Quá trình đi tìm điểm tựa nội lực đó, mâu thuẫn giữa sản xuất nhỏ với thị trường lớn và giữa hiệu quả thấp với rủi ro cao bộc lộ ngày càng rõ cho thấy cần có sự đổi mới trong cách làm nông nghiệp của người nông dân, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp và cần có chính sách thu hút sự đầu tư của doanh nghiệp về với nông thôn. Trong Nghị quyết 19-NQ/TW về xây dựng nông thôn mới hướng đến phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, điều quan trọng nhất, ngành nông nghiệp phải giải được bài toán đưa hàng triệu nông dân chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Đó là sản xuất nông nghiệp hãy để thị trường điều chỉnh, thị trường dẫn dắt, thị trường nằm ở doanh nhân và doanh nghiệp.
Cho hoa nở theo ý muốn của thị trường
Là một trong 10 trang trại trồng hoa lan Hồ điệp lớn nhất cả nước, với 20.000 m2 đặt tại thị trấn Phùng, Đan Phượng, hàng năm cung cấp cho thị trường hàng trăm vạn cây giống và hoa thương phẩm, Flora Vietnam tự hào mang lại những sản phẩm hoa lan Hồ điệp tràn đầy màu sắc và chất lượng cao. Bà Huyền Bích, Giám đốc Hợp tác xã Đan Hoài, huyện Đan Phượng (Hà Nội) cho biết, trang trại hoa lan ở đây chỉ trồng duy nhất một loại lan Hồ điệp, nhưng có khoảng 40 màu sắc khác nhau, trong đó có 1-2 màu là bản quyền chỉ có Flora Vietnam mới có. Lan Hồ điệp chỉ nở vào mùa lạnh nhưng với trang trại Flora Vietnam lan Hồ điệp sẽ nở quanh năm theo ý muốn của thị trường nên cần phải có kế hoạch trước để trang trại chăm sóc cho hoa nở đúng dịp khách yêu cầu. Ví dụ, khách muốn đặt đơn hàng vào dịp lễ tết như mùng 8/3, 20/10 hay 20/11 cần phải có kế hoạch trước, dài hơi một chút. Khi làm nông nghiệp công nghệ cao chúng ta có thể chủ động đủ nguồn hàng theo đúng đơn đặt hàng mà không phụ thuộc vào mùa vụ nhiều như trước.
Để có được thành công này, Hợp tác xã Đan Hoài có phương thức sản xuất rất chuyên nghiệp, được liên kết với rất nhiều nhà vườn, trang trại lớn ở Đà Lạt, Sapa, Mộc Châu... cùng tham gia và đem lại hiệu quả cao. Mỗi năm, Hợp tác xã Đan Hoài doanh thu từ cây giống và cây thương mại đạt khoảng 800 - 1 triệu USD. Bà Huyền Bích cho biết, sau nhiều năm kinh doanh hoa lan, từ bán lẻ bây giờ hợp tác xã chỉ tập trung vào bán buôn và làm theo đơn đặt hàng.
Với cách làm liên kết các nhà vườn, mỗi nhà vườn sẽ có một thế mạnh riêng và họ sẽ chịu trách nhiệm với công đoạn đó, hiệu quả cao hơn, lợi nhuận chia đều. Bà Huyền Bích chia sẻ, mọi người đang cho mình là đi ngược, vì đưa lan từ Bắc vào Đà Lạt. Trong Đà Lạt khí hậu lạnh chỉ cần đưa cây vào là ra hoa, không phải chạy máy lạnh như ngoài Bắc. Hợp tác xã Đan Hoài liên kết với các vườn trong Đà Lạt với tỷ lệ là 50/50, Tết khi bắt đầu có hoa thì họ chuyển cho mình. Như vậy là mình cấp giống họ chăm sóc một giai đoạn, mình chăm sóc một giai đoạn. Ví dụ Hợp tác xã chuyển vào đó 1 vạn cây thì họ sẽ được quyền bán 5.000 cây, hợp tác xã bán 5.000 cây. Lúc trước chúng ta luôn làm từ A đến Z nhưng bây giờ cần phải thay đổi tư duy nên chia ra những công đoạn như thế sẽ tốt hơn.
Trong 2 năm xảy ra dịch COVID-19, sản xuất đình trệ nhưng với Hợp tác xã Đan Hoài lại không bị ảnh hưởng mà còn giúp cho doanh nghiệp thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, tiếp cận nhiều hơn với chuyển đổi số, quản lý, thay đổi phương thức bán hàng truyền thống. Bà Huyền Bích cho biết, do ảnh hưởng của COVID-19 nên hợp tác xã thay đổi hoàn toàn cách bán hàng truyền thống. Các cây hoa được mã hóa đánh số, tiêu chuẩn hóa cụ thể. Số hóa chuẩn, gần như khách không phải lo lắng về chất lượng và phương thức giao hàng vì tất cả đã được sắp xếp theo quy trình chuẩn.
Với quy mô sản xuất của Hợp tác xã Đan Hoài hiện nay, các nhân viên đều được đào tạo cơ bản về kỹ thuật cao trong sản xuất nông nghiệp, hầu hết là các bà các chị nông dân thực thụ. Sau rất nhiều năm làm với Hợp tác xã Đan Hoài họ đã thành những người nông dân tay nghề cao, đáp ứng được đòi hỏi về kỹ thuật, đặc biệt phù hợp với môi trường không phải sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, có thu nhập ổn định. Môi trường làm việc tại nông thôn như vậy sẽ làm thay đổi suy nghĩ của những người đi từ làng quê.
Bà Huyền Bích chia sẻ: "Tôi có một cộng sự mà tôi rất thích. Đó là một thanh niên sinh ra từ làng, được đào tạo để trở thành kỹ sư cơ khí, nhưng vì tình yêu hoa, bạn ấy đã chuyển sang làm cây hoa và gắn bó với Hợp tác xã Đan Hoài 15 năm. Bây giờ, bạn ấy là kỹ thuật chính của trang trại hoa lan Đan Hoài, với mức lương 1.500 USD/tháng. Điều tôi muốn nói, bạn ấy có thể sống tốt tại nông thôn mà không cần phải ra thành phố".
Cần cách "dẫn dắt nông dân ra thị trường"
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có hơn 160 mô hình nông nghiệp công nghệ cao; trong đó có 109 mô hình trồng trọt, 40 mô hình chăn nuôi và 15 mô hình thủy sản. Nhưng mô hình phát triển công nghệ cao thành công như Hợp tác xã Đan Hoài, huyện Đan Phượng thành phố Hà Nội lại rất hiếm.
Lý giải về vấn đề này, ông Ngô Đại Ngọc, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng, lý do không thu hút được doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp đó là chính sách về hạn điền, doanh nghiệp rất khó khăn khi tìm thuê đất để mở rộng sản xuất. Trong nông nghiệp diện tích lớn thì mới có thể sản xuất lớn, giá thành mới cạnh tranh, mới áp dụng được tiến bộ kỹ thuật, mới đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Điều quan trọng là tư duy trong sản xuất nông nghiệp, Hà Nội rất cần nhiều doanh nghiệp như Hợp tác xã Đan Hoài để "dẫn dắt nông dân ra thị trường".
Cần phải thay đổi tư duy đối với ngành nông nghiệp - đó là nông nghiệp phải là ngành kinh tế nông nghiệp chứ không chỉ quan tâm đến kỹ thuật nông nghiệp. "Có nghĩa trước đây nông nghiệp chỉ tập trung đến sản xuất, còn đầu ra là công thương lo nên mới dẫn đến tình trạng "được mùa rớt giá". Bởi anh sản xuất ra mà không quan tâm đến nhu cầu thị trường thừa hay thiếu. Nhưng nếu coi nông nghiệp là một ngành kinh tế, thì sẽ quan tâm đến tất cả mọi vấn đề từ đầu vào đầu ra cho nó hoàn thiện. Hay nói cách khác kinh tế nông nghiệp là một chuyên ngành có liên quan đến các giá trị như kinh tế, thương mại, tài chính, quản trị và kinh doanh các sản phẩm từ nông nghiệp", ông Ngô Đại Ngọc chia sẻ.
Đồng quan điểm này, Tiến sĩ Hoàng Mạnh Hùng, Trưởng bộ môn Kinh tế nông nghiệp (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, để ngành nông nghiệp và hàng triệu nông dân thay đổi tư duy không phải việc dễ dàng. Hiện nay, người sản xuất vẫn quan tâm đến sản lượng, trong khi chất lượng là yếu tố quan trọng để làm giá trị gia tăng của nông sản. Do vậy, không nhất thiết là phải sản xuất sản lượng nhiều, hay sản lượng xuất khẩu số một trên thế giới mà làm thế nào để giá trị nông sản phải đảm bảo thu nhập tốt cho việc sản xuất.
Theo PGS-TS Tạ Văn Lợi, Viện trưởng Viện Thương mại và kinh tế quốc tế (Trường Đại học kinh tế Quốc dân) nói: "Về kinh tế nông nghiệp cũng có hai lý thuyết. Một là kéo, hai là đẩy, khi chúng ta đã phát triển và mở cửa nền kinh tế thì cần phải chuyển đổi cả tư duy cho đến cách làm. Có như vậy, chúng ta mới kết hợp được cả lý thuyết đẩy và lý thuyết kéo. Tôi tin rằng lúc đó giá trị nông sản Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng sẽ cao hơn và có giá trị đứng vững hơn trên thị trường thế giới".
Hà Nội là một thị trường tiêu thụ lớn, với lợi thế là hơn 10 triệu dân nhưng ngành nông nghiệp Thủ đô mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu lương thực thực phẩm, còn lại vẫn phải nhập từ các địa phương khác. Đó vừa là lợi thế nhưng cũng là thách thức với ngành nông nghiệp Hà Nội. Bởi vì thị trường lớn, nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô lại rất cao, đòi hỏi sản phẩm muốn tiêu thụ được trên thị trường phải đáp ứng các tiêu chí ngon - bổ - rẻ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi đó, các mặt hàng nông lâm thủy sản tươi ngon của các vùng miền đều tập trung tại Hà Nội. Vì vậy, sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội phải cạnh tranh với sản phẩm trong nước và cả nước ngoài.
Theo các chuyên gia kinh tế, để phát triển kinh tế nông thôn Hà Nội không chỉ có lợi thế về làm nông nghiệp mà còn là vùng đất trăm nghề, với những nét văn hóa đặc sắc giúp người nông dân, vùng ven đô có thể phát huy lợi thế, phát triển kinh tế gắn giữa nông nghiệp với du lịch sinh thái, qua việc gìn giữ những nét riêng.
Bài 3: Gìn giữ nét riêng văn hóa đất Thăng Long