà nước giao.
HĐND TP Hà Nội nhấn mạnh, việc thực hiện Nghị quyết về tài sản công phải theo cơ chế thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch; được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; mọi hành vi vi phạm pháp luật phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật; không làm ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ công, chức năng, nhiệm vụ được giao của đơn vị; phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác với Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, Nhà nước không cấp kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa đối với tài sản công chỉ được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Đơn vị sự nghiệp công sử dụng nguồn thu được từ việc kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết để bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công theo quy định.
Trường hợp tài sản được tính thành vốn góp khi liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật, việc xác định giá trị tài sản phải bảo đảm các nguyên tắc quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Trường hợp liên doanh, liên kết hình thành pháp nhân mới, đơn vị sự nghiệp công phải đảm bảo nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trong pháp nhân mới.
Việc sử dụng tài sản gắn liền với đất và giá trị quyền sử dụng đất tại đơn vị sự nghiệp công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.