Trong khi đó, mức lương tối thiểu vùng vẫn chưa đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động. Công nhân ở các khu công nghiệp - chế xuất vẫn phải sống trong những khu nhà trọ không được đảm bảo. Điều kiện làm việc của một số doanh nghiệp chậm cải thiện, tai nạn lao động, tranh chấp lao động vẫn xảy ra, làm ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống của người lao động.
Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2020, do tác động của dịch COVID-19, hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ gặp khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, đời sống và thu nhập của công nhân lao động. Trên địa bàn Thủ đô có 4.204 đơn vị, doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch, với 165.007 người lao động bị mất hoặc thiếu việc làm, 1.049 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động. Tại Hà Nội, 520 trường học tư thục, cơ sở giáo dục ngoài công lập bị tác động bởi dịch bệnh (trong đó có gần 300 đơn vị có tổ chức Công đoàn cơ sở), với gần 40.000 cán bộ, giáo viên, người lao động bị mất hoặc thiếu việc làm.
Trước thực trạng trên, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống, việc làm của nhân dân và công nhân viên chức - người lao động. Các cấp, các ngành trong đó có tổ chức Công đoàn Thủ đô đã không ngừng quan tâm, đồng hành, hỗ trợ, nắm bắt tình hình tư tưởng và kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu cơ bản, cấp thiết; đặc biệt là bảo đảm về việc làm, tiền lương và tiền thưởng của người lao động. Nhờ vậy, trong công nhân viên chức - người lao động không có diễn biến phức tạp xảy ra, đều an tâm, phấn khởi, tin tưởng và đánh giá cao sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội của Thủ đô.
Từ nay đến cuối năm 2020, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 3/9/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội yêu cầu các cấp Công đoàn nắm chắc tình hình đời sống, việc làm, tiền lương, thu nhập của người lao động và tình hình quan hệ lao động tại đơn vị, doanh nghiệp; hướng dẫn Công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp gặp khó khăn, có nguy cơ phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động tham gia phương án sử dụng lao động và giải quyết chế độ cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật; tích cực tham mưu, chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ ở doanh nghiệp.
Cùng với đó, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chỉ đạo Công đoàn cơ sở duy trì đối thoại định kỳ tại nơi làm việc nhằm trao đổi thông tin, thông báo kế hoạch, kết quả sản xuất kinh doanh, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của người lao động; tuyên truyền pháp luật, chế độ chính sách giúp người lao động yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp. Đây là giải pháp hiệu quả nhằm tháo gỡ những xung đột trong quan hệ lao động, tránh những hậu quả về tranh chấp lao động và nghỉ việc tập thể. Các hoạt động này giúp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động đồng hành, chung tay chia sẻ, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn để khôi phục lại sản xuất. Trường hợp doanh nghiệp và người lao động phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp lao động và ngừng việc tập thể, Công đoàn cơ sở kịp thời báo cáo với cấp ủy và phối hợp chính quyền địa phương để có phương án giải quyết, không để xảy ra kéo dài, lây lan.
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Bùi Huyền Mai, 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn Thủ đô đã xảy ra một cuộc ngừng việc tập thể và hai vụ phản ứng của công nhân lao động tại hai doanh nghiệp trực thuộc các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội. Ngay sau khi nhận được thông tin, Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã trực tiếp chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Ngoài ra, địa bàn thành phố đã xảy ra 6 vụ tai nạn lao động và một vụ cháy làm 9 người tử vong (nạn nhân thuộc đối tượng có giao kết hợp đồng lao động), Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã tham gia đoàn điều tra, tiến hành điều tra, đã kết luận 3/6 vụ.
Theo báo cáo của 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, trong 6 tháng qua, đã có 2.150 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn ký Thỏa ước lao động tập thể (đạt 58,32%) và một số Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã hướng dẫn các doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn đại diện thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể. Nhiều quyền lợi cốt lõi đã được Công đoàn cơ sở thương lượng đưa vào Thỏa ước lao động tập thể như: thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; tiền lương, tiền thưởng, thực hiện chính sách lao động nữ, đảm bảo bữa ăn ca của công nhân lao động với mức thấp nhất 15.000 đồng...
Qua công tác tự giám sát, kiểm tra của Công đoàn cơ sở tại các đơn vị, doanh nghiệp, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội phát hiện nhiều thiếu sót, tồn tại và đã kiến nghị người sử dụng lao động giải quyết, khắc phục kịp thời, góp phần tăng cường chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Các cấp Công đoàn hiện tiếp tục triển khai thực hiện Hướng dẫn số 995/HD-TLĐ ngày 30/6/2016 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “Công đoàn khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể”. Đến nay, các cấp Công đoàn đã tiếp nhận được 592 bộ hồ sơ doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội với số tiền nợ 475,6 tỷ đồng và có 175 hồ sơ Công đoàn khởi kiện đã được Tòa án thụ lý.